GS. VS Nguyễn Văn Hiệu: 4 công trình xuất sắc thể hiện ý tưởng của GS. VS Trần Đại Nghĩa

author 16:20 17/05/2019

(VietQ.vn) - Trong 4 công trình nhận xuất sắc nhận giải thưởng Trần Đại Nghĩa có một công trình phục vụ an ninh quốc phòng, 3 công trình còn lại chủ yếu phục vụ kinh tế - xã hội.

Sự kiện: Chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam

GS. VS Nguyễn Văn Hiệu, Thường trực hội đồng giải thưởng Trần Đại Nghĩa nhận định cả 4 công trình được trao giải thưởng đều thể hiện ý tưởng cao đẹp của GS. VS Trần Đại Nghĩa.

“Năm nay, trong 4 công trình nhận xuất sắc nhận giải Trần Đại Nghĩa có một công trình phục vụ an ninh quốc phòng, 3 công trình còn lại chủ yếu phục vụ kinh tế - xã hội. Ví dụ làm ra được chế phẩm sinh học để xử lý cúm gia cầm, hay có nhà khoa học phát triển giống lúa chịu mặn, nhân rộng rộng rãi ở toàn Đồng Bằng Sông Cửu Long”, GS. VS nói.

 GS. VS Nguyễn Văn Hiệu

Chia sẻ về việc đánh giá, xếp loại các hồ sơ, GS. VS Nguyễn Văn Hiệu cho biết năm nay số lượng hồ sơ phong phú và chất lượng. “Hội đồng khoa học chuyên ngành không chỉ đi sâu vào bản chất của vấn đề nghiên cứu mà còn phân tích rõ được khả năng, tiềm năng ứng dụng của các nghiên cứu này ở thời điểm hiện tại cũng như tương lai gần.

"Nghiên cứu và phát triển công nghệ xử lý chất thải nguy hại công nghiệp và y tế"

PGS.TS Trịnh Văn Tuyên, Viện trưởng Viện Công nghệ Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam bày tỏ niềm vui khi nhận được giải thưởng cao quý Trần Đại Nghĩa 2019. “Công trình của chúng tôi, nghiên cứu về vấn đề ô nhiễm môi trường do nước thải và rác thải đang hết sức nặng nề. Việc thu gom, xử lý chất thải chưa được đầu tư thích đáng và công nghệ xử lý chưa thực sự hiểu quả nên ô nhiễm do chất thải nguy hại công nghiệp và y tế đã ảnh hưởng tới môi trường sống và sức khỏe của nhân dân”, ông nói.

Xuất phát từ thực tiễn trên, nhóm tác giả gồm: PGS.TS Trịnh Văn Tuyên, nghiên cứu viên cao cấp, Tiến sĩ Nguyễn Thế Đồng, kỹ sư chính Mai Trọng Chính đã nghiên cứu và phát triển công nghệ xử lý chất thải nguy hại công nghiệp và y tế này.

Theo PGS.TS Tuyên, Quyết định 64/2003 của Thủ tưởng Chính phủ ban hành xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. “Nước ta còn 439.000 các cơ sở ô nhiễm môi trường. Có những giải pháp nặng nề là chấm dứt hoạt động hoặc di dời nơi khác. Đáng chú ý, trong 439.000, có 84 bệnh viện và 284 cơ sở trong danh sách đen về ô nhiễm môi trường”, ông nói.

 PGS.TS Trịnh Văn Tuyên, Viện trưởng Viện Công nghệ Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam 

Sau khi Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam giao, nhóm tác giả thực hiện những đề tài liên quan đến vấn đề này. Trong quá trình nghiên cứu và phát triển công nghệ xử lý chất nguy hại công nghiệp và y tế, tập thể tác giả đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học liên quan được công bố, trong đó có các bằng độc quyền sáng chế, sách chuyên khảo và các bài báo khoa học đăng trên tạp chí uy tín.

Ví dụ, bằng độc quyền sáng chế số 4271 theo quyết định số A1734/QĐ-ĐK ngày 27/4/2004 của Cục sở hữu trí tuệ cho “Lò đốt chất thải rắn độc hại”; bằng độc quyền sáng chế số 11841 theo quyết định số 54205/QĐ-SHTT ngày 30/9/2013 của Cục Sở hữu trí tuệ cho “Tháp lọc sinh học nhỏ giọt thông khí tự nhiên, hệ thống và phương pháp xử lý nước thải nhờ sử dụng tháp lọc này”…

Bên cạnh đó, nhóm tác giả đã đề xuất được các công nghệ xử lý chất thải phù hợp và đưa vào ứng dụng thực tế đạt hiệu suất xử lý cao tại hơn 50 cơ sở xử lý chất thải rắn nguy hại y tế và công nghiệp và hơn 25 cơ sở xử lý nước thải y tế trên cả nước. Ưu điểm vượt trội của các công nghệ xử lý này so với các công nghệ xử lý chất thải khác đang được ứng dụng ở nước ta từ trước đến nay là chi phí đầu tư và chi phí xử lý thấp, vận hành đơn giản, đạt hiệu quả xử lý môi trường.

"Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ sản xuất vắcxin cúm gia cầm subtype A/H5N1 ở Việt Nam"

Công trình do nhóm tác giả là GS Lê Trần Bình, PGS Đinh Duy Kháng, TS Trần Xuân Hạnh nghiên cứu. Công trình nghiên cứu được chủng giống đạt yêu cầu cho sản xuất vắcxin và xây dựng quy trình đảm bảo và lưu giữ chủng giống lâu dài cho công việc sản xuất vắcxin. Tiếp sau đó nhóm nghiên cứu đã sản xuất vắcxin từ quy mô phòng thí nghiệm với vài chục ngàn liều đến quy mô pilot vài trăm ngàn liều rồi mở rộng ra quy mô công nghiệp vài triệu liều.

Nhờ các nghiên cứu đã được thực hiện,Việt Nam đã đủ khả năng sản xuất vắcxin cúm gia cầm H5N1 đạt chất lượng sử dụng ở quy mô công nghiệp, bảo đảm cung cấp một phần vắcxin, tiến tới sản xuất thay thế hoàn toàn vắcxin nhập khẩu để phục vụ cho công tác tiêm phòng bệnh cúm cho đàn gia cầm nuôi.

"Nghiên cứu tổ hợp vật liệu đặc chủng phục vụ chế tạo bộ hỗ trợ chiến đấu cho người lính và lõi đạn xuyên động năng 85mm"

Công trình này do nhóm tác giả TS Nguyễn Văn Thao, PGS Đoàn Đình Phương, TS Lê Văn Thụ nhiên cứu và đã thành công trong việc nghiên cứu các hệ vật liệu tổ hợp mới và vật liệu nano, nhằm tạo ra các sản phẩm chống va đập, giáp chống đạn hấp thụ năng lượng hiệu quả, bền, nâng cao hạn sử dụng, giảm khối lượng trang bị và tăng cường tính cơ động trong tác chiến. Các sản phẩm này còn được phát triển khả năng ngụy trang, ngăn chặn và phát hiện kịp thời, bảo vệ người lính khỏi vũ khí hoá học, sinh học.

"Nghiên cứu chọn tạo giống lúa phục vụ Đồng bằng sông Cửu Long"

Công trình này của GS Nguyễn Thị Lang - Viện Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao ĐBSCL có thành tích đặc biệt trong việc chọn tạo thành công hàng chục giống lúa lai có khả năng chịu mặn, năng suất, chất lượng cao. Các công trình nghiên cứu khoa học chuyên sâu của bà về bản đồ di truyền cây lúa, genome học cây lúa trong lĩnh vực di truyền, chọn giống cây trồng mang ý nghĩa thực tiễn cao, đóng góp thiết thực vào sự phát triển sản xuất lúa gạo trong nước và nâng cao vị trí ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam trên thế giới. GS Nguyễn Thị Lang là nhà khoa học nữ đầu tiên được vinh danh trong Giải thưởng Trần Đại Nghĩa.

Thảo Nguyên

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang