Cửa hàng ‘lạ’ không người bán: Có tồn tại được ở Việt Nam?

authorDương Phương Ngọc 06:41 01/11/2016

(VietQ.vn) - Trong khi, thói quen “mua gian, bán lận” vẫn còn phổ biến thì tại HN lại xuất hiện một mô hình lạ, một cửa hàng không người bán, khách tự trả tiền…

Cửa hàng không người bán: Cố tình tạo sự khác biệt?

Tại Nhật Bản có một nhà ga cũ hoạt động chỉ để phục vụ một hành khách duy nhất – một nữ sinh hàng ngày đi học. Nhật Bản lại còn có cả siêu thị chỉ bán duy nhất một món hàng, đó là giỏ hành tây và điều đặc biệt là không có nhân viên phục vụ. Khách hàng tự mua tự trả tiền. Đây là một chuyện khó tin tại “đất nước mặt trời mọc”.

Ở Việt Nam, mới đây, một chàng trai 8x Hà Thành cũng đã học tập mô hình kinh doanh của Nhật Bản, tạo ra một cửa hàng không người bán, người mua tự chọn đồ, tự trả tiền và tự dọn rác ngay giữa Thủ Đô. Điều này đã khiến dư luận cũng như giới kinh doanh không khỏi ngạc nhiên.

Không ghi nơi sản xuất trên sản phẩm, PepsiCo có thể bị xử phạt?(VietQ.vn) - Theo luật sư, việc Pepsico Việt Nam không ghi nơi sản xuất trên đồ uống là vi phạm quy định ghi nhãn hiệu và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.

Tại cửa hàng Mama Fan Box (nằm trên đường Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội), sau khi khách hàng chọn được đồ mình yêu thích, người mua sẽ tự quẹt đồ uống để xác định giá nhờ vào hệ thống tính tiền thông minh, sau đó tự thả tiền vào thùng hoặc trả bằng thẻ.

Bên cạnh đó, hệ thống camera ghi lại hình ảnh hoạt động 24/24 và nếu khách hàng mua không trả tiền, hoặc trả tiền thiếu, hệ thống sẽ nhận diện khuôn mặt và cho vào “danh sách đen”, đây cũng là lần cuối cùng khách hàng này bước vào quán.

Chủ cửa hàng này cho biết: Anh mở mô hình này chủ yếu xây dựng niềm tin ở khách hàng và muốn thông qua cửa hàng này thay đổi dần dần nhận thức của người dân về tính tự giác.

Trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam về mô hình “lạ” này, chuyên gia truyền thông Phạm Hùng Thắng, CEO Vitot Seafood - Vua Hải Sản Sạch & Nổi Tiếng Cá Một Nắng nhận xét: Đây thực ra là một hình thức kinh doanh cố tình tạo ra sự khác biệt để có khả năng thâm nhập vào thị trường đang ngày càng khó tính tại Việt Nam.

“Không có người bán trước mắt chỉ là để thể hiện sự khác biệt để dư luận quan tâm, đài báo, cộng đồng PR truyền thông cho miễn phí. Còn cho dù không có người bán nhưng họ vẫn có một sự kiểm soát nhất định, có thể có một bảo vệ gần đó hoặc một nhân viên ngồi soi camera, khi hệ thống thông báo sự cố, họ lập tức ra can thiệp và giải quyết được.

Thay vì vừa cần có bảo vệ trông xe cùng vài nhân viên bán hàng thì ở đây là một hệ thống tự động hóa, nó cũng giống như các máy bán nước ngọt tự động ở Việt Nam hiện nay, tự đút tiền vào và máy tự nhả đồ uống ra” – ông Thắng nói.

Chuyên gia Phạm Hùng Thắng đề cao tính sáng tạo, suy nghĩ khác biệt của ông chủ cửa hàng này bởi từ trước tới nay, ở Việt Nam chỉ có 3 hình thức kinh doanh phổ biến.

Khách hàng tự túc thanh toán tiền tại "cửa hàng không người bán" này. (Ảnh chụp của cửa hàng). 

Thứ nhất là kinh doanh bền vững lâu dài: Một số thương hiệu đi theo phong cách cũ, áp dụng chiến lược mang nặng tư tưởng của thời sau bao cấp trước đây, phần lớn kinh doanh dựa trên mối quan hệ. Mô hình này luôn ì ạch và có xu hướng lụi bại vì không tìm ra thị trường mới, không tìm kiếm được khách hàng ngoài mối quan hệ và không có sự sáng tạo hay mới mẻ.Họ luôn nghĩ rằng cứ thành lập công ty hay cứ mở cửa hàng là sẽ bán được, năm nay không bán được thì năm sau sẽ bán được và rồi thất bại đổi ngành nghề kinh doanh liên tục.

Bên cạnh đó lại có nhiều thương hiệu cũng xác định kinh doanh bền vững nhưng sáng tạo hơn từ trong tư duy, cho tới sản phẩm, cách quản lý, khai thác thị trường cũng như truyền thông thương hiệu nên gặt hái được rất nhiều thành công lớn ngày càng trở nên đẳng cấp.

Hình thức kinh doanh thứ 2 phổ biến ở Việt Nam hiện nay: Đó là kinh doanh lướt sóng, dành cho một số dòng sản phẩm như thời trang, túi xách, dày dép, hàng tiêu dùng… Tuy nhiên, hình thức kinh doanh này rất khó tồn tại lâu dài ở Việt Nam vì chỉ sau một thời gian ngắn, các đơn vị khác, doanh nghiệp khác sẽ “nhái” theo với nhiều chiêu trò hoặc khuyến mại thấp, hấp dẫn hơn.

Loại hình kinh doanh thứ 3 là kinh doanh chộp giật: Bán những hàng đểu, kém chất lượng nhưng với giá “trên trời”, nhằm thu lại lợi nhuận lớn, không có chế độ chăm sóc hay bảo hành cho khách hàng. Mô hình này trước sau hay sớm muộn gì cũng sẽ “chết”.

2/3 loại hình trên, theo ông Thắng, là không có sự sáng tạo bền vững đủ tạo lên thương hiệu lớn, uy tín và được tôn vinh dài lâu trong kinh doanh mà chủ yếu cạnh tranh nhau bởi giá, sự mới lạ của sản phẩm. Trong khi đó, mô hình cửa hàng không người bán gây xôn xao dư luận bởi cạnh tranh mạnh về kế thừa và sáng tạo trong dịch vụ, dám nghĩ, dám làm, dám khác biệt.

“Ở góc độ truyền thông, các thương hiệu mới ra đời và đi vào hoạt động muốn thành công luôn cần tìm ra ít nhất một điểm khác biệt có tầm nào đó để có cơ hội thâm nhập thị trường. Có người mở cửa hiệu hoành tráng, dựa vào quy mô để gây sự chú ý, có người bán sản phẩm độc đáo, “có một không hai”, còn Mama Fan Box này cố tình tạo ra một loại hình dịch vụ hoàn toàn khác với các mô hình kinh doanh đang tồn tại ở Việt Nam” – ông Thắng nhận định.

Có tồn tại lâu được ở Việt Nam?

Cũng theo ông Thắng, mô hình này về bản chất là rất khả thi, vì xét về giải pháp công nghệ, giải pháp thiết bị cho tới thuật toán lập trình, họ hoàn toàn có thể làm được từ việc kiểm soát người ra vào, đứng ở vị trí nào,… nhờ hệ thống sensor nhận biết như hồng ngoại hoặc cảm ứng nhiệt cũng như camera giám sát chuẩn HD.

Nhất là ở đó anh Đào Khánh Hiệp (chủ cửa hàng Mama Fan Box) lại là một người đã từng rất nhiều lần khởi nghiệp nếm đủ thành công, thất bại xuất thân từ một chuyên gia lập trình có tầm cỡ khi xưa được biết đến với website Chợ điện tử do anh là người sáng lập.

Nói về logic của giải pháp xử lý bằng hệ thống hoặc lập trình tương ứng với hành vi của người bước vào cửa hàng thì: Khách hàng khi mua đồ phải nhập thông tin cá nhân, kiểm tra giá của sản phẩm, sau đó nhận hóa đơn, người khách phải cho tiền vào túi ni lông và đưa vào hệ thống hoặc thanh toán bằng tài khoản thẻ.

Ông Phạm Hùng Thắng, CEO Vitot Seafood (bên phải): Mô hình cửa hàng không người bán rất khả thi tại VN.

Trong trường hợp, người khách đứng ở tủ để đồ mà không đút tiền vào thùng thanh toán, tự ý đi ra thì cửa hàng sẽ phát hiện được. Thùng tiền cũng có hệ thống cảm biến để “soi” xem khách hàng có đưa tiền vào thùng hay không, khi cần thiết sẽ nâng cấp hơn và phân biệt được lượng tiền khách hàng bỏ vào có đúng giá trị của món hàng hay không, các món hàng đều có thể được gắn tem, mác điện tử để chỉ cần nhấc ra khỏi kệ là biết món hàng nào, giá bao nhiêu vừa được khách hàng lấy ra.

Trong bất kể trường hợp nào khi có sự cố xảy ra, cửa hàng có thể tự động khóa lại hoàn toàn hệ thống, đơn cử như tủ đồ sẽ khóa lại khách không lấy được hàng, đèn tự động tắt hoặc cửa ra vào đóng lại mà không thể mở ra.

Còn bất đắc dĩ khi muốn giảm thiểu bớt chi phí công nghệ họ cứ thuê một người chuyên ngồi soi camera quay cửa hàng, tủ đồ và đặt cả trong hòm tiền với một phần mềm điều khiển từ xa như của hệ thống Smart House cũng dư sức tắt tất cả mọi hệ thống và nhốt vị khách đó lại cho tới khi có công an phường tới giải quyết.

“Mô hình tự động hóa này sẽ tiết kiệm được chi phí. Thông thường để mở một cửa hàng, họ cần 2 – 3 người chăm sóc, phục vụ nhưng ở đây họ bất đắc dĩ cũng chỉ cần 1 người ngồi “soi” màn hình máy tính, thậm chí 1 người có thể kiểm soát soi tới 3 – 4 cửa hàng cùng một lúc. Thêm vào đó, nó còn tạo sự khác biệt, tạo ra tiếng vang, gây sự chú ý của dư luận.

Ngoài ra, trong quá trình vận hành, họ sẽ liên tục thay đổi, cập nhật công nghệ, biện pháp để xử lý các hành vi của người dùng để chống gian lận. Khách hàng muốn ăn cắp của họ cũng rất khó” – ông Thắng phân tích.

Ông Thắng cho rằng: Các doanh nghiệp khác cũng có thể học theo mô hình này và phát triển ở Việt Nam, quan trọng là công nghệ và giải pháp áp dụng ở đây.

Ngoài bài toán kinh tế, mô hình này còn có ý nghĩa ở chỗ: nó khơi nguồn cho một “cuộc cách mạng” về ứng xử, cải cách về văn hóa của người Việt Nam. Sẽ không còn thói quen “mua gian, bán lận” vốn cố hữu trong tư tưởng nhiều người dân Việt, không có cảnh trộm cắp, tham lam hay đổ xô vào “hôi của” như nhiều vụ việc không hay đã từng xảy ra trên đất nước hình chữ S này.

“Mô hình này vừa xây dựng được văn hóa cho doanh nghiệp vừa xây dựng văn hóa cho người tiêu dùng,

Đây là một đầu tư mang 2 góc độ: Thứ nhất là khẳng định nét đẹp văn hóa, người Việt có cơ hội tự soi lại mình xem những người bước chân vào đây “ai đẹp, ai xấu”, sự tự giác đến mức độ nào. Thứ hai là sự khác lạ để có cơ hội thâm nhập vào thị trường, với tỉ lệ thành công rất cao lại được truyền thông, báo chí và cộng đồng marketing miễn phí.

Về lâu về dài, đây sẽ là chủ đề được nhiều doanh nghiệp, giới đầu tư, truyền thông nhắc tới, thậm chí là được nhà nước quan tâm để cùng nhau đẩy lùi những tính cách không tốt còn tồn tại ở người Việt Nam, tạo thành những chiến dịch truyền thông lớn mang đậm tính cải cách văn hóa dân tộc và khởi nguồn cho nhiều chiến dịch cải cách văn hóa khác ở Việt Nam.

Điều đơn giản nhất là nếu cửa hàng không người bán này thành công trong một năm thì lập tức sẽ rất nhiều người đầu tư vào mô hình này và tự họ cũng sẽ tìm đủ mọi cách để truyền thông cho mô hình của họ thành công chứ không chỉ là một Mama Fan Box” – ông Thắng dự đoán.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang