Chợ điện tử để 'lọt' hàng giả, hàng nhái: Quản thế nào?

author 12:28 12/08/2018

(VietQ.vn) - Thực trạng hàng loạt sàn TMĐT ở Việt Nam bán hàng giả, hàng nhái đang đặt bài toán cho cơ quan chức năng là sẽ phải làm gì để ngăn chặn tình trạng này nhằm quản lý chất lượng hàng hóa, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng?

Theo thống kê của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas), thời gian gần đây có nhiều khiếu nại của người tiêu dùng về việc mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng không đảm bảo chất lượng trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT).

Điển hình như, một người tiêu dùng ở Nha Trang (Khánh Hòa) khiếu nại việc mua trên Lazada.vn chiếc camera phục vụ công việc nhưng khi giao hàng là chiếc camera không hoạt động được.

 Nước hoa Chanel được bán trên sàn TMĐT có giá chưa đến 200.000 đồng.

Hay một người tiêu dùng ở quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh khiếu nại việc đặt mua xe SH150i ABS 2018 giá 30 triệu đồng trên trang Sendo.vn, sau khi chuyển tiền cho người bán thì không liên lạc được vì bị gỡ gian hàng trên mạng. Một người tiêu dùng ở Vũng Tàu mua trên Sendo.vn 2 đồng hồ thông minh theo dõi sức khỏe như huyết áp, nhịp tim, giấc ngủ, nhưng khi nhận hàng kiểm tra phát hiện đồng hồ không có bất cứ chức năng gì…

Cùng với đó, nhiều hàng hóa trên sàn TMĐT được quảng cáo là của thương hiệu nổi tiếng thế giới như Nike, Adidas, Loui Vuiton, Lascoste, Gucci, Versace…, tuy nhiên giá bán rẻ hơn rất nhiều so với hàng chính hãng.

Tuy nhiên, ngay cả cơ quan quản lý và các doanh nghiệp đang làm sàn TMĐT cũng cảm thấy bối rối trước thực trạng này, mặc dù việc quản lý các cá nhân hay doanh nghiệp bày bán hàng hoá đều phải đăng ký với những đơn vị chủ sở hữu sàn TMĐT và doanh nghiệp sở hữu sàn TMĐT đều kiểm soát được những shop online này.

Thực tế các doanh nghiệp đang làm sàn TMĐT hiện nay như Shopee, Lazada, Sendo… khi cho doanh nghiệp bày bán trên này đều có những quy định rất cụ thể về mặt hàng sẽ kinh doanh, trong đó có quy định rõ về việc kinh doanh hàng giả hàng nhái và khi có vi phạm doanh nghiệp đều bị gỡ bỏ khỏi hệ thống.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp trong lĩnh vực chia sẻ, điều khó khăn là doanh nghiệp ở đây chỉ là người quản lý chợ, chỉ quản lý về mặt hàng bày bán không vi phạm quy định, còn để phân biệt được đâu là hàng giả, hàng nhái thực tế hiện nay trong nhiều trường hợp vô cùng khó khăn, cần có nghiệp vụ hay chuyên môn thực tế.

Chia sẻ quan điểm với báo chí về tình trạng hàng giả, nhái, kém chất lượng bày bán tràn lan trên các sàn TMĐT, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết, câu chuyện hàng giả, nhái, kém chất lượng không phải của riêng TMĐT, mà là câu chuyện của thị trường, cũng không phải đến nay mới biết. Nhưng để xử lý việc này cần phải có biện pháp kiên quyết.

Hiện nay, các trang TMĐT hoạt động được quy định theo luật, khi đăng ký phải có những cam kết và đó là một trong những cơ sở để cơ quan quản lý nắm bắt.

Ông Hải cho rằng cần một biện pháp đồng bộ vì nói cho cùng hàng hóa bán trên mạng vẫn là hàng thật, còn các trang TMĐT chỉ là phương tiện, công cụ để khách hàng và doanh nghiệp giao dịch. Vì vậy, để xử lý thì phải căn cứ vào hàng hóa là những sản phẩm thực.

Nói thêm về vấn nạn hàng giả hàng nhái không được kiểm soát trên các trang TMĐT, Tiến sĩ Bạch Thành Lê, Phó chủ tịch Tập đoàn Bkav cho rằng, việc để xuất hiện các sản phẩm kém chất lượng trên các trang TMĐT thuộc trách nhiệm và chính sách các sàn. Các sàn phải có cơ chế kiểm tra, xác thực những người đăng bán hàng hóa trên trang của mình. Theo ông Lê, hiện nay các trang TMĐT mới có cơ chế đánh giá phản hồi theo kiểu chất lượng bao nhiêu ngôi sao, càng nhiều sao, giao dịch càng lâu thì được đánh giá là tốt, ranking cao chứ chưa có kiểm soát về chất lượng hàng hóa.

Đề cập đến vấn đề giải pháp, trong thời gian tới, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế đã có kế hoạch hợp tác chặt chẽ với Hải quan, cũng như cơ quan Quản lý thị trường, để triệt tận gốc những loại hàng hóa kém chất lượng bán tràn lan trên mạng này.

“Thực ra, phần lớn hàng giả, nhái là hàng nhập từ Trung Quốc, giờ chúng ta phải ngăn chặn ngay từ cửa khẩu, không cho nhập sẽ hạn chế tình trạng này. Riêng với các nhà sản xuất, lắp ráp kém chất lượng trong nước, đơn vị sẽ kết hợp với Quản lý thị trường thực hiện những chiến dịch truy quét”, ông Hải nói.

'Trảm' hàng giả, nhái trên mạng: Không làm cho có phong trào rồi thôi!(VietQ.vn) - Trong thời gian tới có thể các doanh nghiệp, cá nhân muốn bán hàng qua mạng phải cam kết bán hàng chính hãng, đảm bảo chất lượng sản phẩm như quảng bá.

Bảo Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang