Phòng tránh biến chứng nghiêm trọng khi bị sứa cắn

author 08:20 30/04/2015

(VietQ.vn) - Những con sứa với màu trong suốt lẫn trong làn nước biển sẵn sàng tấn công là một vấn đề đáng lo với bất kỳ người khi đi du lịch biển nao. Nếu không biết cách xử trí thích hợp có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm.

Ở Việt Nam, thời gian có sứa gây ngứa xuất hiện hầu hết các tháng trong năm. Các địa điểm du lịch biển như bãi tắm ở tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Nha Trang, Vũng Tàu cần lưu ý khi tắm biển vì rất dễ gặp sứa ngứa (Chrysaora), xuất hiện từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm, đúng vào mùa du lịch biển.

Sứa là một loài nhuyễn thể, thân mềm sống ở môi trường nước biển. Khi đi biển, chơi đùa trong nước, tắm biển nếu chạm phải những tua râu này sẽ bị ngộ độc gây đau rát dữ dội. Thành phần nọc độc của sứa rất đa dạng, thường có chứa histamine và các chất giống kinin có tác dụng độc lên các mô tại chỗ và trên khắp cơ thể gây viêm da hoại tử, độc trên hệ cơ, độc trên tim, hệ thần kinh và gây tán huyết. Nếu không biết cách xử trí thích hợp có thể gây những biến chứng nặng nguy hiểm hoặc vết thương sẽ lâu lành, để lại sẹo xấu.

Sứa xuất hiện nhiều nhất vào mùa du lịch biển

Các địa điểm du lịch biển là nơi rất dễ gặp ‘hung thần’ sứa ngứa

Khi bị sứa đốt, người bơi cần nhanh chóng rời khỏi mặt nước để tránh trường hợp có thể bị sốc nặng dẫn đến chết đuối. Chỗ bị sứa đốt thường sưng đỏ, có cảm giác nóng xung quanh. Ở trẻ em, vết sứa đốt có thể nhận biết bằng cách quan sát dãy vết trầy dạng mề đay thường gặp ở vùng chân trẻ, ít gặp ở hông và tay. Những vết đặc trưng có dạng thẳng hoặc xoắn, hoặc những dấu vết va chạm với tua râu của sứa trên da trẻ gây đau dữ dội.

Do đó cần sớm rửa vết thương bằng nước biển để làm sạch các tế bào phóng độc chưa bị kích hoạt (không rửa bằng nước ngọt hoặc nước nóng vì sẽ làm tổn thương nặng hơn). Loại bỏ các xúc tu hay phần cơ thể của vật cắn, sau đó chà xát để lấy hết gai sứa ra khỏi vết thương, dùng vật có cạnh như thìa, vỏ sò, dao...

Sau đó pha dung dịch gồm 10 phần nước với một phần a-mo-ni-ac, dấm, sô đa hoặc mì chính sau đó bôi vào vùng bị thương (nếu không có sẵn những hóa chất trên có thể dùng chanh chà vào vết thương). Chườm đá lên vùng bị thương nhằm giảm đau, bớt sưng tấy và ngăn không cho nọc độc sứa lan rộng.

Cần trang bị kiến thức để kịp thời xử lý khi bị sứa cắn

Trước khi tới các địa điểm du lịch biển cần trang bị đầy đủ kiến thức về sơ cứu khi bị sứa biển cắn

Nếu người bị sứa đốt vẫn còn đau nhức, có thể uống aspirin, nếu có biểu hiện trầm trọng hơn như khó thở phải nhanh chóng đưa đi cấp cứu tại bệnh viện để được xử trí kịp thời, theo báo VnExpress.

Loan Tô (T/h)

 


 

 


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang