Lý giải hiện tượng đàn ‘sứa băng’ tuyệt đẹp tại hồ băng

author 15:32 31/01/2015

(VietQ.vn) - Hiện tượng bí ẩn tại hồ băng trong công viên quốc gia Banff, Alberta, Canada khiến rất nhiều người tò mò, tuy nhiên đây thực chất chỉ là những bong bóng khí bị mắc kẹt dưới lớp băng dày cứng.

Hình ảnh về các đàn "sứa băng" dị thường khi tham quan hồ Minnewanka, hồ Vermillion và hồ Abraham ở công viên quốc gia Banff đã được nhiếp ảnh gia Paul Zizka, 35 tuổi ghi lại. Trong đó, hồ Abraham là địa điểm được chụp hình nhiều nhất về hiện tượng bí ẩn này.

Các nhà khoa học giải thích, công viên Quốc gia Banff ở Alberta, Canada là nơi có lượng lớn khí metan dễ cháy nổ. Lượng khí này xuất hiện sau khi các vi khuẩn xử lý các xác động thực vật, thường thì vô hại nhưng nếu được chiếu sáng thì có thể gây nổ. Khí mêtan không hòa tan vào nước, mà hình thành các bong bóng nổi lên trên bề mặt hồ.

Hiện tượng bí ẩn tại hồ Abraham thực chất là các bong bóng khí metan bị kẹt dưới lớp băng

Hiện tượng bí ẩn tại hồ Abraham thực chất là các bong bóng khí metan bị kẹt dưới lớp băng

Vào mùa hè, khí metan sẽ tụ lại, thành những bong bóng nổi lên mặt nước và nổ. Còn vào mùa đông, những bong bóng khí metan này bị giữ lại giữa những lớp băng và khiến cho người ta liên tưởng đến một đàn sứa bị đóng băng ở đây.

Tuy nhiên, những bong bóng metan này có thể gây nguy hiểm rất lớn. Một quả bong bóng khí metan có thể gây nổ gấp 25 lần carbon dioxide.

Giáo sư Katey Walter Anthony thuộc Đại học Alaska (Mỹ) ví hiện tượng này là "hình ảnh ngưng đọng thời gian" về việc phát thải khí mêtan từ các hồ đóng băng. Tuy nhiên, chuyên gia này lưu ý, các bong bóng mêtan có thể rất nguy hiểm.

Vào tháng 12/2014, một hiện tượng bí ẩn liên quan đến băng cũng xảy ra tại dòng sông Dee ở Scotland. Nhà sinh vật học Jamie Urquhart đã ghi lại hình ảnh của hàng vạn "bánh" băng có kích thước bằng chiếc đĩa ăn trên mặt nước yên tĩnh của dòng sông này.

Bánh băng trôi cũng là một hiện tượng bí ẩn rất được quan tâm

Bánh băng trôi cũng là một hiện tượng bí ẩn rất được quan tâm

Theo các chuyên gia, nhiệt độ đóng băng khiến bong bóng nước đông đặc lại và các dòng chảy nhào nặn chúng thành hình tròn. Thông thường, các bánh băng hình thành trên bề mặt đại dương hoặc hồ quanh vòng Bắc cực, nơi chuyển động của nước ngăn cản băng tạo lập các mảng bằng phẳng. Tuy nhiên, chúng đôi khi cũng xuất hiện trên các con sông khi nhiệt độ xuống thấp đủ mức.

Rìa vòng ngoài của mỗi chiếc đĩa nhô cao hơn do các bánh băng đâm vào nhau vì chuyển động của sóng đại dương.Tại Bắc cực, các bánh băng có thể kết dính với nhau để hình thành những dải xếp chồng lên nhau, đạt tới độ dày 18 mét ở nhiều điểm.

Đinh Ly

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang