Giải mã hiện tượng Trăng xanh kỳ thú diễn ra vào tối nay 31/7

author 18:18 31/07/2015

(VietQ.vn) - Hiện tượng Trăng xanh kỳ thú sẽ bắt đầu từ 18h tối nay (31/7) theo giờ Việt Nam; cho đến 12h đêm sẽ là thời điểm quan sát rõ nhất khi Mặt Trăng lên đến đỉnh.

Sự kiện: Thiên nhiên kỳ thú

Theo tờ Zing News, "Trăng xanh" xảy ra khi một năm có 13 tháng âm lịch (tương đương 13 lần trăng tròn). Hiện tượng trăng tròn lần thứ nhất của tháng 7 năm nay diễn ra vào ngày mùng 2 và lần thứ hai sẽ xuất hiện vào ngày 31. Lần "Trăng xanh" gần nhất diễn ra ngày 30/8/2012, dù một phần của thế giới không thấy toàn bộ mặt trăng tròn vào hôm đó.

Trăng xanh (hay Blue Moon trong tiếng Anh) không phải là hiện tượng thiên văn học, chỉ là một khái niệm của phương Tây để chỉ hai lần trăng rằm trong cùng một tháng dương lịch. Bởi vì theo lẽ thường thì một năm dương lịch có 12 tháng dương lịch, và một năm dương lịch sẽ có 12 lần trăng tròn, nên tương đương một tháng dương lịch sẽ có một lần trăng tròn.

Tuy nhiên, do mỗi năm dương lịch dài hơn mỗi năm âm lịch 11 ngày, nên những ngày này sẽ dồn lại qua các năm, mà chính xác là sau 2,7 năm dương lịch, là sẽ có thêm một lần trăng tròn. Sau 19 năm, chu kỳ trăng tròn 2 lần trong tháng sẽ xảy ra, còn gọi là chu kỳ Meton. Điều này có nghĩa tới năm 2034, sẽ lại chứng kiến hai lần trăng tròn trong tháng 7 và một trăng xanh vào ngày 31/7/2034. Trong chu kỳ Meton, có 235 lần trăng tròn nhưng chỉ có 228 tháng dương lịch. Vì số lần trăng tròn lớn hơn số tháng dương lịch nên sẽ có 7 tháng dương lịch có 2 trăng tròn, báo Khám phá cho hay.

Hiện tượng Trăng xanh sẽ bắt đầu từ 18h tối nay ngày 31/7

Hiện tượng Trăng xanh sẽ bắt đầu từ 18h tối nay ngày 31/7

Thực tế, bề mặt của Mặt Trăng màu xám trắng, do đó hiện tượng Trăng Xanh là do khói hoặc bụi trong không khí phân tán tia sáng, khiến con người nhìn thấy Mặt Trăng có màu khác nhau. Năm 1883, khi núi lửa Krakatoa ở Indonesia hoạt động, nó phun lượng tro bụi khổng lồ vào khí quyển, khiến hoàng hôn đỏ rực rỡ, còn Mặt Trăng ánh lên màu xanh trong nhiều đêm.

Năm 1883, núi lửa Krakatoa ở Indonesia thức giấc, phun tro bụi vào không gian và khiến mặt trăng có màu xanh dương hoặc xanh lá cây. Các nhà khoa học so sánh đợt phun trào với vụ nổ bom nguyên tử 100 triệu tấn. Tro bụi của núi Krakatoa khiến các hạt phân tử bụi có kích thước chỉ khoảng 1 micromet (một phần triệu mét) phủ đầy những đám mây. Chúng đủ nhỏ để hấp thu các tia sáng đỏ và cho phép các ánh sáng màu khác lọt qua. Ánh sáng trắng của mặt trăng khi xuyên qua những đám mây như thế sẽ có màu xanh dương và (thỉnh thoảng) màu xanh lá cây. Như vậy, nguyên nhân chính khiến mặt trăng có màu xanh là: Các phân tử bụi phát tán trong không khí có kích thước lớn hơn bước sóng ánh sáng đỏ (0,7 micromet). Chúng có xu hướng tán xạ ánh sáng màu xanh, theo NASA.

Nhiều đợt phun trào núi lửa khác cũng khiến nhiều người lầm tưởng mặt trăng có màu xanh. Người ta trông thấy trăng xanh sau khi núi lửa El Chichon phun trào tại Mexico vào năm 1983. Nhiều báo cho hay, người dân trông thấy màu xanh của mặt trăng khi các vụ phun trào diễn ra tại núi Helens năm 1980 và Pinatubo năm 1991. Trên thực tế, các vụ cháy rừng có thể khiến màu sắc của mặt trời và mặt trăng thay đổi khác với màu sắc của chúng. Một số vụ cháy rừng gần đây tại Canada cũng khiến mặt trăng và mặt trời có màu đỏ - cam.

Đinh Ly (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang