Cử nhân chăn vịt, Bộ trưởng Giáo dục nói gì?

author 08:59 21/11/2013

(VietQ.vn) - Chúng ta xót xa khi thấy sinh viên tốt nghiệp rồi thất nghiệp, cử nhân canh vịt, cử nhân bán nước mía, thạc sĩ gia sư v.v... Tôi cho rằng việc đào tạo không gắn với tình hình phát triển kinh tế xã hội, không gắn với quy hoạch sử dụng...

Sự kiện:

Phiên chất vấn trong ngày Nhà giáo Việt Nam, 20-11, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trung Thu (Long An) đã hỏi Bộ trưởng GD&ĐT: "Chúng ta xót xa khi thấy sinh viên tốt nghiệp rồi thất nghiệp, cử nhân canh vịt, cử nhân bán nước mía, thạc sĩ gia sư v.v... Tôi cho rằng việc đào tạo không gắn với tình hình phát triển kinh tế xã hội, không gắn với quy hoạch sử dụng và không kiểm soát để những sản phẩm đào tạo kém chất lượng ra trường không xin được việc làm, xã hội không sử dụng sẽ gây lãng phí thời gian và nguồn lực của xã hội rất lớn. Xin hỏi Bộ trưởng vấn đề này trách nhiệm thuộc về ai và giải pháp nào để khắc phục trong thời gian tới".

Cử nhân chăn vịt

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận từng là Hiệu trưởng ĐH Thương mại Hà Nội.

Phần giải trình, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phân tích:

"Đây là một thực tế không phải chỉ là các ngành, ngay đối với ngành sư phạm của chúng tôi cũng có một số lượng các cháu tốt nghiệp các trường sư phạm mà chưa có việc làm chúng tôi cũng tham gia vào việc giải quyết này mấy năm gần đây nhưng mà cũng chưa giải quyết triệt để được. Xin báo cáo với các đồng chí, nói về trách nhiệm, quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có phần trách nhiệm của mình liên quan đến vấn đề quy hoạch, kế hoạch, chế độ chính sách và những công cụ để mà phối hợp, kết hợp được giữa việc đào tạo với việc sử dụng lao động. Tôi cũng xin trình bày kỹ hơn để cho Quốc hội hiểu rõ việc này, chia sẻ và góp ý cho chúng tôi, cho Chính phủ trong việc giải quyết việc này.

Thưa Quốc hội, trước đổi mới thì việc các nhà trường sau khi đào tạo học sinh tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp tiến hành phân công công tác cho những tân kỹ sư, cử nhân này theo các cơ quan hệ thống của chúng ta. Từ khi đổi mới nền kinh tế không phải chỉ có quốc doanh và tập thể mà có 5 thành phần, người lao động sau khi tốt nghiệp không phải chỉ làm việc ở cơ quan nhà nước mà làm việc ở rất nhiều các cơ quan tổ chức doanh nghiệp trong và ngoài nước. Chúng ta đã bỏ chế độ phân công công tác rồi, có nghĩa là quá trình sử dụng lao động với việc đào tạo đã được tách ra thành 2 quá trình tương đối độc lập.

Gần đây khi Quốc hội thông qua Luật giáo dục đại học, trong Luật giáo dục đại học mà Quốc hội thông qua và đã có hiệu lực có 1 điều, khoản là các trường đại học, cao đẳng được quyền tự chủ trong đó có quyền tự chủ tuyển sinh. Như vậy, việc đào tạo với việc sử dụng và tuyển dụng đã tách thành 2 khâu khác nhau và do rất nhiều chủ thể khác nhau triển khai.

Phát hiện được sự bất hợp lý và bất cập khó khăn trong việc lựa chọn ngành nghề đi học và tìm việc làm sau khi tốt nghiệp thì Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành liên quan đã thảo luận với nhau. Trên cơ sở đó kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, thực tế Thủ tướng Chính phủ đã có chương trình liên quan đến phát triển nguồn nhân lực, có Ban chỉ đạo trung ương do đồng chí Phó Thủ tướng phụ trách.

Chúng tôi cùng với một số lãnh đạo các bộ, ngành có liên quan, lãnh đạo khu công nghiệp mới mà chúng ta đang tập trung xây dựng đã có và sẽ có nhu cầu lớn về nguồn nhân lực và chúng tôi đã có triển khai một số công việc liên quan đến việc này. Nhiều bộ, ngành đã triển khai riêng Bộ Giáo dục và Đào tạo chúng tôi xin báo cáo với Quốc hội chúng tôi đã thành lập Trung tâm phát triển nguồn nhân lực, đã có bàn thảo, trao đổi, xác định nhu cầu về nguồn nhân lực của một số khu công nghiệp mới như ở Vũng Áng, Nghi Xuân".

Mai Khôi (lược ghi)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang