Hại não vì... thuốc bổ não

author 15:38 18/06/2014

(VietQ.vn) - Vào đầu mùa thi, bên cạnh sự tất bật chuẩn bị tài liệu ôn luyện, nhiều sĩ tử không quên chuẩn bị cho mình các loại thuốc thuốc bổ não nhằm mục đích tăng cường trí nhớ. Tuy nhiên, việc lạm dụng thuốc bổ não, dùng không đúng liều lượng và chỉ định của bác sĩ đã gây ra nhiều hậu quả cũng khó lường.

Để giải tỏa áp lực học tập, không ít học sinh và cha mẹ đã tìm mua và sử dụng tràn lan các loại thuốc bổ não, tăng cường trí nhớ và chống mất ngủ… như một loại "thần dược" để nâng cao khả năng trí nhớ, tập trung học tập. 

(Ảnh minh họa)

Ma trận thuốc bổ não

Đến bất kì hiệu thuốc tư nhân nào khi hỏi mua thuốc bổ não sẽ được nhân viên bán hàng bày ra đủ chủng loại thuốc với nhiều nhãn mác khác nhau, giá thành thì "muôn hình vạn trạng" nhưng cùng chung một mục đích "tăng cường trí nhớ" như theo lời rao bán. 

Theo như lời tư vấn của nhân viên bán thuốc thì những thuốc thuộc dòng "bổ não, tăng cường trí nhớ" được giới sinh viên ưa chuộng và tiêu thụ nhiều nhất vào những ngày trước và trong mùa thi. Dòng thuốc này đáp ứng, thoả mãn tất cả yêu cầu của khách hàng từ hạng sang tới bình dân. 

Theo chủ một quầy thuốc trên đường Láng cho biết: "Hơn nửa tháng nay, ngày nào cửa hàng cũng bán được năm sáu chục hộp thuốc dưỡng não hay  vitamin tổng hợp các loại, khách hàng phần lớn là học sinh".

Theo tìm hiểu của PV, các sản phẩm thuốc được sĩ tử hay dùng đó là: cao dán chống mất ngủ, thuốc bổ não, tăng cường trí nhớ: Hoạt huyết dưỡng não, Tuần hoàn não,…Thậm chí, nhiều người còn tìm mua các loại thuốc hỗ trợ thần kinh cao cấp ngoại nhập.

Giá của những loại thuốc dòng này giao động từ 4.000 đồng đến 6.000 đồng/viên, các loại vitamin như glutaminol B6 chỉ trên dưới 10.000 đồng, các loại thuốc nội như tuần hoàn não dao động từ 30.000 - 50.000 đồng/lọ, hoạt huyết dưỡng não giá 60.000 đồng/lọ trở lên. Đối với các loại thuốc bổ não nhập ngoại như của Mỹ có giá từ 300.000 - 500.000 đồng/lọ. Thậm chí có nhiều loại thuốc bổ não nhập ngoại có giá tiền triệu.

Thuốc bổ não được nhiều phụ huynh và học sinh sử dụng trong và trước mùa thi

Thuốc bổ não được nhiều phụ huynh và học sinh sử dụng trong và trước mùa thi 

Đa số những người mua thuốc trên về dùng chẳng cần qua bác sĩ khám. Họ dùng theo truyền tai,  vì tin rằng đại đa số thuốc bổ thì không có tác dụng phụ hay độc tố nên cả phụ huynh lẫn sĩ tử đều đặt niềm tin tuyệt đối vào những dạng thuốc này. 

Điều đáng lo ngại, rất có thể xảy ra biến chứng thậm chí gây tử vong nếu người mua dùng thuốc vô tội vạ, quá liều...

Rối loạn thần kinh chỉ vì quá tin vào thuốc

Không ít  trường hợp những cô cậu trước đó vốn hoạt bát, thông minh lanh lợi là vậy bỗng trở nên vô hồn sau khi sử dụng các loại thuốc bổ não, tăng cường trí nhớ.

Trường hợp của T - học sinh lớp 12 ở Hà Nội là ví dụ điển hình. Theo lờ T kể, qua lời bạn bè, T tìm mua ritalin, ginkovita, giloba... có giá vài trăm ngàn đồng/hộp để dùng. Sau một thời gian có hiệu quả nên dùng thường xuyên và bây giờ T lệ thuộc hoàn toàn vào nó. Trước mỗi buổi học nếu không uống vài viên thì không tập trung học được".

Chuyên gia y tế khuyên: Tránh lạm dụng thuốc bổ não

Chuyên gia y tế khuyên: Tránh lạm dụng thuốc bổ não

Trường hợp của con chị Phương - quê  Hà Nam cũng không ngoại lệ. Gặp chị trong khoa thần kinh với khuôn mắt hốt hoảng. Chị mếu máo kể: "con trai năm nay ôn thi lên lớp 6 ở một trường có tiếng ở Hà Nội. Áp lực học tập, một phần chị bồi bổ dinh dưỡng trong ăn uống và cũng không quên mua thêm các loại vitamin, thuốc bổ cho bé. Tuy nhiên sau một thời gian dùng, bé có sự thay đổi về tính nết. Trở nên cục, không hay cười, muốn gì là đòi bằng được, không được là hết toáng lên. Thấy dấu hiệu lạ, chị cho con đi khám, bác sĩ kết luận con có dấu hiệu của hội chứng tâm thần hoang tưởng nhẹ".

Trao đổi với TS. Phạm Đức Thịnh - Viện trưởng Viện Giám định pháp y tâm thần TW được biết một số loại thuốc bổ não như  ritalin, ginkovita, giloba... là những thuốc có khả năng gây nghiện rất cao. Nó hoàn toàn không có chức năng bổ não như người ta vẫn lầm tưởng. 

Thực chất loại thuốc này là thuốc kích thích làm tăng hoạt động của não khiến người dùng cảm thấy hưng phấn khi sử dụng. Nếu sử dụng liên tục và không theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa thần kinh, tâm thần thì người sử dụng rất dễ bị lệ thuộc vào thuốc, dùng kéo dài sẽ gây hội chứng tâm thần rối loạn tập trung. 

Đối với một số loại thuốc bổ thần kinh nếu dùng lâu ngày có thể gây rối loạn hành vi, hoang tưởng, suy gan, suy thận, cơ thể bị suy kiệt.

Việc điều trị rối loạn tâm thần cần rất nhiều thời gian. Trong quá trình điều trị cần kết hợp  cả việc uống thuốc an thần lẫn các giải pháp trị liệu như bấm huyệt, các bài tập vận động. Bệnh nhân phải được điều trị theo phác đồ quốc tế quy định và cũng rất mất thời gian để phục hồi lại tâm thần ban đầu.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, người dân không nên tùy ý mua hoặc uống những thuốc có liên quan tới thần kinh. Hãy đến với các bác sĩ chuyên khoa để có được sự tư vấn tốt nhất khi có những vấn đề về thần kinh hay suy giảm trí nhớ.

Để ôn thi hiệu quả, mỗi sĩ tử phải tự sắp xếp thời gian học và nghỉ ngơi cho phù hợp. Trong đó, giấc ngủ có vai trò đặc biệt quan trọng vì đây là lúc các tế bào thần kinh thải độc ra khỏi cơ thể. Không dùng thuốc bổ thần kinh, tăng cường trí nhớ đối với thể trạng có các tổn thương về gan, thận như viêm cầu thận mãn tính, viêm gan, viêm thận.

Đặc biệt, các bậc cha mẹ không nên tạo sức ép với con cái để tránh tâm trạng lo lắng thái quá, ảnh hưởng đến sự tập trung và tâm trí của con em khi ôn thi.

Thúy Mùi


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang