Mong có 'Khoán 10' cho doanh nghiệp tư nhân đột phá

author 06:46 03/05/2019

(VietQ.vn) - Khai mạc Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019 chiều ngày 2/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định, khối tư nhân đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế; đồng thời đưa ra 10 “từ khóa” cho khu vực này.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn.

 

Tạo nhiều cơ hội cho khu vực tư nhân phát triển thuận lợi hơn

Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam chứng kiến nhiều thành quả của nền kinh tế, đặc biệt năm 2018 là năm thứ 4 liên tiếp có số doanh nghiệp thành lập mới với số vốn kỷ lục, trong đó có vai trò của khối doanh nghiệp tư nhân. Doanh nghiệp tư nhân đang tạo ra khoảng hơn 42% GDP, nhiều doanh nghiệp đã khẳng định giá trị thương hiệu trên thị trường và được người dân tin tưởng.

Dù chưa có đánh giá đầy đủ, nhưng 2 năm qua cho thấy, khát vọng vươn lên của khối doanh nghiệp tư nhân. Khu vực này có vai trò hết sức quan trọng, cần tìm cách kích hoạt tốt hơn nữa.

Thủ tướng cũng gợi mở một số điều để phát huy lợi thế của cộng đồng doanh nghiệp. Đó là làm thế nào để doanh nghiệp quy mô nhỏ có thể vươn ra thế giới, hàng triệu hộ kinh doanh cá thể có thể tạo lợi thế cho bản thân và xã hội, đây là vấn đề khó nhưng với khát vọng vươn biển lớn, đổi mới sáng tạo sẽ là động lực quan trọng.

Thủ tướng cũng đặt ra câu hỏi “Đâu là điểm nghẽn của kinh tế Việt Nam, làm thế nào để đẩy mạnh, phát triển các ngành nghề kinh tế?” “Chính những doanh nghiệp, doanh nhân tại hội trường này là người đi tiên phong. Những đề xuất của họ trong chương trình sẽ góp phần phát triển kinh tế tư nhân thành ngành mũi nhọn” – Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng cho rằng, tinh thần doanh nghiệp với chí tiến thủ cao, luôn nỗ lực tìm kiếm thị trường mới, cách tân doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp cần kinh doanh chân chính, góp phần phòng chống tham nhũng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tạo nền cho những thương hiệu nổi tiếng, có thể vươn tầm thế giới sẽ góp phần đưa tên tuổi Việt Nam ra toàn cầu.

Chia sẻ về chủ trương, quan điểm, định hướng lớn về phát triển kinh tế tư nhân, những quyết sách tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân góp phần phát triển kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tiềm năng thế mạnh lẫn điều kiện của kinh tế tư nhân còn nhiều ràng buộc. Vì vậy, chúng ta cần tạo điều kiện không gian, nguồn lực, cơ hội cho khu vực tư nhân phát triển thuận lợi hơn. Thủ tướng dùng 10 “từ khóa” cho khu vực này, đó là: “bình đẳng" trong phát triển, "được bảo vệ", "khích lệ" và "trao cơ hội" cho kinh tế tư nhân.

Về bình đẳng, kinh tế tư nhân bình đẳng trước pháp luật, bình đẳng trong cạnh tranh, trong phân bổ nguồn lực với các thành phần kinh tế khác, nhất là tiếp cận nguồn vốn.

Được bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, đặc biệt là giảm chồng chéo tầng lớp trong thanh tra chuyên ngành, tạo môi trường thông thoáng cho kinh tế tư nhân phát triển.

Khích lệ là được tôn vinh các dự án, ngược lại cần lên án các doanh nghiệp vi phạm pháp luật, đạo đức kinh doanh.

Cuối cùng là trao cơ hội, đó là tạo cơ hội tiếp cận nguồn lực, cắt giảm chi phí kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm… làm ra môi trường minh bạch thông thoáng, minh bạch, thuận lợi, chống độc quyền doanh nghiệp, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân phát triển bền vững.

 Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI.

Mong có “Khoán 10” cho doanh nghiệp tư nhân đột phá

Tại diễn đàn kinh tế tư nhân năm 2019, 6 vấn đề kinh tế then chốt gồm: Du lịch, kinh tế số, CPTPP, vốn - tài chính, nông nghiệp, khởi nghiệp đã được bàn thảo. Đây cũng là diễn đàn có sự tham dự của hơn 3.000 chuyên gia kinh tế và DN, đã ghi nhận những hiến kế quan trọng nhằm thúc đẩy kinh tế tư nhân.

 
Để cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt là trong cải cách thủ tục hành chính và dẹp bỏ giấy phép con, VCCI đề nghị thay cho cách tiếp cận truyền thống là giao cho các bộ, ngành tự rà xét và đưa ra các giải pháp cắt giảm, bằng việc giao cho VCCI chủ trì cùng với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và các hiệp hội doanh nghiệp chủ động rà xét và kiến nghị danh sách các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính cần tiếp tục đơn giản hóa hoặc loại bỏ để báo cáo trực tiếp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và kiến nghị với các bộ, ngành.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI
 

Theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cộng đồng DN được cổ vũ mạnh mẽ khi chỉ trong vòng hai thập kỷ qua, Đảng ta đã có hai lần ra nghị quyết riêng về phát triển kinh tế tư nhân. “Đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 10 năm 2017 gợi nhớ về Nghị quyết khoán 10 trong nông nghiệp và chúng ta hy vọng Nghị quyết Trung ương 10 lần này cũng mở đầu cho một bước đột phá như vậy trong nền kinh tế hiện nay”, ông Vũ Tiến Lộc nói.

Theo đánh giá của cộng đồng DN, 17 năm qua kể từ khi có nghị quyết đầu tiên về kinh tế tư nhân, nhất là hai năm qua kể từ khi có Nghị quyết Trung ương 10, khu vực kinh tế tư nhân trong nước đã có những bước phát triển mạnh mẽ và thể hiện được vai trò rường cột trong nền kinh tế nước nhà. Mặc dù vậy, đại diện cộng đồng DN cho rằng, chất lượng phát triển của khu vực kinh tế tư nhân ở nước ta vẫn còn rất nhiều vấn đề cần phải bàn, liên quan đến vấn đề năng suất, tính phi chính thức, thiếu các DN quy mô vừa và lớn, khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu…

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết: Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh số 10 cho Nghị quyết phát triển kinh tế tư nhân thể hiện mong muốn, quyết tâm của Đảng, Nhà nước nhằm đạt được nhiều kết quả thắng lợi giống như nghị quyết khoán 10 trong ngành nông nghiệp. Ông Bình cho biết thêm, làm sao để nghị quyết này đi vào đời sống nhân dân là trăn trở của các lãnh đạo Chính phủ, Nhà nước và diễn đàn chính là nơi để các bên có thể cùng trao đổi, tìm ra các giải pháp cải thiện và phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân.

Tại diễn đàn lần này, Chủ tịch VCCI đã có 11 kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho DN tư nhân. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh cần tiếp tục khẳng định vai trò động lực và rường cột của khu vực kinh tế tư nhân - kinh tế của nhân dân và DN dân tộc - trong việc xây dựng một nền kinh tế hiện đại, hội nhập, tự cường và phát triển bền vững ở Việt Nam. “Phải tiếp tục có những nỗ lực đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hướng tới các chuẩn mực tiên tiến trên thế giới, đảm bảo môi trường kinh doanh minh bạch, an toàn, thuận lợi để nuôi dưỡng niềm tin và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân và các DN dân tộc”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Một kiến nghị đáng chú ý của đại diện VCCI liên quan sửa đổi Luật Doanh nghiệp, theo đó, ông Lộc kiến nghị việc sửa đổi chú trọng hai nội dung căn bản: Đơn giản hóa tối đa các thủ tục hành chính, giảm bớt chi phí tuân thủ đối với các DN siêu nhỏ, đồng thời xác lập khung khổ pháp lý cho khu vực hộ kinh doanh cá thể có đăng ký.

“Chúng tôi hoan nghênh nỗ lực của Bộ Tài chính tháng 12/2018 đã ban hành Thông tư hướng dẫn chế độ kế toán phù hợp cho DN siêu nhỏ. Nhưng đây chỉ là bước đi đầu tiên. Đề nghị các bộ, ngành khác cũng phải tiếp tục rà soát sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực của mình cho vừa với quy mô của các DN này. Không để các DN siêu nhỏ tiếp tục phải gánh các thủ tục hành chính và chi phí tuân thủ giống như các DN vừa và lớn. Đây chính là biện pháp căn cơ để khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN”, TS Vũ Tiến Lộc nói.

Khai mạc Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN trong công nghiệp 4.0(VietQ.vn) - Sáng 12/9 tại Hà Nội, Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018 chính thức khai mạc phiên toàn thể với chủ đề "Những ưu tiên của ASEAN trong Cách mạng công nghiệp 4.0".

Bảo Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang