Chặt hạ cây xanh: Công khai sự việc ngay khi có kết luận thanh tra

author 09:01 24/03/2015

(VietQ.vn) - Bàn về việc chặt hạ cây xanh ở Hà Nội, Bí thư Thành ủy chỉ đạo không được xử lý theo kiểu ‘hòa cả làng’ và yêu cầu công khai toàn bộ sự việc sau khi có kết quả thanh tra.

Theo những tin tức mới nhất trên báo VnExpress, ngày 23/3, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã họp và chỉ đạo xử lý những vấn đề liên quan đến việc thực hiện cải tạo, thay thế và chặt hạ cây xanh đang được dư luận quan tâm.

Không xử lý kiểu 'hòa cả làng' vụ chặt hạ cây xanh

Trong buộc họp, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị khẳng định, những cơ quan thực hiện đã lựa chọn cách làm không phù hợp, không lường trước hệ quả do việc làm của mình gây ra, trong đó có sự nôn nóng và giản đơn, cho dù chủ trương cải tạo, thay thế cây là đúng đắn và thành phố đã thực hiện có kết quả trong nhiều năm qua.

Do đó, lãnh đạo Thành ủy yêu cầu các cơ quan liên quan phải thể hiện tinh thần nghiêm túc kiểm điểm, nhìn nhận lại từng vấn đề, từng việc đã làm, chỉ rõ thiếu sót, từ đó rút kinh nghiệm chung. “Trước mắt phải dừng cải tạo, thay thế cây để rà soát, hoàn thiện tất cả quy trình, thủ tục, làm rõ các tiêu chí đánh giá, phân loại để có căn cứ quyết định cây nào cần thay, cây nào không, với tinh thần hạn chế đến mức thấp nhất việc thay những cây đã trồng”, Bí thư Hà Nội chỉ đạo.

Bí thư Thành Ủy khẳng định lãnh đạo thành phố đã kịp thời nhận ra những thiếu sót trong việc chặt hạ cây xanh

Bí thư Thành Ủy khẳng định lãnh đạo thành phố đã kịp thời nhận ra những thiếu sót trong việc chặt hạ cây xanh

Đồng thời, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh: “Cần kiểm điểm trách nhiệm từ giám đốc, phó giám đốc, cán bộ của các sở, ngành liên quan. Việc xử lý trách nhiệm này phải bảo đảm tính kỷ cương, tinh thần nghiêm túc, cầu thị, nhất định không được né tránh, bao biện hay xử lý kiểu hòa cả làng. Ngay khi có kết quả thanh tra phải cung cấp thông tin đầy đủ cho cơ quan báo chí để công khai cho nhân dân được biết.”

Về 21 câu hỏi được nêu ra trong cuộc họp báo ngày 20/3 của UBND thành phố vừa qua, Bí thư Hà Nội yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo Sở Xây dựng trả lời và gửi từng cơ quan báo chí. Nội dung trả lời phải đầy đủ, rõ ràng, chính xác, thuyết phục, không được bao biện, quanh co.

“Gỗ không bị thất thoát” trong đề án chặt hạ cây xanh

Một vấn đề khác cũng được dư luận đặc biệt quan tâm là số gỗ sau khi chặt hạ cây xanh hiện đang ở đâu? Để làm rõ câu hỏi này, nhóm PV báo Người Lao Động đã thâm nhập kho gỗ xà cừ được chặt hạ ở đường Nguyễn Trãi tại bãi tập kết trên đường K2 (phường Cầu Diễn, quận Bắc Từ Liêm).

Bãi tập kết rộng hơn 10 ha này của Xí nghiệp Sản xuất cây xanh - cây hoa - cây cảnh được quây kín bằng tôn cao khoảng 2 m,  được bảo vệ nghiêm ngặt. Ngoài cổng chính, 2 cổng phụ cũng được bảo vệ coi giữ, không cho người lạ vào.

Tại đây, phần lớn gỗ là xà cừ cỡ lớn, trong đó nhiều cây vỏ còn tươi, rỉ nhựa. Số gỗ xếp chồng chất, kéo dài hàng trăm mét, cao khoảng 2,5 m. Sau khi những hình ảnh về bãi tập kết đăng tải trên báo chí, Công ty TNHH MTV Cây xanh Hà Nội đã mở cửa khu tập kết những cây hoa sữa được chuyển từ phố Nguyễn Chí Thanh về và kho gỗ xà cừ tại Xí nghiệp Sản xuất cây xanh - cây hoa - cây cảnh (phường Cầu Diễn) để phóng viên vào xem.

Nơi tập kết số gỗ thu được sau khi chặt hạ cây xanh trong đề án cây xanh đô thị Hà Nội

Nơi tập kết số gỗ thu được sau khi chặt hạ cây xanh trong đề án cây xanh đô thị Hà Nội. Ảnh NLĐ

Trao đổi với báo Người Lao Động, ông Đỗ Ngọc Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cây xanh Hà Nội cho biết, 128 cây hoa sữa và bằng lăng được chuyển về từ phố Nguyễn Chí Thanh đã được cắt lá, tỉa cành và chuyển về chăm sóc tại vườn ươm Xí nghiệp Sản xuất cây xanh - cây hoa - cây cảnh ở quận Nam Từ Liêm.

Những cây được chặt hạ có đường kính dưới 20 cm sẽ làm củi và trên 20 cm được lưu giữ làm gỗ. “Theo quy định, tài sản công cộng đều phải thu hồi. Từ trước đến nay chứ không chỉ lần này, chúng tôi đều thực hiện khá bài bản, nghiêm túc, không thất thoát gì trong vận chuyển” - ông Hoàng nhấn mạnh.

Ông Hoàng nói thêm các cơ quan có trách nhiệm giám sát sẽ xác định khối lượng thu hồi, lập biên bản chi tiết về loại gỗ, tình trạng gỗ…,  sau đó đấu giá thông qua một đơn vị độc lập. “Toàn bộ số gỗ tại kho đang chờ thủ tục để bán đấu giá. Số tiền thu về sẽ nộp vào ngân sách để trừ lùi vào số quyết toán hằng năm của công ty” - ông Hoàng nói.

Minh Thùy (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang