Khẳng định vị thế quốc gia

author 08:57 23/06/2013

(VietQ.vn) - Không thể phủ nhận, nhờ lợi thế của nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước khu vực Asean và sắp tới là Liên minh châu Âu (EU), Việt Nam sẽ thu hút nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ nhiều nước.

Dòng vốn FDI sẽ phục hồi mạnh

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã liên tục tham gia các cuộc đàm phán với các đối tác thương mại và đầu tư trong một loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA). Mặc dù hiện nay mới chỉ có các FTA với khối ASEAN hay các đối tác tại khu vực Đông Nam Á đang có hiệu lực thi hành.
 
Nhưng Việt Nam vẫn chủ động tìm kiếm các cơ hội đàm phán các FTA với cả các đối tác thương mại chiến lược ngoài khu vực Đông Nam Á, như Hoa Kỳ, Chi-lê và cả EU. Trong đó, đàm phán FTA với EU là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ. 
 
Hiện Việt Nam đã trở thành nước nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn hàng thứ hai ở Đông Nam Á trong năm qua nhờ giá lao động rẻ và môi trường kinh doanh cạnh tranh mới mẻ. Những tiến bộ sớm đạt được trong đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa EU và Việt Nam sẽ thúc đẩy sự quan tâm đầu tư của các công ty từ 27 nước thành viên EU đối với Việt Nam. 
Thu hút đầu tư nước ngoài sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế trong nước
Thu hút đầu tư nước ngoài sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế trong nước
 
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu,  khu vực Đầu tư nước ngoài đã đạt được những thành tựu và đóng góp tích cực cho nền kinh tế Việt Nam trong 25 năm qua. Cụ thể là trong giai đoạn đầu mở cửa, đầu tư nước ngoài là giải pháp hữu hiệu góp phần đưa Việt Nam ra khỏi tình thế khó khăn của tình trạng bị bao vây, cấm vận; khẳng định xu thế mở cửa và quan điểm “Việt Nam muốn là bạn của các nước trong cộng đồng thế giới”. 
 
Trong các giai đoạn tiếp theo,đầu tư nước ngoài là nguồn vốn bổ sung quan trọng trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, góp phần đáng kể thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng năng lực sản xuất, đổi mới công nghệ, khai thông thị trường quốc tế, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, đóng góp ngân sách nhà nước, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và tạo thêm việc làm. 
 
Bên cạnh những đóng góp trực tiếp nêu trên, đầu tư nước ngoài đã có tác động lan tỏa đến các thành phần kinh tế khác của nền kinh tế, trong đó có việc khơi dậy các nguồn lực đầu tư trong nước, tạo sức ép cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới và chuyển giao công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất; phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, góp phần đưa Việt Nam từng bước tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. 
 
Đến nay, Việt Nam đã trở thành điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu trên thế giới trong nhiều lĩnh vực khác nhau như BP, Total, Toyota, Canon, Samsung, Intel, Unilever… với những sản phẩm chất lượng quốc tế, qua đó vừa góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ khu vực và thế giới, vừa góp phần tạo động lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước nhằm thích ứng trong bối cảnh toàn cầu hóa. 
 
Cần hoàn thiện chính sách 
 
Thu hút vốn đầu tư nước ngoài cũng đóng vai trò tích cực trong việc hỗ trợ cho quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước, khuyến khích đổi mới thủ tục hành chính và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Tuy nhiên, ở nhiều doanh nghiệp FDI tình trạng cấp Giấy chứng nhận đầu tư không phù hợp với qui hoạch. Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đầy đủ đến vấn đề an ninh quốc gia; chưa chú ý đến hiệu quả sử dụng tài nguyên đất đai, khoáng sản... 
 
Một số dự án chưa được thẩm tra, xem xét kĩ các khía cạnh công nghệ, lao động, môi trường,... dẫn đến chất lượng dự án chưa cao. 
 
Trong năm 2013 và những năm tiếp theo, Việt Nam cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về đầu tư, ban hành chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp với định hướng thu hút đầu tư nước ngoài giai đoạn 2011- 2020, song cũng phải đảm bảo tính hấp dẫn, cạnh tranh so với các nước trong khu vực.
 
Bởi việc tham gia nhiều vào FTA sẽ tạo nên quá nhiều cam kết và qui định đan xen, gây khó khăn cho việc hoạch định chính sách thương mại quốc gia và tuân thủ, thực thi cam kết, quy định của FTA. 
 
 Đặc biết, Chính phủ cần chú ý một số chính sách cụ thể như: có chính sách ưu đãi cao, đủ sức hấp dẫn đối với một số dự án hạ tầng kinh tế, xã hội có qui mô lớn, có tính lan toả và tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội. 
 
Đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài vào các dự án hợp tác công - tư (PPP), bố trí nguồn vốn ngân sách để đầu tư đối ứng cho các dự án PPP này. Bổ sung qui định về tiêu chí doanh nghiệp công nghệ cao với các ưu đãi phù hợp, có tính đến nhóm các dự án công nghệ cao có doanh thu, kim ngạch xuất khẩu hàng năm lớn và sử dụng nhiều lao động chất lượng cao. 
 
Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu ban hành qui định ngành, sản phẩm được hưởng ưu đãi theo diện công nghiệp hỗ trợ; trong đó có ưu đãi cao hơn cho các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án nằm trong “chuỗi sản xuất” tạo ra giá trị gia tăng cao tại Việt Nam.  Đặc biệt, cần định rõ các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và giới hạn đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường. Yêu cầu doanh nghiệp phải công khai một số thông tin liên quan về rác thải.
Phiên đàm phán thứ 3 giữa phía EU và Việt Nam đã được tiến hành tại TPHCM và đạt được những thỏa thuận về lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, hàng rào kỹ thuật. Dự kiến năm 2014, 2 bên sẽ kết thúc các vòng đám phán và chính thức ký kết FTA. 
 
Bảo Ngọc
 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang