Chai bia che Ngọ Môn, PG mặc bikini tiếp thị khách hàng và còn gì nữa?

authorDương Phương Ngọc 19:16 17/06/2017

(VietQ.vn) - Việc dán đầy hình ảnh những chai bia Huda lấp đầy mặt trước di tích Ngọ Môn và cầu Trường Tiền, Carlsberg Việt Nam đã nối dài danh sách những doanh nghiệp quảng cáo "bất chấp" ở Việt Nam. Vì sao những hành động này vẫn tiếp diễn?

Gần đây, Carlsberg Việt Nam đã gây bức xúc dư luận khi đăng trên Facebook Huda Beer tấm poster hình những chai bia "khổng lồ" trước di tích Ngọ Môn và cầu Trường Tiền (Huế).

 Hình ảnh được đăng tải trên trên trang Facebook Huda Beer đã bị gỡ bỏ.

Đây không phải là lần đầu tiên một doanh nghiệp Việt có hành động quảng cáo phản cảm, ảnh hưởng tới lợi ích chung của nhiều người như vậy. 

Tháng 8/2016, trung tâm điện máy Thế giới di động “nhốt” cô gái vào lồng kính rồi chở bằng xe bán tải mang đi dạo phố nhằm quảng cáo cho sản phẩm Samsung Galaxy Note7. Nhiều chuyên gia cho rằng đó là hành động không chỉ phản cảm mà còn xúc phạm sâu sắc hình ảnh người phụ nữ.

Vào hồi tháng 6/2016, sau sự kiện Tổng thống Mỹ Barack Obama sang thăm Việt Nam, hãng bia Hà Nội đã đưa hình ảnh ông Obama vào tờ rơi quảng cáo của mình để marketing.

Trong khi đó, theo hãng luật PLF, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân để quảng cáo dù người này có nổi tiếng hay không cũng phải được sự đồng ý của cá nhân đó.

Nếu không có sự đồng ý của họ mà vẫn sử dụng là hành vi vi phạm quy định pháp luật, trừ những trường hợp vì mục đích quốc gia, dân tộc và công cộng.

Trước đó, ngày 28/4/2016, siêu thị điện máy Trần Anh đã gây bức xôn xao luận khi dùng các cô gái mặc bikini đứng tiếp thị ở trong và trước cửa một cửa hàng của doanh nghiệp này tại Hà Nội.

Thế giới di động đã "nhốt" các cô gái vào trong lồng rồi đưa đi khắp đường phố Hà Nội để quảng cáo cho một sản phẩm mới của mình.

Điều đáng nói là sau đó, các doanh nghiệp vi phạm trên chỉ... bị phạt. Cụ thể, ngày 15/6 vừa qua,  Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phối hợp với Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh xử lý việc Công ty Carlsberg Việt Nam vi phạm quy định về quảng cáo.

Mức phạt mà doanh nghiệp này phải chịu là từ 10 - 20 triệu đồng. "Về việc xử phạt, Thanh tra Sở Văn hóa - Thể thao sẽ xử phạt doanh nghiệp vi phạm theo quy định tại Nghị định 66 của Chính phủ", ông Lê Sĩ Minh, GĐ Sở TTTT Thừa Thiên-Huế cho biết. 

Trước đó, với hành động "nhốt" các cô gái vào lồng kính đi khắp phố, Thế giới di động chỉ bị phạt 6 triệu đồng vì "đã có hành vi quảng cáo không phù hợp với thuần phong mỹ tục, gây phản cảm trên đường phố".

Với vụ việc của Trần Anh, Thanh tra Sở Văn hóa Hà Nội ngày 6/5 ra quyết định xử phạt công ty Trần Anh 40 triệu đồng vì quảng cáo trái thuần phong mỹ tục.

Trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam, chuyên gia truyền thông Phạm Hùng Thắng khẳng định, vì mục đích kinh doanh, không ít các doanh nghiệp vẫn đặt lợi ích của mình lên trên hết. Chính vì vậy, người ta dễ bị các mục tiêu lớn làm lu mờ các vấn đề xung quanh. Lẽ dĩ nhiên từ ý tưởng đưa ra cho tới quá trình xây dựng kế hoạch thực thi đã có tính đến hầu hết các vấn đề liên quan tới rủi ro, pháp luật và phương án dự phòng. 

Bỏ thêm vài chục triệu để chiến dịch truyền thông đạt được hiệu quả là con số nhỏ với các doanh nghiệp lớn như Carlsberg Việt Nam, Bia Hà Nội hay Thế giới di động...

Cần phải có những mức phạt cao hơn với những hành động quảng cáo phản cảm thì mới có thể ngăn chăn tình trạng này.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang