Hạt vi nhựa trong nhà - nguy cơ phơi nhiễm gây hại sức khỏe

authorNgọc Nga 06:04 08/05/2021

(VietQ.vn) - Trong một nghiên cứu mới trên tạp chí Environmental Pollution, các nhà khoa học cảnh báo con người phải đặc biệt chú ý đến nguy cơ phơi nhiễm với các hạt vi nhựa trong nhà.

Nghiên cứu mới cảnh báo con người phải đặc biệt chú ý đến nguy cơ phơi nhiễm với các hạt vi nhựa trong nhà, đặc biệt là trẻ nhỏ, đối tượng dễ bị tổn thương nhất từ phơi nhiễm vi nhựa.

Vi nhựa là các hạt nhựa có đường kính nhỏ hơn 5 mm. Chúng có thể phát tán từ một loạt đồ đạc gia đình và vật dụng hàng ngày như quần áo, nội thất trong nhà, bao bì thực phẩm và đồ uống... 

Trước đây, đã có nhiều nghiên cứu tìm thấy hạt vi nhựa trong môi trường ngoài trời. Chúng thậm chí đã xâm chiếm những nơi hẻo lánh nhất hành tinh, từ Bắc Cực cho đến Rãnh Mariana (rãnh đại dương sâu nhất thế giới) và Dãy núi Alps ở Ý. Nhưng trong một nghiên cứu mới, các nhà khoa học Australia đến từ Đại học Macquarie đã để ý đến những hạt vi nhựa gần với chúng ta hơn. Đó là những hạt vi nhựa có mặt ngay trong nhà.

Hạt vi nhựa trong nhà tiềm ẩn nhiều nguy hại cho sức khỏe con người. Ảnh minh họa 

Trên thực tế, con người dành trung bình tới 90% thời gian trong nhà và các tòa nhà. Nhưng điều đó cũng không khiến chúng ta thoát khỏi biển hạt vi nhựa đang xâm chiếm thế giới. Những hạt nhựa nhỏ bé này đã tràn vào trong mỗi ngôi nhà, lắng đọng trên từng đồ ăn, thức uống của chúng ta.

"Nghiên cứu của chúng tôi là nghiên cứu đầu tiên kiểm tra nồng độ phơi nhiễm hạt vi nhựa trong nhà ở Australia", giáo sư Mark Taylor đến từ Đại học Macquarie cho biết. "Chúng tôi đã phân tích bụi tích tụ từ không khí trong nhà tại 32 ngôi nhà ở Sydney trong khoảng thời gian một tháng vào năm 2019".

Mẫu phẩm được gia chủ thu thập bằng cách đặt các đĩa thủy tinh đặc biệt trong nhà mình và chờ bụi lắng trên đó. Các chiếc đĩa này sau đó được gửi về Đại học Macquarie, phân tích bởi máy đếm hạt và kính hiển vi.

"Chúng tôi nhận thấy 39% các hạt bụi lắng đọng là hạt vi nhựa; 42% là sợi tự nhiên như bông, tóc và len; 18% là sợi có nguồn gốc tự nhiên được biến đổi như visco và giấy bóng kính. 1% còn lại là phim và mảnh vỡ đến từ nhiều vật liệu khác nhau", các tác giả nghiên cứu cho biết.

Tính trung bình mỗi ngày, một mét vuông nhà ở có thể hứng chịu tới hơn 6.000 hạt vi nhựa lắng đọng. Những ngôi nhà có thảm làm từ sợi nhân tạo (bao gồm polyethylene, polyamide và polyacrylic) có nồng độ hạt vi nhựa cao gần gấp đôi so với những ngôi nhà không có thảm trải sàn.

Tuy nhiên, những ngôi nhà có sàn gỗ lại có lượng nhựa polyvinyl nhiều gấp hơn hai lần so với nhà trải thảm. Điều này là do lớp phủ chống nước cho sàn gỗ được làm từ nhựa polyvinyl.

 
Hạt vi nhựa (microplastic) là những mảnh nhựa nhỏ được tìm thấy trong môi trường. Chúng được định nghĩa là các hạt nhựa có đường kính nhỏ hơn 5mm.

Hạt vi nhựa có thể được sản xuất chủ động ở kích thước nhỏ (microbeads) có trong các sản phẩm kem đánh răng, tẩy tế bào chết hoặc hình thành từ quá trình phá hủy các mảnh nhựa lớn hơn trong môi trường.

Những hạt vi nhựa này được tìm thấy ở khắp nơi trên thế giới như trong đại dương, sông, đất và nhiều môi trường khác. Sau đó, chúng được tiêu thụ bởi các loài động vật.

Với nhu cầu sử dụng nhựa ngày càng tăng, môi trường đang phải gánh chịu nhiều nhựa thải hơn bao giờ hết. Ước tính có khoảng 8,8 triệu tấn chất thải nhựa đưa vào đại dương mỗi năm. Hơn thế nữa, 276.000 tấn nhựa hiện đang trôi nổi trên bờ biển gây hại nghiêm trọng tới môi trường.
 

Nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn từ ô nhiễm hạt vi nhựa trong nhà

Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học đến từ Đại học Macquarie thống kê một phần tư lượng hạt vi nhựa trong nhà có kích thước nhỏ hơn 250 micromet. Đây là giới hạn mà một hạt có thể được hít vào trong phổi.

"Sử dụng các mô hình phơi nhiễm với con người, chúng tôi tính toán được tỷ lệ hít vào và nuốt phải hạt vi nhựa cao nhất đối với đối tượng là trẻ em dưới 6 tuổi", giáo sư Taylor cho biết.

"Điều này là do trọng lượng của trẻ tương đối thấp, cơ thể trẻ sơ sinh cũng có kích thước nhỏ hơn và nhịp thở của chúng cao hơn so với người lớn. Hơn nữa, trẻ nhỏ thường tiếp xúc với sàn nhà nhiều hơn và có xu hướng đưa tay vào miệng thường xuyên hơn rất nhiều".

Trung bình, những đứa trẻ dưới 6 tuổi hít vào nhiều hạt vi nhựa hơn khoảng 3 lần so với mức trung bình chung. Đó là khoảng 18.000 hạt mỗi năm, tương đương với 0,3 miligam trên 1 kg trọng lượng cơ thể. Con số gấp 20 lần đối với vi nhựa xâm nhập vào đường tiêu hóa, lên tới 6,1 miligam trên mỗi kg trọng lượng cơ thể mỗi năm.

Đối với những đứa trẻ 5 tuổi, lượng hạt vi nhựa mà chúng ăn vào một năm có thể tích góp lại thành một hạt lạc. Chúng ta chưa biết liệu ở nồng độ này, chúng đã có thể gây hại tới đâu bởi mức độ phơi nhiễm an toàn của nhiều loại nhựa vẫn chưa được xác đình.

Nhưng giáo sư Taylor cho biết: "Vi nhựa có thể mang theo một loạt chất gây ô nhiễm như kim loại vi lượng và một số hóa chất hữu cơ có thể gây hại. Những hóa chất này có thể ngấm ra khỏi bề mặt nhựa từ đó đi vào cơ thể, làm tăng khả năng gây độc.

Vi nhựa cũng có thể có đặc tính gây đột biến và hỏng DNA của chúng ta. Điều đó có nghĩa là chúng tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư. Với sự phổ biến của hạt vi nhựa không chỉ trong nhà mà còn trong thực phẩm và đồ uống, bước quan trọng tiếp theo cần làm là phải xác định được mức độ phơi nhiễm an toàn (nếu có) đối với chúng". 

Các sản phẩm từ nhựa còn chứa nhiều thành phần khác có thể gây hại đến sức khỏe con người, chẳng hạn như chất tạo màu thường chứa kim loại nặng và nhiều chất độc hại khác. Các chất chống cháy nổ có khi phá vỡ hệ thống nội tiết.

Hợp chất hóa học có trong chất tẩy rửa thảm, xi đánh giày gây bệnh Parkinson và ung thư(VietQ.vn) - Các nhà nghiên cứu Mỹ mới đây đưa ra một kết luận rằng, Trichloroethylene (TCE) là một hợp chất hóa học có trong chất tẩy dầu mỡ công nghiệp, giặt khô, xi đánh giầy và chất tẩy rửa thảm là thủ phạm gây bệnh Parkinson, ung thư.

Đáng nói hơn, các hạt vi nhựa còn có khả năng hấp thu những chất độc hại xung quanh nó. Khi tồn tại trong môi trường một thời gian dài, chúng sẽ thu nhận các chất ô nhiễm khác từ đất, nước không khí. Khi đó, nếu con người lại ăn phải các vi nhựa này thì thật đáng quan ngại.

May thay, trước khi các nhà khoa học có được câu trả lời rõ ràng, họ đã cho chúng ta một số gợi ý để giảm thiểu nồng độ vi nhựa. "Nghiên cứu của chúng tôi tiết lộ một số cách thức hiệu quả để giảm thiểu phơi nhiễm hạt vi nhựa trong nhà", các nhà nghiên cứu viết.

Đầu tiên không nên chọn thảm, hãy lát gỗ hoặc các bề mặt cứng như gạch men. Ngay cả các sàn gỗ phủ nhựa cũng giảm thiểu được sự phát tán hạt vi nhựa hơn so với thảm trải sàn. Ngoài ra, tần suất lau dọn nhà cửa cũng tạo ra sự khác biệt. Hãy hút bụi ít nhất một lần một tuần và chăm chỉ dọn dẹp.

 Ngọc Nga (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang