Giải pháp thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

author 06:47 12/08/2019

(VietQ.vn) - Ông Trần Nguyên Nam, Phó trưởng ban Phụ trách Ban Kế hoạch tổng hợp SCIC đã đưa ra một số giải pháp nhằm khắc phục hạn chế và đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới.

Theo số liệu của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp (DN) tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2019, trong giai đoạn từ 2016 đến nay, Chính phủ đã ban hành đồng bộ hệ thống cơ chế chính sách và chỉ đạo quyết liệt triển khai công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và bán vốn nhà nước tại DN. Tuy nhiên, tiến độ triển khai cổ phần hóa DNNN và bán vốn nhà nước tại DN còn chậm so với kế hoạch và gặp nhiều khó khăn vướng mắc.

Đến nay, mới hoàn thành cổ phần hóa 35/127 DN, đạt 27,5% danh mục DN cổ phần hóa giai đoạn 2017-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 991/TTg-ĐMDN; hoàn thành bán vốn nhà nước tại 88/403 DN, đạt 21,8% danh mục DN hoàn thành thoái vốn giai đoạn 2017-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1232/QĐ-TTg.

Theo ông Trần Nguyên Nam, Phó trưởng ban Phụ trách Ban Kế hoạch tổng hợp SCIC, lũy kế từ khi thành lập (năm 2006) đến nay, SCIC tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 1.059 DN với tổng giá trị vốn nhà nước gần 21.500 tỷ đồng (trong đó có 19 tập đoàn, tổng công ty đã cổ phần hóa).

Tiến độ triển khai cổ phần hóa DNNN và bán vốn nhà nước tại DN còn chậm so với kế hoạch. Ảnh minh họa. 

Cụ thể, việc tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN còn chậm, quy mô hạn chế; Việc thực hiện vai trò đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước gặp nhiều khó khăn do đa số DN khi tiếp nhận còn tỉ lệ vốn nhà nước không đủ chi phối hay phủ quyết. DN có tỉ lệ vốn nhà nước cao (có trường hợp đến hơn 90%) thì hoạt động không hiệu quả, nhiều tồn tại về tài chính từ giai đoạn trước.

Về công tác cổ phần hóa, SCIC cho hay, DN này gặp khá nhiều khó khăn, vướng mắc vì hầu hết các công ty TNHH 1, 2 thành viên mà SCIC tiếp nhận có quy mô nhỏ, còn nhiều tồn tại vướng mắc về tài chính kéo dài, đứng trước nguy cơ phá sản, thậm chí mất hết vốn nhà nước không đủ điều kiện triển khai cổ phần hóa.

Đối với công tác thoái vốn nhà nước, đại diện SCIC cho biết, pháp luật còn quy định chồng chéo tại nhiều văn bản thay vì tại một văn bản duy nhất, cho dù chỉ ở cấp thông tư. Bên cạnh đó, các quy định hiện hành chủ yếu mới chỉ dừng ở các quy định khung, mang tính nguyên tắc nên trong quá trình thực hiện, các DN nhà nước thường xuyên phải hỏi ý kiến cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để xử lý các vấn đề phát sinh.

Ngoài ra, còn tồn tại khá nhiều vướng mắc về phía DN là đối tượng thoái vốn như tỉ lệ sở hữu của cổ đông nhà nước quá nhỏ hoặc đã có cổ đông khác sở hữu chi phối (trên 51%) tại DN, làm giảm sự hấp dẫn của phần vốn nhà nước; DN làm ăn yếu kém, thua lỗ kéo dài; không có lợi thế về đất đai; Giá khởi điểm bán vốn quá cao so với kỳ vọng của nhà đầu tư...

Đại diện SCIC đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và thoái vốn nhà nước, trong đó ưu tiên nhất là cần tạo môi trường để tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoạt động kinh doanh bình đẳng với DN thuộc các thành phần kinh tế khác. Đồng thời, cơ quan quản lý cần xem xét, đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN một cách tổng thể; các bộ, địa phương thực hiện nghiêm túc việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các DN thuộc đối tượng chuyển giao về SCIC.

Riêng đối với quá trình cổ phần hóa, Phó trưởng ban Phụ trách Ban Kế hoạch tổng hợp SCIC đề xuất cơ quan có thẩm quyền sớm phê duyệt phương án sắp xếp nhà đất và phương án sử dụng đất DN mà SCIC cổ phần hóa theo Quyết định số1001/QĐ-TTg ngày 10/7/2017. Cùng với đó, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan chức năng có liên quan cần sớm ban hành các thông tư hướng dẫn Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về phê duyệt phương án sử dụng đất, xử lý về các vấn đề phát sinh liên quan đến việc xây dựng phương án cổ phần hóa, chính sách đối với người lao động dôi dư…

Cổ phần hóa DNNN phải tránh tư tưởng 'tròn vo, đẩy công văn xin ý kiến vòng quanh'(VietQ.vn) - Thời gian qua, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước còn gặp không ít khó khăn. Đặc biệt, với những trường hợp có vướng mắc, đặc thù hoặc chưa có quy định rõ ràng của pháp luật, cần quy định rõ thẩm quyền do ai phải đề xuất phương án xử lý; ai có đủ thẩm quyền phê duyệt, tránh tư tưởng “tròn vo, đẩy công văn xin ý kiến vòng quanh”…

Thanh Minh

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang