Dân chơi hàng hiệu hoang mang Gucci bán giá rẻ

author 05:58 08/12/2012

(VietQ.vn) - Việc trà trộn hàng xịn - nhái trong các cửa hàng xách tay hay chợ “ảo” đã không còn là chuyện lạ lẫm với người tiêu dùng. Thế nhưng trước thông tin cửa hàng phân phối nhãn hàng Gucci ở TPHCM, Hà Nội bị niêm phong, giới “xài” hàng hiệu rất hoang mang.

Mua “chính hãng” vẫn không yên tâm

Hàng “phếch” hay “fake” đều là tên gọi để chỉ các loại hàng nhái, bắt chước các thương hiệu nổi tiếng. Các mặt hàng này xuất hiện tràn lan tại các cửa hàng kinh doanh thời trang gắn mác “chuyên hàng xách tay” và trên các chợ “ảo”. Do đó, để tránh mua phải hàng “fake”, người tiêu dùng thường có xu hướng chọn mua hàng “xịn” tại các trung tâm thương mại hoặc các cửa hàng được nhượng quyền phân phối sản phẩm.
 
Một số thương hiệu thời trang lớn trên thế giới như: Moschino, LV, Hermes, Prada, CK, Dolce & Gabbana, Chanel, Christian Dior, Fendi... đến các thương hiệu "bình dân" như: H&M, Charles& Keith, Nine West, Zara, Mango... đều có chi nhánh phân phối và góp mặt trong các trung tâm thương mại lớn ở Việt Nam. 
Một chiếc túi nhãn hiệu Charles & Keith được đính kèm mã code
Một chiếc túi nhãn hiệu Charles & Keith được đính kèm mã code
 
Thế nhưng vụ việc cửa hàng phân phối thương hiệu thời trang Gucci bị niêm phong vì nghi ngờ trốn thuế và “trà trộn” hàng nhái đã khiến nhiều “tín đồ” thời trang ái ngại. Đây là một cửa hàng chuyên phân phối sản phẩm chính hãng của nhãn hàng Gucci và rất “hút” khách. Chỉ trong 3 tháng (Tháng 10, 11, 12), cửa hàng Gucci & Milano liên tục có 3 đợt giảm giá từ 30-50%. Trước đó, có đợt giảm giá đến 80%. 
 
 Mỗi lần giảm giá, khách hàng chen chân đến đây mua quần áo, giày dép rất sầm uất. Chị Thu Linh (Lê Văn Sĩ, Q.4, Tp HCM) cho biết “Có đợt giảm giá nhiều, các mặt hàng túi xách, giầy dép “xịn” mà chỉ có khoảng 800.000 – 900.000 đồng/chiếc. Mức giá đó cũng chỉ nhỉnh hơn hàng Trung Quốc cao cấp một chút, thế nên dân sành điệu mua nhiều lắm. Bỏ ra chút tiền mà dùng hẳn hàng hiệu của Ý lại chẳng “sang” hơn.”
 
Mặc dù là “khách ruột” tại cửa hàng trên, chị Linh cũng bày tỏ lo ngại, chiếc giầy chị mua đợt hạ giá khoảng hơn một triệu đồng nhưng đi vài bữa đã bong tróc, phai màu không khác gì hàng gia công Trung Quốc. “Hoá ra toàn trà trộn hàng nhái Trung Quốc, giờ thì tôi mới hiểu tại sao hàng hiệu của Ý mà liên tục giảm giá “khủng” đến như vậy. Trong khi hàng chính hãng vẫn được niêm yết với mức giá khá cao trên trang web của Gucci. Không hiểu các cửa hàng phân phối các nhãn hiệu khác như Moschino, LV, Prada, Hermes có tình trạng “vàng thau” lẫn lộn ? ”, chị Linh bức xúc

Biết phân biệt thật - giả ra sao ? 
 
Theo tìm hiểu của phóng viên Chất lượng Việt Nam, cửa hàng này đã được Công ty mẹ Gucci tại Ý cho phép nhượng quyền thương hiệu, tức là được phân phối và bán các sản phẩm mang nhãn hiệu Gucci. Bởi trên trang web chính thức của Gucci (www.gucci.com) có ghi hai địa điểm bán hàng Gucci tại Việt Nam là ở Sheraton Saigon Hotel (88 Đồng Khởi, Q.1, TP.HCM) và Hongkong land building (63 Lý Thái Tổ, Hà Nội). 
 
Bà Nguyễn Thị Tú Oanh, Giám đốc Marketing của Trung tâm thời trang ILIT, nhà phân phối thương hiệu đồ lót Yiselle của Pháp cho biết, để được một thương hiệu thời trang quốc tế cho phép franchise (nhượng quyền thương hiệu) thì các cửa hàng tại Việt Nam cần tuân thủ nhiều qui tắc rất chặt chẽ. Ví dụ, mặt bằng diện tích của cửa hàng phải đạt đúng tiêu chuẩn, nhân viên phải qua đào tạo tại Công ty mẹ - đơn vị sở hữu thương hiệu thời trang… Mọi cung cách bán hàng, trang trí cửa hàng, nhập khẩu sản phẩm đến cả đồng phục cho nhân viên đều phải đạt đúng “chuẩn” như Công ty mẹ, để đảm bảo hình ảnh và danh tiếng của hãng thời trang đó trên khắp thế giới.
Bên trong cửa hàng Gucci bày bán nhiều sản phẩm mang thương hiệu nổi tiếng toàn cầu
Bên trong cửa hàng Gucci bày bán nhiều sản phẩm mang thương hiệu nổi tiếng toàn cầu. Chất lượng các sản phẩm này đến đâu đến nay vẫn là một dấu hỏi lớn
 
Như vậy, để nhận được sự cho phép nhượng quyền thương hiệu của nhãn hàng Gucci, cửa hàng phân phối Gucci & Milano đã có đủ các tiêu chuẩn điều kiện trên. Đây cũng là một cửa hàng khá “hoành tráng” đặt ngay mặt tiền của khách sạn Sheraton sang trọng bậc nhất giữa trung tâm TPHCM. Vậy mà hàng giả vẫn “trà trộn” với hàng thật thì người tiêu dùng còn biết tin tưởng vào đâu ? 
 
Đối với giới sành điệu, việc bỏ ra vài chục triệu cho đến vài chục triệu đồng mua một chiếc túi, áo, váy, đôi giày "xịn" không có gì phải “xoắn” ngay cả trong thời kì "lạm phát". Nhiều cô hoa hậu, người mẫu vẫn sải bước tại các sự kiện văn hóa với những chiếc túi xách, váy áo giá trị lên đến hàng tỉ đồng. Thế nhưng, không phải ai cũng biết cách phân biệt hàng hiệu “thật” và hàng nhái mà chủ yếu mua với tâm lí đua đòi, thích có tiếng “sang” vì “chơi” toàn hàng hiệu từ đầu đến chân. 
 
Chị Phong Lan (Lý Thường Kiệt, Hà Nội) một người yêu thích thời trang hàng hiệu cho biết, đa số người Việt vẫn có tâm lí bỏ tiền ra để mua “nhãn mác” chứ không biết thực chất hàng hiệu khác hàng “fake” ở điểm gì ? Do đó, nhiều người chỉ biết nên mua hàng “xịn” tại các cửa hàng chính hãng, trung tâm phân phối cho “an toàn”.
 
Cũng theo chị Lan, thu nhập hiện tại của chị không đủ “đô” để xài các thương hiệu “đỉnh” như Gucci, LV, Hermes… Món hàng hiệu mà chị yêu thích là các thương hiệu bình dân như Zara, Nine West, Charles & Keith với mức giá dao động từ 1 – 3 triệu đồng/sản phẩm. Chị cũng thường mua các sản phẩm trên tại cửa hàng phân phối chính hãng trên phố Lê Thái Tổ.
 
Chị Lan có cách phân biệt hàng hiệu như sau, ở mỗi sản phẩm túi xách, ví của các thương hiệu này đều được đựng trong hộp có kèm dustbag, authenticity card - các loại thẻ ghi tên sản phẩm và mã giá…
 
Bên trong túi, ví thường may đính kèm những miếng mác nhỏ có một mã code gồm nhiều dãy số. Khi gõ trên trang web www.google.com và một số trang check mã code , trang web bán hàng chính hãng sẽ xuất hiện hình ảnh và thông tin đầy đủ về sản phẩm. Hàng nhái thường không có mã code đính kèm, hoặc đính mã code “lung tung” nên khi search sẽ không thấy hình ảnh và mẫu mã trên trang web chính hãng.
 
Với đồ giầy dép, phụ kiện thắt lưng, ngoài cách check mã code thì cách kiểm tra đơn giản nhất là sờ vào chất liệu da. Đa phần hàng “xịn” được làm bằng da thật, còn hàng “fake” là giả da. Khi dùng tay vạch một vết trên da thì sản phẩm giả da không có độ đàn hồi sẽ bị xước ngay còn da “xịn” thì không bị xước. Da thật thưòng có mùi gây gây còn giả da thì có mùi của chất hóa học như mùi nhựa tổng hợp hoặc mùi sơn…
 
Tuy nhiên, đây đều là những cách phân biệt hàng xịn – nhái theo cảm quan và kinh nghiệm của người mua hàng. Khi “tung” ra các lô hàng “fake”, chắc hẳn người sản xuất đã tính toán đến những điểm này và việc làm giả mã code hay qui trình gắn mác cũng không có gì là khó khăn. Rõ ràng, để mua được món hàng “chuẩn”, người tiêu dùng có “thông thái” cũng gặp khó khăn. Việc kiểm tra và xử lí các cửa hàng bán hàng hiệu “trà trộn” để bảo vệ người tiêu dùng vẫn phải trông chờ vào phía cơ quan chức năng. 
Ngân hàng Nhà nước từng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng đối với Cửa hàng thời trang Gucci (Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm).
 
Theo đó, đại diện cửa hàng là ông Lâm Phước Hải (hộ kinh doanh thời trang Lâm Phước) bị xử phạt 75 triệu đồng về hành vi thanh toán ngoại tệ trái pháp luật của khách hàng. Ngoài ra, cửa hàng này còn bị tịch thu 700 USD và phải chấm dứt ngay việc thanh toán bằng ngoại tệ trái pháp luật.
 
Trước đó, ngày 5/1, Đội Chống buôn lậu và buôn bán hàng cấm, Công an Hà Nội bắt quả tang nhân viên thu ngân cửa hàng trên đang nhận thanh toán tiền ngoại tệ trái pháp luật của khách hàng với số tiền 300 USD. Tại quầy thu ngân, tổ công tác đã thu giữ thêm tiền USD với các mệnh giá 100 USD, 5 USD…
 
Cũng liên quan đến vụ việc ở Công ty milano và lô hàng nghi trốn thuế và hàng giả, 3 cán bộ Hải Quan cảng Sài Gòn khu vực 4 cũng bị tạm đình chỉ công tác để phục vụ cho công tác để làm rõ nghi án có sai phạm hay không.
 

Mai Trang 
 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang