Đọc kỹ hướng dẫn khi chuyển vùng quốc tế

author 18:01 02/02/2014

Để không phát sinh tiền cước ngoài ý muốn, khách hàng nên đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng dịch vụ roaming.

Nhiều người Việt khi ra nước ngoài muốn sử dụng dịch vụ chuyển vùng quốc tế (roaming). Đáp ứng nhu cầu này, các nhà mạng trong nước đều có gói cước chuyển vùng quốc tế với giá hấp dẫn.

Trước khi đi Singapore, ông Huỳnh Văn Hùng chủ thuê bao 016623... (mạng Viettel) cho biết có đăng ký dịch vụ chuyển vùng quốc tế (CVQT) của Viettel với mức 199.000đ/ngày. “Trong ba ngày, từ ngày 4 – 6.12.2013, tôi vẫn sử dụng CVQT bình thường nhưng bước sang ngày 7.12.2013 thì không thể kết nối được nữa. Tôi nhờ người nhà đến đại lý Viettel trên đường Lê Hồng Phong (TP.HCM) hỏi lý do, nhân viên ở đây cho biết, tôi đã xài quá 2 triệu đồng nên bị cắt” – ông Hùng viết trong lá đơn khiếu nại gởi đến báo SGTT như vậy. Ông Hùng cho rằng, với mức cước 199.000đ/ngày (chưa thuế VAT), trong thời gian ba ngày dù có cộng thêm thuế cũng không thể nào xài tới 2 triệu đồng. Nhưng khi đọc bảng kê chi tiết cuộc gọi, mới thấy lỗi thuộc về ông Hùng.

Cẩn trọng khi chuyển vùng quốc tế cuộc gọi

Cẩn trọng khi chuyển vùng quốc tế cuộc gọi. Ảnh minh họa

Theo quy định của Viettel, để được hưởng mức cước trên, thuê bao Viettel phải kết nối với một trong 20 nhà mạng sau: M1 (Singapore), Metfone (Campuchia), Unitel (Lào), Natcom (Haiti), China Unicom (Trung Quốc), Sunday, CSL và Smartone (Hong Kong), Chunghwa (Đài Loan), SK Telecom (Hàn Quốc), Smartone (Macau), Globe (Philippines), Optus (Úc), Telkomsel (Indonesia), Softbank (Nhật), O2 (Séc và Ailen), Telefonica Moviles (Tây Ban Nha) và Movitel (Mozambique). Còn khi thuê bao tự động kết nối với các nhà mạng khác thì sẽ tính theo giá cước CVQT thông thường. Trong bảng kê chi tiết của Viettel gởi cho ông Hùng, ngoài những cuộc gọi kết nối với M1 (nằm trong danh sách liên kết với Viettel), ông Hùng đã 19 lần sử dụng mạng SingTel, trong đó có một cuộc gọi lên tới 581.367 đồng. Như vậy, số tiền mà ông Hùng phải trả quá 2 triệu đồng là đúng. Ông Hùng cũng khẳng định không có chủ đích chọn mạng, mà có thể “máy quá thông minh nên chọn mạng giùm cho chủ”.

Khi sử dụng những gói cước CVQT, khách hàng nên chọn đúng tên mạng đã được niêm yết trong danh sách của từng nhà mạng Việt Nam. Cũng như Việt Nam, mỗi quốc gia có nhiều mạng khác nhau. Người dùng nên tự chọn mạng bằng tay, không nên để máy tự kết nối.

Hai nhà mạng Vinaphone và Mobifone cũng có những gói cước CVQT dành cho thuê bao trả sau. Vinaphone có gói U1 với giá 219.000đ/ngày (đã bao gồm thuế) khi kết nối với: TrueMove (Thái Lan), StarHub (Singapore), Far EasTone (Đài Loan), Indosat (Indonesia), KT (Hàn Quốc), Huchison HK (Hong Kong), Celcom (Malaysia), Smart (Philippines), NTT Docomo (Nhật), Hutchison Macau (Macau), MobiTel (Campuchia), Qtel (Qatar), China Mobile (Trung Quốc), Etisalat (UAE), Telstra (Úc) và Mobitel (Sri Lanka). Mobifone có gói cước UD với giá 249.000đ/ngày (chưa thuế) với các mạng: CSL (Hong Kong), Telkomsel (Indonesia), SK Telecom (Hàn Quốc), CTM (Macau), Maxis (Malaysia), Globe (Philippines), SingTel (Singapore), Taiwan Mobile (Đài Loan) và AIS (Thái Lan).

Theo quy định, khách hàng được quyền sử dụng không hạn chế dung lượng với các nhà mạng nước ngoài có liên kết. Nếu vượt quá dung lượng, khách hàng cũng chỉ trả mức cước tối đa theo quy định của từng nhà mạng. Còn dưới mức dung lượng cho phép, khách hàng sẽ trả theo dung lượng thực tế. Khi mức cước CVQT vượt quá quy định của từng nhà mạng, họ sẽ có tin nhắn cảnh báo. Những thông tin này đều được các nhà mạng công bố trên website.

Theo SGTT

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang