Chuyên gia kinh tế 'hiến kế' thúc đẩy năng suất lao động Việt Nam

author 07:33 20/11/2014

(VietQ.vn) - Với việc thành lập Hội đồng phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh, cho thấy chúng ta đã nhìn thấy đúng nút thắt của nền kinh tế trong thời gian tới. Đồng thời, việc định hướng phát triển các ngành có giá trị gia tăng và chế biến cao cũng là định hình một tương lai chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giúp nâng cao năng suất lao động (NSLĐ).

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, có khi doanh nghiệp lợi dụng vấn đề giá lao động rẻ, tuyển dụng số lượng lớn vào làm việc mà không chịu đầu tư máy móc, làm NSLĐ thấp trong khi chi phí nhiều. Điều này không phải lỗi do người lao động mà cần có giải pháp đồng bộ. 

Chuyển lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp cũng là một cách để nâng cao NSLĐ, tuy nhiên, doanh nghiệp cần phải nhìn thấy lợi ích thiết thực khi đầu tư vào nông thôn, vậy chúng ta cần có những ưu đãi ra sao để doanh nghiệp đầu tư vào vấn đề này thưa ông?

Để tăng NSLĐ trong nông nghiệp có rất nhiều yếu tố bao gồm cả cơ cấu lao động, trình độ lao động, đặc biệt là việc tổ chức sản xuất và cơ cấu kỹ thuật, cũng như cơ cấu ngành trong nông nghiệp. Một trong những lý do khiến cho NSLĐ nông nghiệp còn thấp bởi hiện nay chúng ta mới tổ chức ở quy mô sản xuất hộ gia đình, nhỏ lẻ, hạn chế về đầu tư và các quy hoạch theo kiểu sản xuất lớn, nhất là theo kiểu nông nghiệp công nghệ cao là rất thiếu. Đây cũng là hạn chế làm cho doanh nghiệp khó vào được với nông nghiệp và vùng nông thôn.

TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, chúng ta đã nhìn thấy nút thắt của nền kinh tế

TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, chúng ta đã nhìn thấy nút thắt của nền kinh tế. Ảnh minh họa

Để thu hút doanh nghiệp, chúng ta cần một chiến lược quy hoạch nông nghiệp đúng, trên cơ sở định hướng phát triển nông nghiệp theo công nghiệp hóa, có những quy hoạch và có chính sách dồn điền, đổi thửa tạo ra những khu công nghiệp sản xuất nông nghiệp, áp dụng máy móc vào các quy trình sản xuất khép kín để từ đó chúng ta tìm thấy vị trí của doanh nghiệp. 

Điều đó cũng có nghĩa là người nông dân, nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu, hiệp hội... tạo ra chuỗi từ sản xuất cho tới bàn ăn, xuất khẩu. Khi đó, mới thấy rõ được vị trí của doanh nghiệp.

Các quy hoạch tạo ra các vùng sản xuất chuyên biệt, tạo ra vùng nông nghiệp sản xuất chuyên nghiệp, có điều kiện để áp dụng khoa học kỹ thuật. Bên cạnh đó, các chính sách về quyền góp đất, thuê đất, hợp đồng hợp tác với người nông dân, tổ chức khác... có cơ sở pháp lý, có như vậy doanh nghiệp mới yên tâm đầu tư sản xuất. Còn khi, người nông dân được giá bán ra ngoài, không được giá mới bán cho nhà máy sản xuất, như vậy, doanh nghiệp sẽ bị thất bại, không ổn định thị trường đầu vào và đầu ra.

Hơn nữa, sản xuất nông nghiệp hiện nay ẩn chứa nhiều rủi ro, ảnh hưởng rất nhiều bởi yếu tố thời tiết, sâu bệnh, lãi không lớn. Các bảo hiểm, hỗ trợ chính sách cần thiết để giảm thiểu các chi phí cho kinh doanh nông nghiệp là rất cần thiết để cho các doanh nghiệp yên tâm đầu tư. Ngoài ra, những chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp cung ứng cho người nông dân liên quan đến các yếu tố đầu vào, thu mua và chế biến, tạo thương hiệu và đảm bảo thị trường xuất khẩu là cần thiết, nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp phản ánh, khi làm dự toán cho một dự án, bao giờ cũng tính toán cần một lượng lao động nhất định, nhưng khi triển khai dự án, các doanh nghiệp lại phải tăng nguồn lao động do năng suất không như kỳ vọng, đâu là nguyên nhân của tình trạng này, thưa TS. Nguyễn Minh Phong?

Theo tôi, nếu như doanh nghiệp bổ sung lao động để tăng quy mô là điều rất đương nhiên. Bởi vì, quá trình ban đầu, có thể doanh nghiệp chỉ cần 100 lao động, nhưng khi mở rộng quy mô sản xuất, họ lại tăng thêm lao động, là lẽ rất bình thường. Còn nếu doanh nghiệp phải bổ sung lao động vì NSLĐ không đáp ứng được yêu cầu, điều này cần nhìn nhận như sau: 

Một là, doanh nghiệp có thể đã tuyển nhầm các đối tượng, không đáp ứng được nhu cầu của sản xuất hoặc do dễ dãi hoặc khai báo không trung thực.

Hai là, rất có thể doanh nghiệp đầu tư công nghệ, cơ cấu hữu cơ giữa tỷ lệ máy móc/người lao động không đủ lớn, khiến cho NSLĐ không như kỳ vọng. Điều này là một yếu tố mấu chốt, giải thích vì sao NSLĐ Việt Nam không bằng so với các nước.

Cấu tạo hữu cơ rất quan trọng, và như Mác đã nói, giữa các thời đại, giữa các phương thức sản xuất khác nhau, không phải sản xuất ra được cái gì mà sản xuất bằng cái gì. Đây là vấn đề quyết định đến năng suất lao động. Nếu các doanh nghiệp cứ tận dụng lao động giá rẻ, chắc chắn năng suất lao động sẽ rất thấp. Nếu là lao động giá rẻ, các doanh nghiệp sẽ cho rằng lấy lao động mới, giá rẻ, còn hơn đầu tư công nghệ mới, đầu tư máy móc, đây là một lý do và không phải hoàn toàn là lỗi của người lao động.

Ba là, rõ ràng có một phần bất cập trong chất lượng lao động, nhất là kỹ năng chuyên nghiệp và kỹ năng mềm. Bài toán đặt ra là đào tạo người lao động khớp với nhu cầu của doanh nghiệp, đáp ứng các kỳ vọng, kỹ năng của doanh nghiệp là điều rất cần thiết.

Đồng thời với 3 yếu tố nói trên, chúng ta cần xem xét lại các vấn đề quản lý vĩ mô đã tận dụng và khai thác hết kỹ năng mà người lao động có chưa? Các cơ chế kích thích có đảm bảo để người lao động làm hết năng lực không? Doanh nghiệp cũng nên tăng khả năng tự đào tạo, không nên "hớt váng" từ bên ngoài mà phải đầu tư tập trung để có nguồn lao động như ý muốn. Từ đó giảm được số lượng lao động, tăng chất lượng và hiệu quả lao động.

Các doanh nghiệp Việt Nam đều nhận thức được việc đầu tư khoa học công nghệ giúp nâng cao NSLĐ, nâng cao sản phẩm nhưng họ lại thường gặp các khó khăn trong vấn đề này, cần làm gì để tháo gỡ thưa ông?

Đầu tư cho khoa học công nghệ xét về con số là như vậy nhưng thực tế chúng ta phải chi tới 80 - 90% số đầu tư đó cho nuôi dưỡng bộ máy, cho các hoạt động thường xuyên, không phải đầu tư trực tiếp vào nghiên cứu thiết bị, hay vào các phát minh, sáng kiến. 

Chúng ta mới chỉ chú ý tới một số những nghiên cứu đơn giản, chưa có tập trung, chưa định hướng được. Còn để hỗ trợ, tạo động lực cho doanh nghiệp tăng đầu tư vào khoa học và công nghệ, chúng ta đã triển khai một số động thái.

Có những chính sách khuyến khích doanh nghiệp thành lập quỹ khoa học công nghệ doanh nghiệp, quỹ đổi mới khoa học công nghệ quốc gia, quỹ đổi mới đổi mới khoa học công nghệ doanh nghiệp. Ở cấp địa phương cũng có các quỹ như vậy. Chúng ta cũng đã có chính sách trừ tiền trước khi tính thuế cho doanh nghiệp. Tạo điều kiện tiếp cận bình đẳng nguồn vốn khoa học công nghệ quốc gia dù là doanh nghiệp của nhà nước hay của tư nhân.

Nhà nước cũng hỗ trợ phát triển thị trường khoa học công nghệ thông qua dịch vụ, thông qua tiêu chuẩn hóa và các cơ chế đặt hàng.

Cần tăng cường đầu tư cho khoa học công nghệ để tăng năng suất lao động

Cần tăng cường đầu tư cho khoa học công nghệ để tăng năng suất lao động. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, rõ ràng có những điểm hạn chế, và một hạn chế cơ bản là chúng ta còn đặt ra giới hạn hành chính rất cứng. Ví dụ như quỹ khoa học công nghệ, đặt ra vấn đề trần tỷ lệ trên quy mô thu nhập của doanh nghiệp, đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ (VN có khoảng 90% doanh nghiệp vừa và nhỏ), tỷ lệ 10% rất nhỏ, trong khi đó quy định nếu không sử dụng hết sẽ truy thu tiền thuế, như vậy doanh nghiệp sẽ không có động lực để tích trữ hoặc họ sẽ phải nói dối. Đây là điều phản ánh cơ chế chưa tới.

Bên cạnh đó, các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động khoa học công nghệ là không nhiều, hầu như các doanh nghiệp phải làm từ A- Z nên chi phí rất lớn. Các doanh nghiệp tự mò mẫm hoặc phải chi phí rất lớn, như vậy sẽ làm khó khăn cho đầu tư. Chưa kể, chiến lược đầu tư và phát triển hiện nay của chúng ta thiếu đi định hướng dài hạn, thiếu đi nhu cầu tư thân để phát triển công nghệ, do đó họ thiếu động lực tìm kiếm đầu tư và nguồn vốn. Khi doanh nghiệp đầu tư công nghệ, họ cũng cần phải tìm kiếm nguồn nhân lực. 

Muốn tăng NSLĐ cần tập trung vào những ngành có giá trị tăng cao, dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế, theo ông các ngành đó là gì?

Với việc thành lập Hội đồng phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh, cho thấy chúng ta đã nhìn thấy đúng nút thắt của nền kinh tế trong thời gian tới. Đồng thời, việc định hướng phát triển các ngành có giá trị gia tăng và chế biến cao cũng là định hình một tương lai chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Hiện nay, xét về mặt công nghiệp, chúng ta tập trung vào chủ yếu là công nghiệp gia công, công nghiệp khai khoáng, xây dựng cơ bản... thiếu động lực ra tăng NSLĐ. Còn trong nông nghiệp, chủ yếu là lao động chân tay và hộ gia đình. Dịch vụ chất lượng thấp và giá trị gia tăng không cao. Như vậy đòi hỏi phải chuyển dịch vào những lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, đòi hỏi công nghệ cao hơn, giá trị gia tăng cao hơn.

Trong công nghiệp, việc xác định phát triển công nghiệp phụ trợ là rất đúng đắn, đặc biệt là những lĩnh vực mà chúng ta có thể tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu, từng bước nâng dần chuỗi này lên. 

Việc phát triển mạnh công nghệ thông tin là một ngành có giá trị gia tăng cao, đồng thời cũng là nền tảng, trụ cột của kinh tế tri thức và các ngành khác. Bên cạnh đó, trong công nghiệp cần chú ý tới chuỗi ngành sản phẩm; công nghiệp chế biến và chính xác là rất cần thiết.

Còn nông nghiệp cần tập trung vào nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao, bao gồm từ khâu giống, cho tới quy trình công nghệ, đặc biệt là trong chế biến các sản phẩm, để có sản phẩm cao cấp chất lượng cao, xuất khẩu sang các nước có đòi hỏi cao nhất về mặt tiêu chuẩn kỹ thuật. 

Dịch vụ cần tập trung lĩnh vực như ngân hàng, tài chính, viễn thông... những ngành mà ở đó đòi hỏi công nghệ cao và tạo ra giá trị cao.

Singapore và Đài Loan là hai ví dụ điển hình cho việc tạo ra giá trị rất cao từ những lĩnh vực như vậy.

Xin cảm ơn ông!

Đổi mới đầu tư khoa học công nghệ là mấu chốt để nâng cao NSLĐ vì thực tế cho thấy, từ năm 2001 đến 2011, tỷ lệ đầu tư cho khoa học công nghệ/GDP của nước ta nhìn chung xoay quanh ở mức 0,5%, và trong 11 năm, tỷ lệ đầu tư này chỉ tăng 0,48% lên 0,51%.

Trong khi đó, một số nước trong khu vực lại ra tăng đầu tư mạnh cho khoa học và công nghệ. Như Malaysia, tăng từ 0,47% lên 1,07%. Hàn Quốc tăng từ 2,47% lên 4,04%. Thái Lan tăng từ 0,26% lên 0,37% và hướng tới mục tiêu 1% vào năm 2016.

Rõ ràng, việc đầu tư cho khoa học công nghệ là mấu chốt và tỷ lệ thuận với kết quả NSLĐ. 

Hồng Anh


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang