Cổ phiếu miệt mài dò đáy, tài sản 'bay' hơn 5.000 tỷ, đây có phải đại gia gặp 'vận đen' nhất năm?

author 15:52 25/12/2018

(VietQ.vn) - Vận đen có lẽ đang tiếp tục đeo bám tập đoàn của đại gia Lê Phước Vũ khi giá cổ phiếu HSG của Hoa Sen Group liên tục dò đáy và bị thổi bay quá nửa giá trị kể từ đầu năm.

Chốt phiên giao dịch ngày 24/12, cổ phiếu HSG của Công ty Cổ phần tập đoàn Hoa Sen (Hoa Sen Group) tiếp tục bị nhấn chìm trong sắc đỏ, mất thêm 240 đồng, tương ứng 3,5%, về 6.610 đồng/cổ phiếu. Đây là ngày giao dịch thứ 8 liên tiếp mã HSG bị chìm sâu, trong đó 5 ngày giảm và 3 ngày đứng giá. Từ đầu tháng 12, cổ phiếu Hoa Sen Group mất 470 đồng, tương ứng 6,64% sau 15 ngày giao dịch.

Nếu tính từ đầu năm, giá trị cổ phiếu Hoa Sen Group bị suy giảm tới 68,63% (14.460 đồng), thổi bay hơn 5.500 tỷ đồng vốn hoá thị trường.

 Đại gia Lê Phước Vũ.

Giữa lúc "vận đen" đeo đuổi ngày cuối năm, mới đây, Hoa Sen Group công bố thông tin ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT đăng kí mua thỏa thuận 4 triệu cổ phiếu. Mục đích thực hiện giao dịch là để tăng tỷ lệ nắm giữ. Thời gian dự kiến từ ngày 21/12/2018 đến 20/1/2019. Nếu giao dịch thành công, dự kiến ông Vũ nâng khối lượng sở hữu lên 45 triệu cổ phiếu, tương ứng tỉ lệ 11,74% vốn cổ phẩn. 

Với mức giá trên, ông Vũ phải chi khoảng 28 tỷ đồng để mua thêm cổ phiếu. Hiện, ông Vũ nắm hơn 41 triệu cổ phiếu HSG, tương đương tỷ lệ sở hữu 10,7% vốn.

Ở chiều ngược lại, Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen cũng do ông Lê Phước Vũ làm Chủ tịch HĐQT đăng ký bán ra tương ứng 4 triệu cổ phiếu HSG, thời gian giao dịch trong khoảng 21/12/2018-20/1/2019. Sau giao dịch, Hoa Sen sẽ giảm sở hữu tại HSG về gần 94 triệu cổ phiếu, tương đương 24,32% vốn điều lệ.

Theo đánh giá của giới đầu tư, việc mua bán cổ phiếu theo kiểu lấy từ “túi trái bỏ sang túi phải” của ông chủ tập đoàn này chỉ là một điểm nhỏ trong bức tranh kinh doanh hiện tại. Bởi, thực tế, Tập đoàn của "vua thep" đã và đang phải đối diện với hàng loạt vấn đề đau đầu. Khi mà năm 2018 đang khép lại, Hoa Sen Group đang phải ngụp lặn giữa bộn bề khó khăn, khiến các nhà đầu tư lo lắng.

Về phần mình, tình hình kinh doanh hiện tại của Hoa Sen không "đẹp đẽ" như lịch sử vốn có. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2018 (niên độ 1/4 – 30/6), CTCP Tập đoàn Hoa Sen đạt doanh thu thuần 10.325 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng 51% lên 9.294 tỷ đồng đã kéo lãi gộp của HSG xuống còn 1.031 tỷ đồng, giảm gần 6% so với cùng kỳ năm trước.

 Hoa Sen Group đang trong những ngày tháng sóng gió.

Lũy kế 9 tháng, Hoa Sen đạt doanh thu 25.876 tỷ đồng, tăng 35% nhưng lợi nhuận sau thuế giảm mạnh 55% xuống còn 512 tỷ đồng. Tính đến hết quý III niên độ 2017 – 2018 (từ 1/4/2018 đến 30/6/2018), nợ phải trả là 18.385 tỷ đồng, gây sức ép lớn lên đến sự tăng trưởng của tập đoàn.

Trong niên độ này, Tôn Hoa Sen phát sinh 6 khoản vay mới, trong đó khoản vay 1.120 tỷ đồng của BIDV có giá trị lớn nhất. Cộng gộp khoản vay phát sinh từ BIDV, HSG đang vay tại 16 ngân hàng trong và ngoài nước. Hai ngân hàng lớn khác của Việt Nam là Vietcombank và VietinBank đều đang cho Tôn Hoa Sen vay hàng nghìn tỷ đồng.

Cụ thể, hiện VietinBank là chủ nợ ngắn hạn lớn nhất của HSG với tổng giá trị vay nợ hơn 8.284 tỷ đồng tại 5 chi nhánh. Hầu hết các khoản vay đều có tài sản bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, máy móc thiết bị, hàng tồn kho… Một "ông lớn" khác - Vietcombank đang cho HSG vay tại 3 chi nhánh với số tiền lên tới gần 3.000 tỷ đồng. Được biết, tình hình vay nợ của Tôn Hoa Sen đã được nhà đầu tư cảnh báo từ các năm tài chính trước đó, dựa trên các dấu hiệu lao dốc về lợi nhuận, cổ phiếu sụt giảm và nhà đầu tư thi nhau thoái vốn.

Hoàng Anh

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang