Có nên cụ thể hóa các vấn đề cần trưng cầu ý dân?

author 15:20 24/06/2015

Đây là vấn đề được nhiều ĐB quan tâm thảo luận tại nghị trường QH chiều 23.6 về dự thảo Luật Trưng cầu ý dân. Đa phần ĐB cho rằng, cần cụ thể hóa các vấn đề được trưng cầu, trong khi nhiều ĐB khác, chỉ nên quy định các nội dung khái quát, làm nền tảng khi thực hiện trưng cầu ý dân trong thực tiễn.

ĐB Nguyễn Sĩ Cương lo ngại trưng cầu dân ý sẽ hình thức. 

Cụ thể hóa hay không?

Một trong những nội dung được nhiều ĐB đưa ra mổ xẻ là các vấn đề đề nghị QH trưng cầu ý dân. Phần lớn ĐB yêu cầu luật cần quy định rõ hơn theo hướng cụ thể hóa các nội dung được đề nghị trưng cầu như ĐB Phạm Văn Tam (Hà Nam) đề nghị cần cụ thể hóa các vấn đề về sửa đổi hiến pháp, các chính sách quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, quyền con người, quyền cơ bản công dân, các vấn đề kinh tế quan trọng… ĐB Nguyễn Văn Phúc cho rằng, nếu chỉ nêu các vấn đề thuộc thẩm quyền của QH thì phạm vi quá hẹp vì theo quy định, QH chỉ có 15 quyền hạn. Tuy nhiên, theo ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum), về lý thuyết, các vấn đề cần trưng cầu ý dân phụ thuộc vào điều kiện chính trị, xã hội từng thời điểm. Với nước ta, dựa trên thực tiễn đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, pháp lý…, luật chỉ nên quy định các nội dung chung, khái quát, làm cơ sở, nền tảng khi thực hiện trưng cầu ý dân.

Phạm vi trưng cầu ý dân cũng gặp nhiều ý kiến trái chiều. Một số ĐB cho rằng, cần thực hiện trưng cầu các vấn đề lớn trên phạm vi cả nước, còn những vấn đề mang tầm địa phương, khu vực thì thực hiện các hình thức dân chủ khác như lấy ý kiến nhân dân trước khi cơ quan thẩm quyền đưa ra quyết định. Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) cho rằng, dự thảo luật cần “mở ngoặc” thêm trường hợp lấy ý kiến ở cấp địa phương đối với những vấn đề có tầm ảnh hưởng lớn đến nhiều địa phương.

Tránh đánh đồng trưng cầu dân ý với bầu cử

Về quy trình tổ chức trưng cầu ý dân, ĐB Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) lo ngại, nếu không quy định chặt chẽ, cuộc trưng cầu dân ý sẽ bị đánh đồng với cuộc bầu cử mà ở đó có thể có bầu hộ, bầu thay. “Đọc dự thảo luật, tôi có cảm tưởng như một cuộc bầu cử vậy, tôi đề nghị cần quy định cụ thể quy trình trưng cầu dân ý, yêu cầu làm đơn giản thôi vì mục đích cuối cùng là lấy được nhiều ý kiến của dân, nếu không tôi e rằng sẽ không tránh khỏi tình trạng hình thức”.

ĐB Đồng Hữu Mạo đồng tình khi đề nghị cần có tiêu chí cụ thể về quy trình, tránh việc thực thi tốn thời gian, công sức, tiền của. Cũng liên quan đến quá trình trưng cầu dân ý, ĐB Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) đề nghị ngoài việc bỏ phiếu đơn thuần, cần có quy định cơ chế người dân được trình bày nguyện vọng, theo đó quy định cụ thể về nguyên tắc, trình tự tập hợp ý kiến của nhân dân một cách công khai minh bạch. ĐB Đồng Hữu Mạo “phản biện” rằng, nếu cho nhân dân thảo luận, trong trường hợp có những ý kiến không đồng tình thì có xảy ra tình trạng vi phạm Điều 12 về cố tình xuyên tạc, bịa đặt thông tin hay không?

Liên quan đến chủ thể có quyền đề nghị các vấn đề trưng cầu dân ý, phần lớn ĐB tỏ ý đồng tình với phương án cơ quan có quyền đề nghị trưng cầu ý dân bao gồm UBTVQH, Chủ tịch Nước, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số ĐBQH có quyền đề nghị trưng cầu ý dân. Nhiều ĐB đề nghị cần bổ sung thêm MTTQ nhằm phản ánh đúng nguyện vọng của người dân trong tham gia trưng cầu ý dân. Về phương án bổ sung thêm Thủ tướng Chính phủ có quyền đề nghị các vấn đề cần trưng cầu ý dân, nhiều ĐB tỏ ý không đồng tình. Theo ĐB Nguyễn Thanh Thủy, việc bổ sung này không cần thiết, vì trưng cầu dân ý nên là ý kiến của tập thể để thể hiện tính dân chủ cao. ĐB Tô Văn Tám phân tích: “Thủ tướng là cá nhân, vì thế nên là cơ quan hoặc chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân thì sẽ chính xác hơn. Mặt khác, nếu mở rộng thêm chủ thể là Thủ tướng thì không đồng bộ với Luật Tổ chức QH cũng như Luật Tổ chức Chính phủ vì trong luật này không có quyền đề nghị trưng cầu ý dân của Thủ tướng Chính phủ”.

Theo Lao động


 


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang