Chưa hết choáng, 3G lại đòi tăng giá

author 20:23 16/12/2013

(VietQ.vn) - Theo một lãnh đạo Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Bộ đang tiếp tục đề nghị Chính phủ cho phép điều chỉnh thêm giá cước 3G theo cơ chế thị trường.

 

Lãnh đạo Cục này cho biết, việc điều chỉnh giá cước được thiết lập trên cơ sở giá thành, cung cầu thị trường và mặt bằng giá chung của khu vực. Trong lần tăng giá đầu tiên, từ mức 50.000 đồng lên 70.000 đồng/tháng, ngay lập tức hành động này của 3 nhà mạng (Vinaphone, Viettel, Mobiphone) đã làm dư luận bức xúc. Sở dĩ, người tiêu dùng phản ứng quyết liệt là bởi, trong cả 2 lần tăng giá (tháng 4 và tháng 10/2013) cả 3 nhà mạng đều không đưa ra được những lý do hợp lý, chỉ đơn giản rằng, họ đang lỗ do giá cước 3G đang thấp hơn giá thành, do đó phải nâng giá; phải dần dần đưa giá bán tiệm cận với giá thị trường.
Nhưng lần này thì khác, theo như giải thích của vị Phó giám đốc Vinaphone, đợt điều chỉnh lần này được căn cứ theo các quy định quản lý giá thành của Bộ TT&TT, đồng thời giúp Vinaphone nâng cao hiệu quả đầu tư mạng 3G. Chưa bàn đến lý do "lỗ nên phải tăng giá”, chỉ xét ở khía cạnh "tăng giá để nâng cao hiệu quả đầu tư mạng 3G”, thì trong cả 2 lần tăng giá (hồi tháng 4 và tháng 10 vừa qua), chất lượng dịch vụ vẫn y nguyên.

Các nhà mạng lại đòi tăng giá 3G để nâng cao hiệu quả đầu tư mạng??

Câu hỏi lớn mà người tiêu dùng đặt ra ở đây là: Các nhà mạng tăng giá nhưng những dịch vụ mà họ cung cấp vì sao không làm hài lòng người tiêu dùng? Còn bàn về vấn đề phải hướng giá cước 3G tiệm cận với giá thị trường, theo nhận định của Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng, việc điều chỉnh giá cước dịch vụ thông tin di động, trong đó có 3G, hoàn toàn phù hợp với chính sách, quy định hiện hành.
Có nhiều lý do để người tiêu dùng "choáng". Thứ nhất, giá cước dịch vụ viễn thông của VN theo Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Lê Nam Thắng là "tương đối phù hợp thu nhập người dân". Đã "phù hợp" mà còn đòi tăng thêm, vậy rõ ràng là "ép" người dân phải mua với giá đắt? Thứ hai, cách đây chưa đầy 2 tháng, các nhà mạng vừa đồng loạt tăng giá cước 3G, có gói tăng đến 40% nhưng giờ lại "đòi" tăng nữa liệu có thỏa đáng? Phải chăng do nhiều người tẩy chay 3G sau vụ tăng giá vừa rồi nên họ đề nghị tăng giá cước để bù vào? Thứ ba, cơ quan quản lý lấy lý do tăng thêm để "phù hợp với cơ chế thị trường".
Vậy hãy làm rõ cho người dân được biết, cơ chế thị trường nào cho phép các nhà mạng "bắt tay" tăng cùng giá, tăng cùng thời điểm như họ vừa làm với các gói cước 3G? Bởi vậy theo Thứ trưởng Thắng, năm 2014, cần tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông, nhất là các dịch vụ như truy nhập Internet băng rộng, di động, 3G.
Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu nhìn vào giá thế giới để chạy theo, cũng cần phải nhìn lại thu nhập trung bình của người dân Việt Nam đã theo kịp được với thu nhập trung bình của thế giới hay chưa? Hay thực tế thu nhập của ta đang bị thế giới bỏ xa.
Trong một báo cáo mới đây đưa ra con số về thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam hiện nay, vào khoảng 1.960 USD trong năm 2013. Con số này, nếu so với chính chúng ta thì nghe có vẻ khả quan bởi thu nhập của người dân Việt Nam năm 2013 đã tăng lên 23% so với năm 2012. Song, nếu so với mức thu nhập bình quân của thế giới, thì khoảng cách còn ở quá xa, khi mà thu nhập bình quân đầu người ở Mỹ là khoảng 50.000 USD, con số này ở Anh là khoảng 41.000 USD.
Còn nếu so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia hay Singapore, chúng ta đang "tụt hậu” khi bị các nước này bỏ xa về thu nhập bình quân đầu người tới hàng chục thập kỷ. Cụ thể, số liệu thống kê của một tổ chức quốc tế cho biết, thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam đã và đang tụt hậu so với Indonesia là 50 năm, so với Thái Lan là hơn 90 năm và so với Singapore là trên 150 năm.
Về chất lượng, thời gian gần đây, người tiêu dùng cho biết có sự đi xuống rõ ràng của dịch vụ, và khẳng định họ đang phải trả tiền 3G để dùng 2G vì tốc độ cũng như độ ổn định mạng rất kém, dù còn hay không lưu lượng ở tốc độ tối đa. Khảo sát người dùng của hãng nghiên cứu Nielsen cho thấy dịch vụ này đang bị khách cho điểm kém.

Cụ thể, tại Hà Nội, tỷ lệ người dùng hài lòng với 3G năm 2011 tới 80% đã giảm còn 66% vào năm 2012. Đà Nẵng giảm hơn 20% (từ 75% xuống còn 53%), đồng thời là thành phố có lượng khách hàng muốn rời mạng nhiều nhất (14%). Năm 2012, đa phần người dùng (92%) cho rằng tốc độ đường truyền quan trọng nhất đối với 3G nhưng chỉ có 55% hài lòng, giảm 9% so với 2011, người không hài lòng chiếm 26% và rất không hài lòng chiếm 19%.

Nhà mạng cho rằng lượng thuê bao tăng nhanh (năm 2012 cao gấp 5 lần 2011) khiến băng thông không đủ sức phục vụ nên họ cần tiền để tái đầu tư, bởi hạ tầng giữa các năm không có nhiều thay đổi, khó đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên không ai nhắc đến việc nhờ phát triển thuê bao mà lượng tiền cước thu về cũng tăng theo.
Liệu, những con số trên có khiến các nhà quản lý mạng tính đến khi đưa ra sự so sánh giá cước 3G của Việt Nam so với giá thế giới? Sự so sánh này liệu có quá khập khiễng? Và suy cho cùng, nếu các nhà quản lý cứ đặt ra những vấn đề một cách khiên cưỡng như vậy, chắc chắn sẽ gây ra những tác dụng ngược. Bởi, với mức lương người lao động nhận được như hiện nay trong khi các loại dịch vụ cứ hò nhau tăng giá, liệu còn có đủ sức để "gánh” các loại dịch vụ đó không? Lúc đó, chẳng phải những nỗ lực trong việc mở rộng dịch vụ của nhà mạng sẽ gây ra tác dụng ngược hay sao (?).
Duy Anh

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang