Hãi hùng phát hiện trâu chết trương phình suýt tuồn ra thị trường tiêu thụ

author 21:53 09/11/2016

(VietQ.vn) - Mới đây, lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An đã phát hiện và bắt giữ vụ vận chuyển một con trâu chết bốc mùi, có trọng lượng gần 300 kg.

Thông tin trên báo Dân trí, chiều 9/11, Đội CSGT huyện Nghĩa Đàn cho biết, vụ việc được Đội CSGT CA huyện thực hiện vào hồi 18h15 phút ngày 8/11, tại km 209, quốc lộ 15A. Theo đó, vào thời gian trên, tổ tuần tra kiểm soát, Công an huyện Nghĩa Đàn tiến hành kiểm tra xe ô tô tải mang biển kiểm soát 37C - 162.76 do Lê Doãn Linh, trú tại khối Tân Thọ, thị trấn Nghĩa Đàn điều khiển.

Qua kiểm tra, lực lượng CSGTCA huyện Nghĩa Đàn phát hiện trên xe có chở một con trâu nặng khoảng 290 kg đã chết không rõ nguyên nhân. Tại thời điểm kiểm tra Lê Doãn Linh không xuất trình được các giấy tờ liên quan đến con trâu trên.

Sáng 9/11, công an huyện Nghĩa Đàn đã bàn giao con trâu nói trên cho trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Nghĩa Đàn xử lý theo qui định của pháp luật.

Trước đó không lâu, vào khoảng 24h đêm 12/10, trong khi đang làm nhiệm vụ tuần tra trên tuyến đường liên xã thuộc xóm 12, xã Nghĩa Trung, lực lượng CSGT công an huyện Nghĩa Đàn đã tiến hành kiểm tra xe tải BKS 29Z-0584 do lái xe Bạch Văn Thế, trú tại xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc điều khiển đang trên đường vận chuyển 150 kg thịt trâu về Vinh để tiêu thụ.

Qua kiểm tra, lái xe không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, giấy chứng nhận kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Lạm dụng phụ gia thực phẩm có nguy cơ gây đột biến gen(VietQ.vn) - Phụ gia thực phẩm là chất nhằm cải thiện hương vị, tạo vẻ đẹp bề ngoài cho thực phẩm nhưng nếu lạm dụng nó có thể gây hại cho người dùng.

Ăn thịt trâu chết, không rõ nguồn gốc có nguy cơ mắc bệnh than

Liên quan tới thịt trâu, trước đó tờ ANTG đưa tin, ăn thịt trâu, bò chết có nguy cơ mắc bệnh than. Bệnh than do một loại vi khuẩn gọi là trực khuẩn than (hay trực khuẩn nhiệt thán) gây ra.

Điều đáng nói là trực khuẩn này có nha bào (nghĩa là kén) bao bọc rất bền vững, có thể giúp nó tồn tại vài chục năm ở môi trường bình thường như trong đất, trong nước, lông động vật, thịt đóng hộp, xông khói... Một số động vật khác như chuột, lợn, khỉ cũng có thể là nguồn lây bệnh.

Khi con vật chết, ở miệng, hậu môn, âm hộ thường có máu tím bầm hay đỏ sẫm chảy ra, không đông, bụng con vật chướng to, hậu môn trực tràng lòi ra, lưỡi lè ra, các lỗ tự nhiên như mồm, mũi, hậu môn, âm hộ chảy dịch nhầy lẫn máu tím bầm và thường khó đông hoặc không đông. Các hạch như hạch hầu, hạch trước vai, hạch đùi sưng to, tụ máu, dưới da có nhiều dịch vàng, thịt tím tái, lá lách sưng to, tím sẫm và nát nhũn như bùn.

Người giết mổ thịt gia súc mắc bệnh hoặc cắt xẻ thịt, ăn thịt, sẽ bị lây. Nếu nhiễm trực khuẩn than theo đường hô hấp, bệnh nhân thấy chóng mặt, đau ngực, khó thở, ho khan. Nếu nhiễm qua đường tiêu hóa, bệnh nhân nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy, chướng bụng, thở khó. Nhiễm trực khuẩn thể phổi và thể tiêu hóa  rất nguy hiểm vì sau từ 2 đến 6 ngày, bệnh nhân có thể chết do suy hô hấp hoặc nhiễm trùng máu. Tỉ lệ tử vong vào khoảng 80 đến 90%.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh than là một trong những bệnh được xếp vào nhóm bệnh "đặc biệt nguy hiểm" vì ngoài việc lây lan cho người, nó còn được những tổ chức khủng bố sử dụng như vũ khí sinh học.

 An Dương (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang