Gián đất Trung Quốc nhập vào Việt Nam: Chưa biết loài gì?

author 16:23 18/03/2014

(VietQ.vn) - Hiện nhà khoa học vẫn chưa có trong tay mẫu gián đất mà người dân Bắc Ninh ồ ạt nhập từ Trung Quốc về nuôi.


Trước thông tin hàng tạ trứng gián đất đã được “xách tay” từ Trung Quốc về Việt Nam  để nuôi ấp, PGS.TS Trương Xuân Lam, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) đã có cuộc trao đổi với Chất lượng Việt Nam xung quanh câu chuyện quản lý sinh vật ngoại lai…

PGS TS Trương Xuân Lam

Ngay sau khi có thông tin người dân nhập trứng gián đất từ Trung Quốc, Bộ NN&PTNT và Bộ TN-MT đã ra văn bản cấm nuôi động vât này. Theo ông, quyết định của 2 Bộ trên có đúng hay không?

Tới thời điểm này, chúng tôi vẫn chưa có mẫu gián đất mà người dân nhập từ Trung Quốc nên cũng chưa biết chính xác tên loài, tác hại hay lợi ích như thế nào.
Khi tới địa phương lấy mẫu, cũng là lúc có quyết định cấm nuôi nên chúng tôi bị người dân phản ứng khá mạnh, không cho lấy mẫu. Thậm chí người dân còn đổ lỗi cho nhà khoa học đã “xui” cơ quan quản lý không cho phép người dân nuôi. Thực ra chúng tôi chưa hề có bất cứ thông tin nào về con gián này.

Tuy nhiên, dù thế nào đi chăng nữa, quyết định cấm nuôi cũng có cơ sở khoa học.

Gián là một trong những loài côn trùng môi giới truyền một số bệnh dịch về đường tiêu hóa, kể cả gián đất hay gián nhà. Nhất là khi nhập từ Trung Quốc, còn nghi ngờ loài gián đất này chưa xác định được loài, không biết có ở Việt Nam hay chưa. Nếu chưa có ở Việt Nam,  là sinh vật ngoại lai thì phải hết sức cẩn thận.

Hàng tạ trứng gián đất từ Trung Quốc được người dân nhập về nuôi

Như vậy cũng có thể hiểu, người dân sẽ phản ứng mạnh với quyết định cấm nuôi khi chưa xác định rõ đặc tính, vai trò của loài gián đất mà họ đang nuôi?

Nếu để người dân phục, cách tốt nhất để nhà khoa học xác định tên loài, công bố đặc tính về truyền bệnh, vòng đời, lợi hại của loài gián đất này ra sao. Tuy nhiên, chúng tôi lại không lấy được mẫu bởi người dân gây khó khăn…

Ngay cả thông tin gián đất sấy khô làm thuốc chữa bệnh thì tại Việt Nam cũng chưa có cơ sở.

Tôi nghĩ, trước khi làm rõ ràng thông tin, tốt nhất nên dừng lại. Toàn bộ lô trừng gián nhập về đều chưa qua cơ quan kiểm nghiệm,chủ nuôi lại với quy mô lớn, trung tâm cơ sở nuôi chưa được kiểm định, như vậy khả năng phát tán ra ngoài cao…

Đối với bất cứ nhóm sinh vật nào cũng phải có nghiên cứu, đánh gái rủi ro khi nuôi nêu bị phát tán có quản lý được không, quản lý bằng cách nào. Nếu phát triển rầm rộ, tăng số lượng cá thể một cách đột biến, hãy tưởng tượng cảnh nhà nào cũng có gián bò lổm ngổm thì không hiểu sẽ như thế nào? Ngay cả khi không gây bệnh thì gián cũng là con côn trùng gây phiền nhiễu lớn trong sinh hoạt con người.

Gián đất sau khi nuôi được sấy khô để bán cho Trung Quốc

Sau nhiều bài học đắt giá, dường như việc quản lý sinh vật ngoại lai của chúng ta vẫn có vấn đề? Hàng tạ gián được xách tay, nuôi quy mô lớn mà nàh quản lý không hay biết…

Chúng ta đã có cả hệ thống cơ quan quản lý sinh vật ngoại lai trực thuộc Bộ NN&PTNT. Tuy nhiên cơ chế quản lý vẫn còn lỏng lẻo, chế tài xử phạt cũng chưa thực sự quyết liệt. Có rất nhiều con đường mang  sinh vật ngoại lai vào nước  mà không qua cơ quan kiểm dịch. Đó là chưa kể trình độ chuyên môn của cán bộ cũng còn hạn chế.
Ví như trường hợp tại bắc Ninh, không phải ai cũng biết đó là trừng gián nếu không phải chuyên gia về côn trùng.

Với những lỗ hổng pháp luật, người dân khó có thể tâm phục?

Đúng vậy, dân không phục vì không được cung cấp thông tin đầy đủ về đặc tính, tác hại về loài vật đang nuôi. Khi đó, nếu có cấm thì người ta lại lách bằng cách thay vì nuôi tập trung , sẽ đem chia nhỏ ra nuôi.  Chỉ cần 2-3m2 là người dân có thể nuôi hàng ngàn con gián đất. Và lúc này, cơ quan quản lý còn khó kiểm soát hơn rất nhiều.
Về phía người dân cũng tự ý thức về những mối quan hệ khi làm ăn với thương lái Trung Quốc. Chỉ cần phía Trung Quốc ngưng mua, thì rất có thể số lượng gián nuôi bị ế sẽ trở thành vấn đề lớn!

Hai bài học xương máu về sinh vật ngoại lai mà Việt Nam tới nay vẫn phải gánh  đó là ốc bươu vàng và cây mai dương. Tới nay, 2 loài này vẫn là đối tượng gây thiệt hại lớn cho kinh tế nông nghiệp.

Lúc này, người dân có thể tiếc số vốn đã bỏ ra đầu tư nuôi gián đất. Song 1 tỷ chứ 10 tỷ đồng, nếu cần cấm vẫn phải cấm vì lợi ích quốc gia. Thiệt hại vài tỷ của một người dân nếu so với hàng chục ngàn tỷ để khắc phục hậu quả trong thời gian dài thì  quả không đáng để tiếc nuối.

Theo TS Trương Xuân  Lam: Hiện nay mật độ gián Việt  Nam đang ở mức  thấp ( trừ những vùng nông thôn vệ sinh không tốt). Ngoài nguyên nhân về môi trường, các nhà nghiên cứu cho biết đang có laoif ký sinh của ong vào trứng gián nên có thể  khống chế số lượng của loài. Mật độ gián thấp nên có thể  tạm thời coi là vô hại.

Tới nay Vệt  Nam chưa có trường hợp nào phải cảnh báo về mức độ gây hại của gián. Tuy nhiên nếu mật độ gián tăng bất thường thì không hiểu sẽ có chuyện gì xảy ra có khi nguy hiểm hơn cả bọ xít hút máu.

 

Hoàng Vũ



Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang