Giãn dân phố cổ Hà Nội: Người già muốn bám trụ mưu sinh

author 15:10 05/02/2015

(VietQ.vn) - Giãn dân phố cổ Hà Nội về nơi ở mới dù được người dân đồng tình nhưng với những người cao tuổi, cao niên, cuộc sống khó khăn lại không muốn chuyển đi nơi khác.

Trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam, chị Nguyễn Thị Hà cho biết, đợt di dân, giãn dân phố cổ Hà Nội lần này dù chưa biết cụ thể các gia đình nào sẽ phải di chuyển về nơi ở mới nhưng đa số ý kiến các hộ gia đình trẻ đều ủng hộ. 

Khu vực phố cổ Hà Nội là nơi buôn bán mang lại nhiều lợi nhuận, nhiều người dân bám trụ để kinh doanh sinh sống

Khu vực phố cổ Hà Nội là nơi buôn bán mang lại nhiều lợi nhuận, nhiều người dân bám trụ để kinh doanh sinh sống. Ảnh: N. K

Theo chị Hà, sống ở trong phố cổ chỉ được lợi về làm ăn dễ dàng còn khó khăn và khổ cực trăm bề. Cứ nói về dân phố cổ, nhiều người tưởng sung sướng lắm nhưng thực tế rất mệt mỏi và vất vả. Vài chục mét vuông, bình thường có 3 -5 hộ cùng ở. Những nơi nhiều có tới 7 -8 hộ dân. Mỗi hộ có vài ba nhân khẩu, "cựa" cũng khó chứ đừng nói là sinh hoạt thoải mái.

"Có những nơi chỉ có chung một nhà vệ sinh, xe máy phải để ở cổng, không có chỗ để. Nhà nào có đình đám một là đi nhà hàng hoặc thuê hội trường nhà khách chứ không có nơi tổ chức", chị Hà cho biết.

Cũng theo chị Hà, mấy chục năm về làm dâu trong phố cổ, thấy chật chội quá nên đợt này được giãn dân, sang nơi ở mới là thích nhất. Tuy nhiên, chị Hà cho rằng, tâm lý người già, như bố mẹ chồng hoặc các chú, các cô trong gia đình, không muốn chuyển đi vì phong tục tập quá và tình cảm xóm phố sớm hôm mặn nồng, sớm hôm có nhau. Ngoài ra, người già trong phố cổ còn có thể kinh doanh, mang lại nguồn thu tốt cho gia đình.

Ông Cảnh ở số 10 Ngõ Gạch kể, hai ông bà chỉ nhận những đồ mây tre về bán lại vào dịp tết, có ngày thu được vài triệu đồng. Ngày thường làm các hàng khác, chẳng thu nhập nhiều cũng đủ nuôi sống 2 ông bà và các cháu cả năm.

Ông Cảnh cho rằng, các gia đình trong diện di dời chấp hành pháp luật nhưng lại lo lắng sau khi giãn dân sẽ mưu sinh thế nào ở nơi ở mới

Ông Cảnh cho rằng, các gia đình trong diện di dời chấp hành pháp luật nhưng lại lo lắng sau khi giãn dân sẽ mưu sinh thế nào ở nơi ở mới. Ảnh: N. K

"Chính sách của nhà nước không dám không chấp hành nhưng tâm lại không thoải mái, không muốn đi. Chúng tôi toàn những người 60 - 70 tuổi rồi, già cả rồi, sang nơi mới toàn nhà cao tầng, chẳng bán hàng gì được, sống gia sao? Có nơi ở khang trang ai cũng thích nhưng sẽ mưu sinh thế nào những năm tháng còn lại? Thành phố chỉ nói di dời, đền bù, chứ chưa có phương án cụ thể nào cho những người già mưu sinh. Điều đó làm chúng tôi rất trăn trở", ông Cảnh nói.

Theo ông Cảnh, nếu nói thật, chúng tôi sẽ nói không muốn đi nơi khác. Nếu thành phố có chính sách hợp lý, ổn định cuộc sống người dân và có chế độ tốt mới được người dân tán thành.

Theo tìm hiểu của PV, đề án giãn dân phố cổ sẽ nằm chủ yếu ở quận Hoàn Kiếm. Tổng số các đợt di chuyển, sẽ phải di chuyển 6.500 hộ dân với 26.000 nhân khẩu. Trong đó giai đoạn một di chuyển hơn 1.500 hộ dân.

Các hộ dân di chuyển trong thời gian này sẽ về khu nhà ở giãn dân phố cổ nằm tại vị trí trung tâm của quận Long Biên và thuộc tổng thể khu đô thị Việt Hưng. Một trong những quận mới có quy hoạch tốt nhất với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, trên trục giao thông quan trọng nối các tỉnh phía Bắc, không xa khu vực trung tâm thành phố nhiều.

Giãn dân phố cổ Hà Nội được xem là giải pháp duy nhất khả thi để bảo tồn khu phố cổ, cải thiện môi trường sống của người dân.  (Còn tiếp)

Hồng Anh - Nguyễn Khương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang