Ngành mía đường Việt Nam lao đao vì hàng nhập lậu tung hoành

authorThanh Nhàn 10:00 06/04/2018

(VietQ.vn) - Mía đường Việt Nam đang gặp phải nhiều khó khăn khi vừa phải chiến đấu với hàng giả, hàng nhái vừa phải đối mặt với đường lậu ồ ạt xâm nhập vào thị trường.

Theo báo cáo về tình hình tiêu thụ mía đường tại Việt Nam vào tháng 3/2018, trong quý I, giá đường liên tục giảm, lượng đường trên thị trường đang tồn kho khoảng 500.000 tấn. Đến thời điểm này, giá đường bán tại các nhà máy đã bán gần ngang giá đường nhập lậu, có một số nhà máy đã bán thấp hơn giá thành sản xuất để giảm bớt lượng đường tồn kho (11.500 đồng/kg). Lượng hàng tồn kho ngất ngưởng khiến nhiều nhà máy lao đao, không có tiền mua nguyên liệu xoay vòng, việc trả tiền mía cho nông dân bị chậm lại. Nhiều hộ dân thất thu vì tiền chưa lấy được trong khi số mía còn lại trên ruộng đã “trổ cờ”.

Lý giải về nguyên nhân ngành đường gặp nhiều bất lợi, ông Hà Hữu Phái Trưởng đại diện Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) tại Hà Nội - cho biết, thị trường đường thế giới đang gặp nhiều khó khăn, giá xuống thấp. Lượng đường thế giới tăng cao kỷ lục với 178 triệu tấn, hơn năm ngoái 10 triệu tấn, dư thừa trên 5 triệu tấn so với nhu cầu, kéo giá xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua, trực tiếp ảnh hưởng đến giá đường trong nước.

Đường lậu ngang nhiên hoạt động ở vùng sông ngòi giáp biên

 Đường lậu ngang nhiên hoạt động ở vùng sông ngòi giáp biên. Ảnh Người lao động

Trong khi đó, thực trạng đường lậu hoành hành cũng là yếu tố gây nên ứ đọng mía đường thành phẩm tai Việt Nam. Năm nay, lượng đường sản xuất của Thái Lan khoảng 12 triệu tấn, tăng hơn 2 triệu tấn so với vụ trước. Do lượng đường Thái Lan lớn nên một lượng lớn đường đã nhập lậu sang các quốc gia lân cận như Campuchia, Lào, Myanmar, Trung Quốc, Việt Nam.v.v..

"Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm gần đây, sản lượng đường tiêu thụ trong nước ổn định, khoảng 1,6 triệu tấn/năm. Sản xuất trong nước 3 vụ gần đây chỉ khoảng 1,2 triệu tấn/năm, cộng với lượng đường phải nhập theo cam kết WTO là 85.000 tấn, như vậy, nguồn cung trong nước chỉ khoảng 1,3 triệu tấn. Do đó, ngoài việc bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đường lậu, không có lý gì có những thời điểm cả nước tồn kho đến 700.000 tấn (năm 2017) và hiện nay là 500.000 tấn" - ông Hà Hữu Phái phân tích.

Thực tế, đường nhập lậu hiện nay đang diễn công khai tại khu vực biên giới Tây Nam, trong đó có các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp và Tây Ninh, trong đó đặc biệt tại An Giang, Kiên Giang diễn ra phức tạp, nhiều năm do hoạt động sông ngòi giáp biên.

Lý giải bí ẩn về thời gian không phải ai cũng biết(VietQ.vn) - Thời gian có vẻ là một điều hiển nhiên như từng giây từng phút trôi qua, nhưng dưới cái nhìn khoa học thời gian lại có một khuôn hình hoàn toàn khác.

Các tổ chức buôn đường lậu sử dụng nhiều phương tiện xe máy, ghe xuồng để chở hàng lậu, cá biệt có những vụ chở công khai bằng ô tô trên quy mô lớn vào thị trường Việt Nam. Hoạt đồng đường lậu do người Việt, kết nối với các đối tượng Campuchia, Thái Lan để đưa đường về Việt Nam.

Đường nhập lậu thường được gỡ bỏ bao bì của nước sản xuất, sau đó sử dụng bao bì, nhãn mác hoặc in theo mẫu bao bì nhãn mác của các nhà máy/công ty đường trong nước. Trên tem nhãn, thông tin thường được ghi chung chung như "Đường mía Việt Nam chất lượng cao", "đường luyện xuất khẩu", "sản xuất tại các nhà máy đường Việt Nam”, mà hoàn toàn không có nguồn gốc xuất xứ, ngày sản xuất.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, nguyên nhân chính của nạn đường lậu chính là do đường trong nước đắt hơn đường từ các nước Thái Lan, Campuchia, do quy mô sản xuất của các nhà máy đường tại Thái Lan lớn hơn Việt Nam, cộng với ngành mía đường của họ phát triển, có năng suất và hiệu quả hơn. Trong khi đó, chất lượng mía đường của Việt Nam nhìn chung còn thấp, do chưa cập nhật công nghệ sản xuất và bảo quản, giống chưa tốt và canh tác còn thủ công dẫn đến trữ lượng đường trong cây mía không cao.

Thanh Nhàn (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang