Điểm bán hàng Việt Nam đưa sản vật địa phương đến gần hơn với người tiêu dùng

author 15:16 26/08/2020

(VietQ.vn) - Mô hình Điểm bán hàng Việt Nam đang góp phần giúp tăng doanh thu 10-15% mỗi năm, quảng bá đặc sản địa phương và đưa người tiêu dùng (NTD) đến gần hơn những sản vật của địa phương.

Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, mô hình điểm bán hàng Việt Nam được các địa phương nhiệt tình ủng hộ và trở thành điểm tập kết các đặc sản vùng, địa phương, giúp tăng cường quảng bá du lịch. Gắn kết một cách phù hợp việc thực hiện các mục tiêu của Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" (CVĐ) với Chương trình Bình ổn thị trường, an toàn thực phẩm và các chương trình khác tại địa phương.

 Người tiêu dùng thêm cơ hội tiếp cận sản phẩm chất lượng, đặc sản địa phương .

Đồng thời, đây cũng là mô hình thương mại hai chiều: Đưa hàng hóa Việt có chất lượng từ các địa phương khác đến tận tay NTD tại địa phương và thu hút hàng hóa nông sản, đặc sản tại địa phương đến các tỉnh, thành phố khác. Các Sở Công Thương khi thiết lập Điểm bán hàng Việt Nam đã ưu tiên tại vùng sâu, vùng xa, hoặc khu công nghiệp, những nơi hệ thống phân phối hàng hóa thiết yếu vẫn còn mỏng, nhằm hỗ trợ NTD dễ dàng tiếp cận hàng sản xuất trong nước có chất lượng với giá thành cạnh tranh.

Hàng hóa được bày bán tại Điểm bán hàng Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác sản phẩm... và thực hiện dưới sự giám sát của các Sở Công Thương. Theo báo cáo của các Sở Công Thương, tất cả các điểm bán hàng Việt Nam đều đã tăng doanh thu lên 10-15% sau khi được hỗ trợ.

Hà Giang là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước được Bộ Công Thương hỗ trợ xây dựng mô hình Điểm bán hàng Việt Nam, đặt tại cửa hàng bán buôn, bán lẻ Hồng Hải tại Trần Phú, TP. Hà Giang, tỉnh Hà Giang. Trước khi xây dựng mô hình này, mỗi năm, cửa hàng tiêu thụ khoảng 12,8 tấn chè các loại (khoảng 35kg/ngày), gần 5,5 tấn dược liệu (trung bình 15kg/ngày) và khoảng 1.500 lít mật ong...

Sau khi được hỗ trợ xây dựng mô hình Điểm bán hàng Việt, mỗi ngày cửa hàng tiêu thụ khoảng 65 kg chè búp khô các loại; 20 kg dược liệu/ngày, cá biệt có ngày tiêu thụ gần 30 kg dược liệu; mật ong 12 lít/ngày (tương đương hơn 4.300 lít/năm)... Không chỉ bán các đặc sản của Hà Giang, cửa hàng còn là điểm tiêu thụ nhiều sản phẩm đặc sản của các tỉnh lân cận, đặc biệt là Cao Bằng.

"Dưới sự chỉ đạo của Bộ Công Thương và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, nhiều DN (doanh nghiệp) đã nỗ lực tổ chức, xây dựng các Điểm bán hàng Việt Nam cố định với nhiều sáng tạo tại các địa phương trên cả nước" - ông Trần Duy Đông cho biết. Cụ thể, nhóm Điểm bán hàng Việt Nam tại vùng sâu, vùng xa được xây dựng tại DN Lưu Thủy (xã Võ Miếu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ), cửa hàng Cô Ba (An Giang), cửa hàng tại huyện Nam Trà Mi (Quảng Nam)... Lựa chọn các cơ sở ở vùng sâu, vùng xa, tình hình thương mại còn nhiều khó khăn, phần lớn là người dân tộc, hàng hóa lưu thông còn nhiều hạn chế; các DN đã phải nỗ lực rất nhiều.

Hoặc nhóm Điểm bán hàng Việt Nam gắn với quảng bá đặc sản vùng, địa phương tại Lào Cai, Hà Giang... là một điểm tập kết các đặc sản vùng, địa phương nhằm tăng cường quảng bá du lịch... Nhóm Điểm bán hàng Việt Nam tại các siêu thị: DN Lan Chi tại Hà Nam, DN Intimex tại Hưng Yên, DN BK tại Bắc Kạn, DN Coopmart tại Kiên Giang... Các DN đã đồng hành cùng các cơ quan quản lý nhà nước, nhằm đẩy mạnh tỷ lệ hàng Việt tại các siêu thị này (trên 80%).

Hiện nhiều địa phương đã chủ động nhân rộng thêm 100 điểm bán hàng Việt Nam. Điển hình như Thanh Hóa đã tự xây dựng thêm 15 điểm bán tại 11 huyện miền núi phía Tây; Tây Ninh đã cấp kinh phí xây dựng thêm 9 điểm bán...

Thu Hà

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang