Máy ‘chém’ kinh hoàng ở chợ Viềng: May đâu chưa thấy chỉ thấy mua bực

author 11:36 15/02/2016

(VietQ.vn) - Mỗi năm chợ Viềng mới có một ngày, vui thì vui thật nhưng cái gì cũng đắt đỏ bởi đâu đâu cũng thấy cảnh "chặt chém" khách không thương tiếc.

Chợ Viềng (huyện Vụ Bản, Nam Định) - phiên chợ ‘mua may bán đắt’, ‘mua may bán rủi’ lớn nhất trong các tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ đã khai phiên vào tối qua (mùng 7 Tết). Hàng vạn khách thập phương từ các nơi dồn đến đã khiến chợ luôn trong tình trạng quá tải.

Quây cả nghĩa trang làm bãi trông xe

Theo ghi nhận của phóng viên báo Infonet ngay trong đêm diễn ra phiên chợ “bán rủi, mua may” vào ngày mùng 7 và rạng sáng mùng 8/1 âm lịch (tức ngày 14 - 15/2), ở xung quanh chợ Viềng Nam Định, từ các dịch vụ hàng ăn uống, người chạy xe ôm cho đến việc trông giữ xe đâu đâu cũng thấy cảnh "chặt chém" khách không thương tiếc.

Hàng ngàn du khách đổ về chợ Viềng Nam Định mỗi năm khiến khu vực này luôn đông nghẹt

Hàng ngàn du khách đổ về chợ Viềng Nam Định mỗi năm khiến khu vực này luôn đông nghẹt. Ảnh Giáo Dục

Khi đi gửi xe máy để vào chợ Viềng, rút kinh nghiệm lần trước, nhóm phóng viên cẩn thận hỏi giá trước, chủ bãi xe đáp: “Ở đây rẻ nhất đấy anh ạ, giá 20.000đ xe/ lượt, còn nơi khác đắt hơn nhiều. Chắc chắn chỗ khác giá dao động từ 20 - 30.000đ/lượt xe máy, còn xe ô tô từ 350.000 - 500.000đ/lượt”.

Ghi nhận tại bãi xe ở xã Kim Thái, cách chợ Viềng khoảng 1,5km, anh Nguyễn Tuấn Nam (37 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội), vị khách đi chợ Viềng cầu may, nói: “Mình gửi xe ở bãi này phải trả 400.000đ/lượt. Bãi gửi xe ở Hà Nội cũng không đắt như vậy. Lần sau nếu tôi có đi chợ Viềng cầu may thì phải rủ bạn bè 4-5 người đi taxi cho tiện. Lấy giá gửi ô tô gửi kiểu này khác gì người dân địa phương mài dao 1 năm “chém” khách 1 ngày” là điều đương nhiên rồi”.

Trong khi đó theo ghi nhận của phóng viên báo Vietnamnet, cũng vì cả năm mới được một ngày ‘ăn nên làm ra’ đến vậy nên từ rất sớm, người dân địa phương đã quây cả nghĩa trang xã Trung Thành, rồi mang cốp-pha đóng thành ván trên các thửa ruộng chưa đổ nước để làm nơi trông giữ xe; dựng sạp trên mặt con mương hai bên đường vào chợ để làm hàng quán; phá tan bờ mương để làm lối lên xuống cho khách…

Rất nhiều bãi giữ xe “dã chiến” như vậy đã mọc lên ngay trong buổi chiều ngày 14/2 - trước khi chợ khai phiên đúng vào thời điểm Phủ Giầy mở lễ. Ban đầu, giá trông giữ xe máy giá 20.000 đồng, ô tô từ 100- 150.000 đồng. Càng về khuya, giá phí càng cao, lên tới 200.000 đồng và đến khoảng 12h đêm, hầu hết các bãi giữ xe đều chật cứng với hàng nghìn xe máy ken đặc.

Một bãi gửi xe ở khu vực lối vào chợ Viềng

Một bãi gửi xe ở khu vực lối vào chợ Viềng. Ảnh Infonet

Để đảm bảo an ninh, chống ùn tắc ở trung tâm chợ, lực lượng CSGT làm nhiệm vụ đã ngăn không cho xe ô tô vào cách chợ cả chục km. Điều này vô hình trung đã tạo thêm công ăn việc làm cho hàng trăm xe ôm (cũng là người địa phương) có cơ hội kiếm thêm thu nhập.

Anh Nguyễn Văn Thường (xã Kim Thái) cho biết, từ chiều đến khoảng 12h đêm ngày 14/2, anh đã chạy được vài chục “cuốc”. Quãng đường từ chỗ xe ô tô bị cấm đến chợ khoảng 8km, anh lấy giá 80 – 100.000 đồng. Các phiên chợ trước, anh Thường bỏ túi cả chục triệu tiền chạy xe ôm, “tăng bo” khách từ quốc lộ 21 vào đến chợ.

Cũng vì thế mà hàng trăm người dân địa phương thuộc các xã Trung Thành, Kim Thái và các xã lân cận đều tranh thủ "tăng gia" giống anh Thường. “Ai không chạy xe ôm thì mở hàng nước, bán đồ ăn vặt, giữ xe, người bán giấy sớ, vàng hương, cây lộc… cũng kiếm được cả triệu bạc. Mỗi năm, lượng khách đổ về càng nhiều nên chúng tôi càng có nhiều cơ hội” - anh Thường thật thà.

Một đêm tiêu thụ cả chục tấn thịt bò

Xuất phát từ tâm lý bỏ tiền ra mua một miếng thịt bò ở chợ Viềng cho cả năm may mắn của khách đi chợ Viềng, đi lễ Phủ Giầy nên nhiều hàng, dọc các trục đường liên xã Trung Thành - Kim Thái (hai xã chính có hội Phủ Giầy và chợ Viềng) các phản thịt được bày bán dày đặc. Chị Thanh (chủ hàng thịt bò gần chùa Tháp Tiên) vừa quệt mồ hôi vừa nói: "Từ chiều tới giờ, nhà tôi đã giết 3 con bò. Nếu trời thương, khách đến chợ đông đến tận sáng thì sẽ thịt thêm hai con nữa".

Theo chị Thanh, mỗi con bò khoảng 500kg, giá bán giao động từ 180 – 250.000 đồng/kg, ước tính số thịt bò trong đêm chợ Viềng đã “tiêu thụ” phải hàng chục tấn. Để phục vụ kịp nhu cầu mua của khách, cả nhà chị Thanh đã huy động gần chục nhân công. Vì khách quá đông, chồng chị Thanh quyết định mang đến con bò thứ tư vừa mổ, chưa kịp xẻ thịt để vợ con kịp bán.

Những hàng quán bán thịt bò mọc như nấm dọc các trục đường chính đổ về Chợ Viềng - Phủ Giầy

Những hàng quán bán thịt bò mọc như nấm dọc các trục đường chính đổ về Chợ Viềng - Phủ Giầy. Ảnh Vietnamnet

Ngoài hàng thịt bò, nạn ‘chặt chém’ còn diễn ra ở những quán nước nhỏ. Phóng viên báo Infonet cho biết, trước khi vào chợ chính, họ vào quán nước ven đường với lời mời "bán đúng giá thị trường" gọi 1 ấm trà, 5 quả táo nhỏ, 3 lon bò húc cùng 3 điếu thuốc lá. Khi đứng dậy trả tiền, cả nhóm "té ngửa" với giá tiền phải trả 200.000 đồng.

Khi được hỏi tại sao lại đắt như vậy, nữ chủ quán rất nhanh miệng nói: “Cả năm mới có một ngày không đắt sao được… ở đâu cũng vậy thôi, vui vẻ du Xuân cầu may đi rồi về cho nó lành, phản ánh làm gì đường nào cũng phải trả tiền”.

Chia sẻ về điều này, anh Dương Văn Bình (40 tuổi, quê Thái Nguyên hiện đang công tác ở Hà Nội) cho biết: “Mỗi năm chợ Viềng mới có một ngày, vui thì vui thật nhưng cái gì cũng đắt đỏ, thịt bò từ 200.000- 300.000kg, phở 60.000đ/bát... Tôi gửi xe ô tô với giá 350.000 đồng/lượt, rút tiền ra trả xót hết cả ruột".

Ngay sau đó, anh Bình khuyên: “Nếu vào quán, các bạn muốn ăn uống gì, mua gì phải hỏi giá trước. Đặc biệt là ăn uống phải hỏi giá, không ăn uống xong hỏi trả tiền là bị hét giá trên trời đấy”. Quả thật đúng như lời anh Bình nói, đến chợ cầu may, may đâu chưa thấy nhưng hầu hết du khách tới chợ Viềng năm nay đã phải ấm ức ra về với những “vết chém” nhớ đời.

Phan Huyền (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang