Khơi thông dòng chảy hàng hóa nông sản sẽ là một mũi tên trúng nhiều đích

author 06:21 10/10/2018

(VietQ.vn) - Câu chuyện nông sản Việt Nam “bị” giải cứu luôn được nhắc đến từ nhiều năm nay, từ dưa hấu, xu hào, củ cải, chanh leo của năm 2017, 2018 lại tiếp tục xuất hiện thêm hồng Đà Lạt, dứa Thanh Hóa, chuối Đồng Nai, Thanh long Bình Thuận...

Tình hình trên nếu không có những giải pháp quyết liệt và căn cơ đồng bộ, chắc rằng danh sách giải cứu sẽ còn dài thêm.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên nhân sâu xa của dòng chảy nông sản vẫn chưa được thanh thoát như hiện nay, đó là nằm ở hai khâu chính là sản xuất và phân phối.

Theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, những vật cản của dòng chảy thương mại hàng hóa nông sản cần phải được phá bỏ càng sớm càng tốt

Ông Phú cho rằng, về sản xuất, với hàng triệu hộ nông dân và chục triệu mảnh ruộng nhỏ, nông nghiệp Việt Nam khó có thể đi lên 1 nền sản xuất hàng hóa đúng nghĩa, mặt khác, do thói quen canh tác nhỏ lẻ còn tùy tiện, cẩu thả, làm ảnh hưởng tới chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm, và đó cũng chính là nỗi lo thường trực của cả xã hội tiêu dùng, đồng thời chính cũng là rào cản để hàng hóa sản xuất ra không tiếp cận được hệ thống phân phối hiện đại. Mặt khác, khi hàng hóa sản xuất ra, người nông dân không thể có đầy đủ thông tin về thị trường và giá cả, bán sản phẩm ở thời điểm nào, địa điểm nào là bán tốt nhất, mỗi khi mùa thu hoạch đã đến.

Một vấn đề rất quan trọng nữa của sản xuất, đó là lúa thu hoạch xong chủ yếu để ở bờ ruộng, dưa hấu hầu hết chất đống che phủ ở ngoài đồng, không có những kho dự trữ đạt tiêu chuẩn để giữ được các sản phẩm được lâu dài, khi có giá tốt mới đem bán. Riêng khâu này hao hụt và tổn thất khoảng 15-20%. Đây lại chính là những bất lợi của người sản xuất để một số thương lái khai thác ép giá, ép cấp. Những tình hình của sản xuất hàng hóa nông sản nêu trên cho ta thấy một bức tranh toàn cảnh về sản xuất nông sản của VN đang tồn tại nhiều năm trước đây chưa được khắc phục. Mặc dù hiện nay có những điểm sáng trong sản xuất nông sản của một số doanh nghiệp lớn có điều kiện tiếp cận thị trường, nắm vững thông tin để thương lượng sòng phẳng với thương lái, nhà buôn.

Theo thông tin được ông Phú chia sẻ, cả nước hiện nay có 9000 chợ, 800 siêu thị, 130 trung tâm thương mại và khoảng 4000 siêu thị mini, cửa hàng tự chọn của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

“Nguồn hàng bán ra có cả hàng hóa nông sản nhập khẩu và hàng của VN sản xuất. Thị trường VN với gần 100 triệu dân rất hấp dẫn mà nhà đầu tư bán lẻ nào cũng muốn tham gia, còn người tiêu dùng ở đây luôn luôn khát khao có hệ thống phân phối phục vụ các sản phẩm tiêu dùng có chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm để sử dụng hàng ngày. Tuy nhiên trên thực tế hiện nay, tỷ lệ nông sản sạch vào các hệ thống thương mại hiện đại chỉ chiếm từ 7-10%, như vậy còn tới 80-90% hàng hóa nông sản được bán tự do ở các chợ, cửa hàng lẻ và hàng rong. Trong đó, có đủ các loại gồm cả sản phẩm đạt chất lượng và chưa đạt chất lượng’, ông Phú nhận định.

Theo chuyên gia này, việc số lượng hàng nông sản sạch vào siêu thị mới chiếm một thị phần nhỏ là do một phần yếu kém của khâu sản xuất đã nói ở trên, mặt khác còn do sự thiếu trách nhiệm, vì lợi nhuận mà chèn ép nhà cung ứng, đưa ra những mức chiết khấu cao, từ 25-30%, và những chi phí bất hợp lý khác. Do vậy, nhiều nhà cung ứng đã không chịu nổi, đành phải ra đi và như thế là hàng nông sản sạch của VN lại được bán ở thị trường tự do là chính, lẫn lộn với hàng hóa không đạt tiêu chuẩn.

Nhiều hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa trong các năm trước đây và đặc biệt là Hội nghị ở phía Nam vào tháng 12/2017, các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa đã đưa ra những dẫn chứng cụ thể về những hiện tượng mang tính phổ biến về sự bất bình đẳng giữa nhà cung ứng hàng hóa và hệ thống siêu thị hiện đại kể cả trong nước và nước ngoài.

Trong một diễn đàn kinh tế đầu năm 2018, đại diện của Vụ Quản lý thuế - Tổng cục thuế đã cho biết “Chiết khấu cứng vào Big C là 20%, chiết khấu mềm là 12%”. Điều này cho thấy việc ngăn chặn sự lũng đoạn của khâu bán lẻ là cần thiết.

Theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, những vật cản của dòng chảy thương mại hàng hóa nông sản cần phải được phá bỏ càng sớm càng tốt. Nhiệm vụ trước mắt là phải tổ chức lại sản xuất và hệ thống phân phối nội địa để thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội và kinh tế tiêu dùng một cách bền vững.

Muốn khơi thông dòng chảy nông sản, ông Phú cho rằng, cần phải thực hiện một số giải pháp cơ bản như tổ chức lại sản xuất lớn theo quy hoạch của từng địa phương và từng vùng có lợi thế cho sự phát triển các loại thuế. Đi đôi với đó là việc mở rộng chính sách hạn điền, tạo điều kiện tốt, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nhằm quản lý được chất lượng hàng hóa và hạ giá thành sản phẩm.

Xây dựng kết cấu hạ tầng sản xuất và phân phối nhằm giảm chi phí sản xuất và lưu thông hàng hóa nông sản. Hình thành hệ thống chợ đầu mối, sàn giao dịch nông sản để đảm bảo mua bán được công khai minh bạch và quản lý an toàn thực phẩm.

Chuyên gia này cũng nhấn mạnh việc cần đầu tư thỏa đáng cho việc hình thành những tập đoàn mạnh về sản xuất và phân phối, có đủ tiềm lực để phát triển sản xuất hàng hóa lớn và phát triển mạng lưới phân phối rộng khắp hiệu quả và đủ sức dẫn dắt thị trường.

Nếu khơi thông được dòng chảy hàng hóa nông sản, sẽ là một mũi tên trúng nhiều đích. Trước hết, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt, so với các hàng hóa nước ngoài xâm nhập vào thị trường VN. Đẩy mạnh được tiêu thụ hàng hóa tại các kênh phân phối hiện đại đang được người tiêu dùng tín nhiệm trên thị trường, từ đó bài toán nông sản cần "giải cứu" sẽ được giải quyết.

Nông sản sang EU: Chất lượng là chìa khóa(VietQ.vn) - Việc áp dụng sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế chính là chìa khóa để các mặt hàng nông sản, thực phẩm có được “giấy thông hành” vào thị trường EU – thị trường tiềm năng nhưng cũng có yêu cầu rất cao về tiêu chuẩn chất lượng.

Thanh Uyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang