Đăng ký, tính cước 3G chưa minh bạch

author 10:33 02/01/2016

Hiện nay nhà mạng đang toàn quyền tính cước với các thuê bao trong mạng.

Người tiêu dùng không chỉ thiếu những tiêu chuẩn để đo lưu lượng 3G, mà còn bị hiện tượng đan cài các gói dịch vụ ngầm, gửi tin nhắn mời chào liên tục (spam) khiến người dùng bức xúc.

Nghẽn mạng và quảng cáo quá nhiều đang làm người tiêu dùng mệt mỏi.

Chưa đến Tết mạng đã nghẽn

Hiện tại, dịch vụ 3G đã phủ sóng khắp hang cùng ngõ hẻm. Ở bất cứ nơi đâu, khách hàng cũng có thể truy cập mạng, tạo nên một không gian thông tin phẳng, vô cùng thuận tiện. Tuy nhiên, độ phủ sóng không phải lúc nào cũng đi cùng chất lượng dịch vụ. Ngay trong những ngày cuối cùng của năm 2015, dịch vụ mạng 3G từ Mobifone nhiều nơi hoạt động rất chậm, nhiều khách hàng phàn nàn gặp hiện tượng xoay tròn chờ tải trang.

Đến 12 giờ trưa 31/12, tiếp tục đến mạng 2G gặp trục trặc khi nhiều thuê bao Mobifone phản ánh cuộc gọi liên tục bị rớt khi chuyển đến nhà mạng Viettel. Anh Nguyễn Xuân Nam (Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội) chủ nhân số điện thoại 09870901xx cho biết, nhiều bạn bè, khách hàng báo với anh số thuê bao đang bị cô lập. Nhiều đối tác gọi đến hơn chục cuộc đều báo lỗi. Gửi thắc mắc lên tổng đài Mobifone, nhân viên số hiệu 1396 thông tin, Mobifone gặp sự cố mạng khi kết nối với Viettel, đồng thời cho biết, chưa có thông tin khi nào khắc phục được sự cố. Ghi nhận của phóng viên, sau 2 tiếng, sự cố này mới được tạm thời khắc phục.

Tốc độ truy cập mạng 3G cũng là đề tài “nóng” trong dịp cuối năm. Bạn Nguyễn Duy Phúc, sinh viên Đại học GTVT Hà Nội, khi tham dự bữa tiệc đếm ngược tại Hồ Gươm đêm 31, rạng sáng 1/1/2016 phản ánh: Mạng 3G chỉ quay vòng chờ liên tục trong nửa tiếng, mặc dù Phúc vẫn đang còn lưu lượng sử dụng của gói sử dụng 3G 90.000 đồng/tháng.

Quanh khu vực Hồ Gươm, các bạn của Phúc sử dụng các ứng dụng nhắn tin qua OTT như Viber, Facebook để tìm hoặc chúc mừng năm mới cho nhau… đều khá chậm. Việc gửi các hình ảnh, lời chúc mừng qua các ứng dụng sử dụng 3G thường bị trễ 1 - 5 phút. Dự báo trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, chất lượng thoại và tốc độ 3G sẽ tiếp tục là chủ đề làm các nhà mạng đau đầu.

Đăng ký hộ dịch vụ và thu tiền giúp?

Anh Phạm Văn Trung, phố Bạch Đằng, Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, anh mới mua một sim Viettel để phục vụ việc học tập. Tháng vừa rồi, thuê bao của anh Trung bỗng nhiên tự trừ 50.000 đồng. Thắc mắc hỏi tổng đài Viettel, nhân viên tổng đài cho biết, anh đang sử dụng dịch vụ Keeng và dịch vụ của Tổng đài 5005. Vô cùng bất ngờ trước thông tin này, anh Trung đã ngay lập tức nhắn tin hủy 2 dịch vụ trên. “Tôi còn không biết 2 dịch vụ bị trừ tiền là dịch vụ gì, đăng ký từ khi nào”, anh Trung bức xúc.

Cũng là nạn nhân của việc trừ tiền vô lý, anh Nguyễn Tùng Anh (Trung Hòa, Cầu Giấy) cho biết, thuê bao Mobifone của mình vài tháng trở lại đây bỗng bị tăng tiền khoảng gần 100.000 đồng cho dịch vụ giá trị gia tăng. Nghi ngờ bị tính sai cước phí, anh Tùng Anh đã đến đại lý Mobifone để phản ánh, tại đây, nhân viên tư vấn đưa cho anh tờ sao kê với những mục như phí Mobiclip, dịch vụ mFilm… những dịch vụ mà anh chưa bao giờ nghe qua.

Nhân viên tư vấn cho rằng, dịch vụ không đăng ký tự động, có thể người khác cầm máy anh ấn nhầm vào đường dẫn đăng ký? “Kể cả ấn nhầm thì tổng đài cũng phải hỏi xác nhận chứ không thể đăng ký bừa bãi như vậy được”, anh Tùng Anh nói.

Chị Lương Thị Hường, phố Vọng Hà phàn nàn, hiện chị đã chuyển sang một sim khác, tháo sim cũ ra để một chỗ. “Rất lạ là thỉnh thoảng mở ra để kiểm tra thì vẫn thấy tiền bị trừ bình thường”, chị Hường bức xúc.

Nhà mạng Viettel hiện nay còn mời chào khách hàng các dịch vụ của mình khi họ đang thao tác kiểm tra số tiền hiện có trên thuê bao. Cụ thể, đó là dịch vụ Tài khoản may mắn, cứ mỗi lần các thuê bao Viettel nhấn mã số kiểm tra tài khoản, ngay lập tức thông báo mời này sẽ hiện lên. Tổng đài Viettel cho biết, đây là một dịch vụ mới của Viettel, khách hàng bỏ ra một số tiền nhất định sẽ có cơ hội nhận được gấp 50 lần số tiền đó. Tuy nhiên, chương trình kéo dài bao lâu, bao nhiêu người tham gia, hay đơn giản làm cách nào để hủy lời mời chào này thì nhân viên Tổng đài không có câu trả lời.

Với các thuê bao hiện nay, một tháng chi phí tiền cước 3G tốn hơn rất nhiều so với nhắn tin, gọi điện (theo báo cáo của Bộ TT&TT, riêng nhà mạng Viettel, số thuê bao 3G đã chiếm 14 triệu thuê bao, mang lại 50% tổng doanh thu). Một số hiện tượng tự động đăng ký dịch vụ, sự cố khi trừ tiền lưu lượng 3G người dân đã phản ánh từ lâu. Tuy nhiên, do số tiền bị trừ bị cho là không chính xác không lớn (chỉ từ vài ngàn đến chục ngàn đồng/tháng), cùng việc kiến thức, am hiểu về cách tính giá không phải ai cũng nắm rõ nên hầu hết người bị hiện tượng đó đều tặc lưỡi cho qua.

Thanh tra Bộ TT&TT cho biết, hiện nay, các nhà mạng liên kết với nhiều đơn vị khác nhau tung ra các dịch vụ tiện ích như: xổ số, game, thời tiết, sức khỏe… Không chỉ gây phiền hà cho khách hàng, nếu vô tình ấn vào đường dẫn đăng ký dịch vụ, khách hàng còn bị trừ phí. Trong trường hợp nhà mạng tự động đăng ký gói dịch vụ và trừ tiền của khách hàng thì khách hàng có quyền khiếu nại đến thanh tra Bộ để được làm rõ.

Một chuyên gia viễn thông cho biết thêm, hiện nay nhà mạng đang toàn quyền tính cước với các thuê bao trong mạng. Ngoài ra, họ còn đan cài các gói dịch vụ ngầm, gửi tin nhắn mời chào liên tục (spam) khiến người dùng bức xúc. Khi cơ quan quản lý nhà nước chưa ban hành được Bộ tiêu chuẩn tính lưu lượng 3G, thì hiện tượng mập mờ trong cách tính giá cước vẫn sẽ còn tiếp diễn.

Việc thông tin giữa các hãng cung cấp dịch vụ và người dùng 3G cũng rất hạn chế. Chị Lương Thị Hường, phố Vọng Hà là người đã làm việc thời gian dài cho một hãng viễn thông, đã khá quen với các quy trình, thủ tục khiếu nại, nhưng đến khi khiếu nại về dịch vụ 3G vẫn gặp khó.

Theo Tiền Phong


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang