Đổi mới cơ chế để phát triển sản phẩm KH&CN trọng điểm

author 18:28 08/08/2014

(VietQ.vn) – Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã và đang thực hiện đổi mới cơ chế quản lý hoạt động KH&CN với mục tiêu phục vụ phát triển các sản phẩm trọng điểm chủ lực của đất nước.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Theo Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật (Bộ KH&CN), dự án KH&CN là nhiệm vụ KH&CN giải quyết các vấn đề KH&CN chủ yếu phục vụ cho việc sản xuất một sản phẩm hoặc nhóm sản phẩm trọng điểm, chủ lực có tác động nâng cao trình độ công nghệ của một ngành, một lĩnh vực và có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, được triển khai dưới hình thức đề tài nghiên cứu khoa học và dự án sản xuất thử nghiệm có mục tiêu, nội dung gắn kết hữu cơ, đồng bộ và được tiến hành trong một thời gian nhất định.

Đổi mới cơ chế để phát triển sản phẩm KH&CN trọng điểm

Sẽ thí điểm áp dụng cơ chế đầu tư đặc biệt để triển khai dự án KHCN quy mô lớn phục vụ quốc phòng an ninh và sản phẩm quốc gia. Ảnh minh họa

Được biết, dự án KH&CN được xây dựng trên cơ sở đề xuất của các bộ ngành và bắt đầu thực hiện từ năm 2005. Đến nay, Bộ KH&CN đã phê duyệt 06 dự án KH&CN phục vụ chế tạo các thiết bị cho ngành xi măng, thủy điện, nhiệt điện, thiết bị điện, đóng tàu... Quá trình thực hiện dự án này đã tạo được sự gắn kết giữa doanh nghiệp với các viện nghiên cứu, trường đại học, huy động được nguồn lực của các tổ chức tham gia thực hiện dự án, gắn kết quả nghiên cứu khoa học với sản phẩm được thương mại hoá, vấn đề hiện nay đang là điểm yếu kém của các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời nâng cao trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong việc xây dựng và quản lý các nhiệm vụ KH&CN.

Những kết quả của các dự án KH&CN đã có đóng góp tích cực cho các ngành, lĩnh vực trong những năm qua. Tiêu biểu như thông qua dự án về thiết bị điện cho đến nay, Việt Nam đã chủ động sản xuất hầu hết các chủng loại máy biến áp đến 500kV đảm bảo chất lượng và thay thế nhập khẩu. Hiện nay, Việt Nam trở thành nước đầu tiên của Đông Nam Á có khả năng chế tạo các máy biến áp công suất lớn.

Thông qua dự án KH&CN về giàn khoan tự nâng, lần đầu tiên Việt Nam đã chủ động thiết kế, chế tạo thành công giàn khoan tự nâng 90m nước, giàn khoan tự nâng thuộc nhóm khó chế tạo nhất trong các loại giàn khoan dầu khí và đưa Việt Nam vào danh sách số ít các nước trên thế giới có khả năng chế tạo giàn khoan dầu khí.

Tuy nhiên, quá trình triển khai, các dự án gặp nhiều khó khăn về cơ chế chính sách hỗ trợ do phải áp dụng các cơ chế chính sách hiện hành chung, chưa có những cơ chế đặc thù đối với loại hình này như cơ chế thuê chuyên gia, chuyển giao công nghệ, mua bí quyết công nghệ, huy động nguồn lực, đào tạo… Đặc biệt, do những đặc thù khác biệt về cơ chế quản lý cho đến nay các dự án KH&CN phục vụ quốc phòng an ninh chưa triển khai được.

Đây là những khó khăn còn đang tồn tại, nhưng khi được hưởng cơ chế đầu tư đặc biệt các dự án KH&CN sẽ được Nhà nước bảo đảm tập trung đủ kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ KH&CN đặc biệt. Kinh phí này được huy động từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn hợp pháp khác. Kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ KH&CN đặc biệt được phê duyệt chi tiết theo từng nguồn cụ thể trong tổng kinh phí thực hiện từng nhiệm vụ KH&CN đặc biệt.

Đổi mới cơ chế để phát triển sản phẩm KH&CN trọng điểm

Việt Nam đã chủ động thiết kế, chế tạo thành công giàn khoan tự nâng 90m nước. Ảnh minh họa

Bộ trưởng Bộ KH&CN chịu trách nhiệm trình Thủ tướng về nhiệm vụ KH&CN đặc biệt, trong đó có tổng mức đầu tư, cơ cấu kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ KH&CN đặc biệt.

Nhiệm vụ KH&CN đặc biệt được thực hiện theo phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng. Tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN đặc biệt được mở tài khoản riêng dùng cho việc tiếp nhận và giải ngân nguồn kinh phí. Nhiệm vụ KH&CN đặc biệt được coi là hoàn thành sau khi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về KH&CN có văn bản xác nhận kết quả nghiệm thu từ mức đạt yêu cầu trở lên.

Ngoài ra, các dự án KH&CN thực hiện thí điểm được ưu tiên hỗ trợ kinh phí đầu tư phát triển phòng thí nghiệm, xưởng thực nghiệm, trạm thực nghiệm, trung tâm phân tích… Được áp dụng phương thức chỉ định thầu để thực hiện các nội dung chuyển giao công nghệ, mua bí quyết công nghệ, thuê chuyên gia nước ngoài và mua sắm vật tư, máy móc, thiết bị để phục vụ các nội dung dự án KH&CN. Áp dụng hệ số dự phòng là 10% dự toán kinh phí để thực hiện các nội dung của dự án.

Cùng với đó, sẽ được xem xét bổ sung kinh phí thực hiện đối với các nội dung phát sinh trong quá trình triển khai dự án KH&CN. Đặc biệt, được áp dụng mức chi cụ thể như hỗ trợ tối đa 100% kinh phí chuyển giao công nghệ, bí quyết công nghệ từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học theo hợp đồng. Được phép huy động nguồn nhân lực trình độ cao tham gia thực hiện nội dung dự án…

Những nội dung đổi mới trong dự thảo đề án đang được các chuyên gia xem là những biện pháp tháo nút thắt để triển khai dự án KH&CN quy mô lớn phục vụ quốc phòng an ninh và phát triển sản phẩm quốc gia.

Duy Anh

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang