Chịu tác động từ dịch Covid-19, sản lượng công nghiệp giảm tốc nhanh nhất trong 6 năm qua

author 18:58 02/04/2020

(VietQ.vn) - Trong quý 1/2020, chịu tác động từ dịch Covid-19, sản lượng công nghiệp giảm với tốc độ nhanh nhất trong hơn sáu năm rưỡi qua. Trong đó, ngành chế biến chế tạo là ngành chịu tác động nhiều nhất.

Sản lượng công nghiệp giảm tốc nhanh nhất trong 6 năm qua

Bộ Công Thương cho biết, chỉ số PMI của Việt Nam đã giảm xuống dưới ngưỡng 50 điểm trong tháng 2/2020- mức giảm ở dưới 50 điểm đầu tiên trong hơn 4 năm qua. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 3 tháng đầu năm 2020 tăng 5,8%, thấp hơn khá nhiều so với mức tăng 7,4% của cùng kỳ năm 2017; 12,7% của cùng kỳ năm 2018 và 9,2% của cùng kỳ năm 2019.

Ngành chế biến chế tạo là ngành chịu tác động nhiều nhất với tốc độ tăng 3 tháng đầu năm chỉ đạt 7,2%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 10,9% của cùng kỳ năm trước 

Trong đó, ngành chế biến, chế tạo là ngành chịu tác động nhiều nhất với tốc độ tăng 3 tháng đầu năm chỉ đạt 7,2%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 10,9% của cùng kỳ năm trước và 15,7% của cùng kỳ năm 2018. Cụ thể, khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 10,4%, sản xuất đồ uống giảm 9%; hoạt động dịch vụ hỗ trợ và khai thác mỏ, quặng giảm 8,2%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 4,2%; ngành sản xuất trang phục chịu tác động nặng nhất từ dịch Covid-19 với mức giảm 3%, đây cũng là lần đầu tiên ngành này sụt giảm; sản xuất xe có động cơ giảm 2,5%; sản xuất thiết bị điện giảm 2,3%...

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I/2020 tăng thấp ở mức 2,8% so với quý I/2019 (thấp hơn nhiều so với mức tăng 8% của quý I/2019).

Hơn nữa, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 24,9% so với mức 15,6% của cùng thời điểm năm trước. Điển hình một số ngành hàng có chỉ số tồn kho tăng cao như sản xuất chế biến thực phẩm tăng 27,5%; dệt tăng 36,2%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 45,4%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 47,2%; sản xuất kim loại tăng 48,8%; sản xuất xe có động cơ tăng 122,5%...

Một số ngành có chỉ số sản xuất quý I/2020 tăng cao so với cùng kỳ năm trước như sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 28,3%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế và khai thác quặng kim loại cùng tăng 22,4%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 14,3%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 8,9%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 8,4%...

Cũng trong quý I/2020, có một số ngành có chỉ số sản xuất giảm mạnh như sản xuất máy móc, thiết bị giảm 15,4%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 10,4%; sản xuất đồ uống giảm 9%; hoạt động dịch vụ hỗ trợ và khai thác mỏ, quặng giảm 8,2%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 4,2%...

Tập trung tái cơ cấu các chuỗi liên kết

Nguyên nhận của việc sản lượng công nghiệp giảm tốc nhanh nhất trong 6 năm qua, theo Bộ Công Thương, đó là do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bùng phát mạnh tại một số quốc gia đã ảnh hưởng đến nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo cũng như tạo ra khó khăn mới về thị trường tiêu thụ.

Hiện nay, khi Trung Quốc cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh, các nhà máy sản xuất và cung ứng nhiều loại nguyên vật liệu được vận hành trở lại…, thì khó khăn lớn hơn đã xuất hiện khi phạm vi dịch bệnh Covid-19 đã lan rộng ở quy mô toàn cầu. Hầu như tất cả các bạn hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam đều chịu tác động trực tiếp. Do vậy khó khăn về thị trường đầu ra cho sản phẩm hàng hóa của Việt Nam sẽ là rất lớn, cùng với đó là những vấn đề về sản xuất và người lao động.

Trong bối cảnh trên, Bộ Công Thương khẳng định, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng còn lại trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục triển khai thực hiện việc ứng phó với dịch Covid-19 trên tinh thần chủ động, quyết liệt đồng bộ cả trong công tác phòng, chống dịch bệnh và trong công tác triển khai các giải pháp để xử lý khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Theo đó, Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị thuộc bộ tiếp tục rà soát, báo cáo về thực trạng, nhu cầu nguyên vật liệu đầu vào, đề xuất phương án tổ chức sản xuất và các giải pháp để đa dạng hóa, bảo đảm nguyên vật liệu cho sản xuất kinh doanh và bảo đảm đủ nguồn cung cho hoạt động sản xuất trong nước.

Từ nay đến cuối năm, Bộ Công Thương sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp trọng điểm. Phối hợp với các địa phương phát triển mạnh các vùng sản xuất, các khu công nghiệp, khu kinh tế để chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu trong nước

Đồng thời, Bộ cũng đề xuất các chính sách để ưu đãi phù hợp, trước hết là đối với ngành dệt may, da giày và các ngành chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19; có cơ chế khuyến khích sản xuất linh kiện, sản phẩm trung gian trong nước thay thế nhập khẩu.

Đặc biệt, chú trọng thúc đẩy tái cơ cấu trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Trong đó, xác định trọng tâm là khu vực công nghiệp hỗ trợ và ngay từ bây giờ cần tập trung tái cơ cấu các chuỗi liên kết để phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là một số ngành công nghiệp chế biến chế tạo lớn của ta như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ... theo hướng bền vững hơn với một số đối tác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ... tránh phụ thuộc quá lớn vào một hoặc một số ít đối tác hoặc thị trường, Bộ Công Thương nêu rõ.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang