Đổi mới sáng tạo giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh

author 06:25 27/04/2019

(VietQ.vn) - Để nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam cần chuyển trọng tâm thu hút FDI; chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng dựa nhiều hơn vào tăng năng suất, đổi mới sáng tạo.

Sự kiện: Doanh nghiệp

Chia sẻ tại sự kiện Năng suất và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam, GS.TS Đặng Nguyên Anh, Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết, Việt Nam đã qua giai đoạn có tăng trưởng chủ yếu dựa vào gia tăng các yếu tố đầu vào. Thay vào đó là giai đoạn tăng trưởng chủ yếu dựa vào hiệu quả và năng suất. Các động lực tăng trưởng đã giúp Việt Nam đạt được những kết quả cao trong giai đoạn kể từ khi đổi mới đến nay như tài nguyên khoáng sản, lao động giá rẻ... đang tiến dần đến trần giới hạn.

Tuy nhiên, trong khi cuộc CMCN 4.0 đang tăng tốc và tạo ra nguy cơ mất việc làm, sự tự động hóa trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ở các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam lại có mức độ sẵn sàng còn rất thấp. Vì vậy, Việt Nam cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng dựa nhiều hơn vào tăng năng suất, đổi mới sáng tạo và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.

 GS.TS Đặng Nguyên Anh, Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

Để nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam cần chuyển trọng tâm thu hút FDI từ số lượng sang chất lượng và gia tăng liên kết giữa các doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp FDI; phát triển hệ sinh thái, chuyển dịch lên các mức cao hơn trong chuỗi giá trị địa phương và toàn cầu. Đồng thời, cần tăng tỷ lệ nội địa và đặc biệt là khối lượng, giá trị xuất khẩu cần được thực hiện thông qua các hành động chính sách một cách tích cực và hài hòa.

Chính phủ cần có hành động khẩn cấp để giải quyết các điểm yếu về mối liên kết hạn chế giữa đàm phán thương mại, các chính sách công nghiệp và chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; Hợp tác với các doanh nghiệp FDI nhằm hỗ trợ phát triển năng lực của doanh nghiệp trong nước để có thể hưởng lợi từ việc chuyển giao công nghệ.

Mặt khác, Chính phủ nên ưu tiên phát triển khu vực tư nhân trong nước cũng như các mục tiêu chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp tư nhân tăng trưởng về quy mô, đẩy nhanh quá trình chính hức hóa và nâng cao năng suất, khả năng cạnh. Bên cạnh những nỗ lực không ngừng nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân tiếp cận đất đai, tín dụng thì cần sự hỗ trợ phù hợp hơn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

 Bà Caitlin Wiesen, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam.

Chia sẻ về vai trò của phát triển năng suất doanh nghiệp, bà Caitlin Wiesen, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho hay: “Nâng cao năng suất của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến chế tạo và đổi mới sáng tạo là then chốt để Việt Nam có thể tránh được bẫy thu nhập trung bình và tiến tới đạt tăng trưởng bao trùm. Chính phủ cần tạo điều kiện thuận lợi cho thử nghiệm và áp dụng cách làm mới đối với các doanh nghiệp tư nhân để có thể xác định nút thắt cổ chai kìm hãm sự phát triển của mỗi tiểu ngành và có các hành động cụ thể nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi này”.

Ngoài ra, theo bà Wisen cần có nền tảng kết nối Chính phủ, các doanh nghiệp FDI và trong nước theo cách tiếp cận các bên cùng có lợi, nhằm khuyến khích doanh nghiệp trong nước đầu tư vào xây dựng năng lực sản xuất, doanh nghiệp FDI sử dụng nhiều hạng mục và dịch vụ do địa phương cung cấp.

Thảo Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang