Dự báo tăng trưởng kinh tế dần phục hồi những tháng cuối năm

author 10:43 22/06/2021

(VietQ.vn) - Trong những tháng cuối năm, tăng trưởng sẽ phục hồi trở lại, dự kiến tăng trưởng cả năm có thể đạt 6,1% - 6,3%.

Hai đợt bùng phát dịch Covid-19 đã kéo giảm tăng trưởng GDP sáu tháng đầu năm 2021 từ mức 6,22% như mục tiêu tại kịch bản điều hành xuống còn khoảng 5,8%. Bộ Kế hoạch và Ðầu tư nhận định: Mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5% trở nên vô cùng thách thức khi triển vọng tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm còn nhiều yếu tố rủi ro. Hai quý còn lại của năm phải đạt tốc độ tăng trưởng hơn 7% mới có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm.

Ðánh giá tác động của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư đến tình hình kinh tế - xã hội, TS Cấn Văn Lực và nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, sẽ tác động rất mạnh đến nền kinh tế trên nhiều khía cạnh như: Chuỗi cung ứng, tiêu dùng, xuất nhập khẩu, lao động việc làm, nợ xấu, thu ngân sách.

Trong những tháng cuối năm, tăng trưởng sẽ phục hồi trở lại, dự kiến tăng trưởng cả năm có thể đạt 6,1% - 6,3%. "Ðây là mức tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng, do dịch lần này tác động trực tiếp đến khu vực sản xuất là Bắc Giang và Bắc Ninh. Hai địa phương này chiếm khoảng 10% sản xuất công nghiệp và 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước", TS Cấn Văn Lực phân tích.

Dự kiến tăng trưởng cả năm có thể đạt 6,1% - 6,3%. Ảnh minh họa.

Theo đánh giá của các chuyên gia, đợt bùng phát dịch lần thứ tư có tính chất nguy hiểm nhất từ trước đến nay, đòi hỏi phản ứng điều hành của Chính phủ phải sớm thích nghi vì nhiều kinh nghiệm chống dịch tích lũy từ trước đã không còn phù hợp. Ðiểm nổi bật trong cao điểm chống dịch lần này là chuyển trạng thái phòng, chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tiến công, không để đứt gãy sản xuất và giảm đến mức thấp nhất những tác động ảnh hưởng của dịch đến đời sống kinh tế - xã hội.

TS Nguyễn Ðức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết: Quan điểm của Chính phủ là từng địa phương căn cứ vào tình hình thực tiễn để có các giải pháp thực hiện thành công "mục tiêu kép", sau đó nghiên cứu đánh giá tác động để nhân rộng trong cả nước. Ðơn cử, tại tỉnh Bắc Giang, ngay trong những ngày đỉnh dịch bùng phát cũng không phải thực hiện phong tỏa toàn tỉnh.

Vụ thu hoạch vải của Bắc Giang rơi vào đúng thời điểm dịch bùng phát mạnh, nhưng địa phương này đã chủ động có kế hoạch ứng phó bằng cách xây dựng các vùng vải an toàn; tiêm vaccine cho người trồng vải và lái xe chở hàng đến điểm tiêu thụ; đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tạo "luồng xanh" để vải thiều nhanh chóng được thông qua các chốt kiểm soát dịch Covid-19 khi đủ thủ tục quy định về phòng, chống dịch... và mở nhiều kênh tiêu thụ trên các sàn giao dịch thương mại điện tử.

Bộ trưởng Bộ KH&ÐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, sáu tháng cuối năm, Chính phủ kiên định thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa bảo vệ sức khỏe người dân và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; tập trung giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác; theo dõi sát diễn biến giá cả để phân tích, dự báo, rà soát kịch bản tăng trưởng, kịp thời đề xuất giải pháp kiểm soát lạm phát. Chính phủ sẽ sử dụng tổng hợp mọi nguồn lực để sớm có vaccine và tiêm miễn phí cho toàn dân nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng.

Việt Nam thực thi hiệu quả các FTA, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững(VietQ.vn) - Việt Nam ngày càng có được nhiều lợi thế từ hội nhập. Rõ thấy nhất là thông qua việc đàm phán, ký kết và thực thi có hiệu quả các FTA, Việt Nam đã cải thiện đáng kể việc tiếp cận thị trường xuất khẩu, tạo thêm việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững hơn.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang