Điều khiển xe khách đâm chết người do lỗi khách quan bị phạt thế nào?

authorLan Ninh 07:05 27/11/2016

(VietQ.vn) - Vừa qua, tôi điều khiển xe khách đâm chết người khi say xỉn, mặc quần đùi, ở trần băng qua đường. Vậy tôi sẽ phải chịu trách nhiệm thế nào?

Độc giả Nguyễn Văn Tý (Lâm Đồng):  Vừa qua tôi điều khiển xe khách giường nằm tuyến Đà Lạt - TP HCM, vào thời điểm đó khoảng 18h có một người có biểu hiện say rượu, mặc quần đùi, cởi trần... theo hướng ngược chiều đã bất ngờ băng qua đường, khiến tôi không thắng (phanh) kịp và tông trực diện khiến nạn nhân tử vong tại chỗ. Theo như nhận định, tôi chạy đúng tốc độ theo quy định, đúng phần đường. Nhưng theo hồ sơ của cơ quan công an cho rằng, xe tôi tông người trong làn đường dành cho xe thô sơ. Về phần ma chay cho người chết, tôi cùng người thân trong gia đình có đến thăm hỏi cùng viếng thăm và đưa người bị nạn đến nơi an nghỉ cuối cùng, đồng thời đã hỗ trợ tiền mai táng phí, hoàn tất thủ tục bãi nại với gia đình người bị nạn. Vậy tôi bị xét xử phạt tù có đúng như quy định của pháp luật không? Mức án bao nhiêu năm?

Điều khiển xe khách đâm chết người bị phạt thế nào?

Điều khiển xe khách đâm chết người bị phạt thế nào? Ảnh minh họa 

Trả lời:

Khi một người sử dụng phương tiện giao thông tham gia giao thông gây tai nạn chết người thì có hai trách nhiệm đặt ra là trách nhiệm dân sự và trách nhiệm hình sự. Đối với trách nhiệm dân sự, bạn và gia đình người bị thiệt hại đã thỏa thuận xong. Còn đối với trách nhiệm hình sự, theo quy định tại điều 202 Bộ luật hình sự năm 1999 được sửa đổi bổ sung năm 2009 thì:

Điều 202. Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ

1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

 2. Phạm tội  thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;

b) Trong khi say rượu hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác;

c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; 

d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn  giao thông;

đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

4. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Như vậy theo quy định của Điều luật và nếu không còn thông tin nào khác dẫn đến thay đổi tính chất của vụ việc thì anh có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 với hình phạt từ "phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm".

Mộc Lan 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang