Đội mũ bảo hiểm ‘rởm’, chết đừng đổ tại số!

author 17:24 27/06/2016

(VietQ.vn) - Tại Việt Nam, tỉ lệ người tham gia giao thông đội mũ không phải là mũ bảo hiểm khá cao, đặc biệt tại các thành phố lớn. Mũ này không có tác dụng bảo vệ.

Trước tỉ lệ người tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy bị chấn thương sọ não, tử vong do đội mũ bảo hiểm “rởm”, không đạt chuẩn ngày càng có chiều hướng gia tăng thì vấn đề nâng cao hiệu quả các văn bản, quy định quản lý chất lượng mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy càng trở nên bức thiết.

Một thanh niên trong tình trạng nguy kịch vì tai nạn giao thông và vì mũ bảo hiểm 'rởm'

TS Nguyễn Phương Nam, đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam (WHO) cho biết, sau khi có quy định bắt buộc người tham gia giao thông bằng xe máy phải đội mũ bảo hiểm, đến năm 2008, số người tử vong do tai nạn giao thông đã giảm gần 1.600 người.

Như vậy có thể nói, quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đã góp phần làm giảm thiểu đáng kể số người tử vong do tai nạn giao thông gây ra. Hiện nay, số người Việt Nam khi tham gia giao thông bằng xe máy có đội mũ bảo hiểm là khá cao, trên 90%.

Tuy nhiên, dựa vào các số liệu thu thập, đại diện của WHO cảnh báo, tại một số thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội, số người đội mũ bảo hiểm không chuẩn, mũ không phải mũ bảo hiểm chiếm tỉ lệ rất lớn. Ông Nam khẳng định: “Mũ này không có tác dụng bảo vệ cho người đội khi tham gia giao thông”.

“Những số liệu trên cho thấy, việc duy trì đội mũ bảo hiểm ở Việt Nam là rất tốt nhưng tác dụng của những chiếc mũ này đối với người tham gia giao thông lại là một nghịch lý”, ông Nam gợi vấn đề.

TS Nguyễn Phương Nam, đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam

Theo ông Nam, qua số liệu của Bộ Y tế thu thập hàng năm từ 100 bệnh viện tuyến Trung ương và các bệnh viện tuyến tỉnh trên toàn quốc, số người bị chấn thương sọ não nhập viện ngày càng tăng.

Năm 2010 là trên 15%. Năm 2013 là 25% (chiếm khoảng 25.000 ca chấn thương sọ não).

“Điều này khiến chúng ta phải đặt ra câu hỏi, tại sao số người đội mũ bảo hiểm cao như thế nhưng số người bị chấn thương sọ não lại tăng lên. Vậy nguyên nhân chính phải chăng do có quá nhiều người đội mũ không phải là mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy”, ông Nam trăn trở.

PGS-TS Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện Việt Đức khi được hỏi về số nạn nhân bị tai nạn khi tham gia giao thông bằng xe máy, cho biết đây là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất nếu xảy ra tai nạn. Họ không được bảo vệ bằng vỏ thép, dây bảo hiểm, vật duy nhất có thể giữ tính mạng cho họ chỉ là chiếc mũ nhựa nhỏ nhắn ở trên đầu. Tuy nhiên, hiện nay vì nhiều lý do mà không ít người vẫn chấp nhận sử dụng biện pháp bảo vệ an toàn cho chính mình theo kiểu đối phó.

“Chưa nói đến việc quản lý chất lượng mũ của các cơ quan chức năng, nhưng có thể thấy rằng bản thân người điều khiển phương tiện cũng thừa biết chiếc mũ mà họ sử dụng có đảm bảo an toàn được hay không? Với giá chỉ 30 - 40 nghìn đồng, người ta có thể dễ dàng mua ở bất cứ vỉa hè nào một chiếc mũ mà chỉ cần… rơi nhẹ đã vỡ. Có thể vì tiếc tiền, vì tiện dụng, có thể vì đối phó, cũng có thể vì ý thức tự bảo vệ kém, nhưng hiểm họa là thường trực và tiêu chí cuối cùng là đảm bảo an toàn cho người sử dụng đã không đạt được mục đích. Hay nói cách khác, khi chấp nhận đội những chiếc mũ rởm này, người ta đã tự thỏa hiệp với rủi ro của chính bản thân. Đó là điều đáng trách”, ông Hùng nói.

Theo Bác sỹ Nguyễn Văn Uy - Phòng cấp cứu Bệnh viện Việt Đức, hiện mũ bảo hiểm có thể đảm bảo an toàn cho người điều khiển phương tiện có thể tạm chia làm hai loại: Loại kín đầu và loại hở cằm. Loại hở cằm chỉ thích hợp cho giao thông trong nội đô và ở tốc độ trung bình còn để đảm bảo an toàn tối đa thì vẫn chưa thích hợp. Bằng chứng là gần đây có rất nhiều trường hợp cấp cứu, bệnh nhân đội mũ hở cằm, tuy thoát được chấn thương sọ não nhưng lại bị chấn thương hàm mặt khá nặng.

Bệnh nhân Trần Đức K. (22 tuổi), trú tại xã Chính Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam là một ví dụ. Mặc dù chỉ chạy xe trên đường làng và có đội mũ bảo hiểm hẳn hoi, nhưng cú húc tại khúc cua vuông góc chỉ cách nhà K. chưa đầy 100m cũng khiến anh K. bay người ra khỏi xe, lao thẳng đầu vào bức tưởng rào phía đối diện.

“Nếu không có chiếc mũ bảo hiểm nửa đầu có lẽ tôi đã chấn thương sọ não. Tôi bị vỡ xương hàm và gãy mấy cái răng vẫn còn là may”, anh K. lý nhí nói khi được hỏi về tình huống gặp nạn của mình.

Tình huống cũng giống như anh K., nhưng anh Trần Văn B., trú tại Long Biên, Hà Nội thì lại nhập viện với chiếc mũ bảo hiểm rởm vỡ nát khi tự lao xuống chiếc mương thoát nước gần nhà. Anh B. mất một thời gian dài phải thở máy và chưa có dấu hiệu hồi phục.

“Đội mũ không cài quai hoặc đội mũ bảo hiểm rởm, trong bất kỳ tình huống nào thì khi có tai nạn, người tham gia giao thông đều phải chịu một hậu quả như nhau. Vậy thì đừng làm một việc thừa, hãy mua một chiếc mũ tử tế”, bác sỹ Uy nói.

Cùng vấn đề trên, theo một chuyên gia về đo lường chất lượng, nhiều người tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy chưa có ý thức tự bảo vệ sự an toàn của mình khi sử dụng mũ không phải là mũ bảo hiểm với mục đích đối phó với lực lượng chức năng.

"Ý thức của người tham gia giao thông cũng hết sức quan trọng để đảm bảo sự an toàn và giảm tỷ lệ chấn thương sọ não. Vì dù văn bản quy phạm về quản lý chất lượng có đầy đủ đến đâu cũng chỉ điều chỉnh mũ bảo hiểm dành cho người đi mô tô, xe máy. Còn mũ không phải mũ bảo hiểm mà vẫn được sử dụng thì khó có thể giảm được tỷ lệ chấn thương sọ não như WHO tại Việt Nam đã công bố”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Ngoài ra, vị chuyên gia cũng cho rằng, thời gian tới cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người tiêu dùng về việc chấp hành các quy định pháp luật về sản xuất, kinh doanh, sử dụng mũ bảo hiểm đạt chuẩn là quan trọng.

Hoàng Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang