Không có chồng chéo trong quy định về kiểm định phương tiện đo

author 10:43 29/08/2017

(VietQ.vn) - Trước thông tin thông tư về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2 có sự chồng chéo trong quy định, đại diện Tổng cục TCĐLCL đã phủ nhận thông tin này.

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Có hay không việc bắt phải buộc tháo rời thiết bị khi kiểm định?

Theo phản ánh của các Trung tâm đăng kiểm, 4 phương tiện đo gồm: thước cuộn, cân kiểm tra tải trọng xe cơ giới, phương tiện đo nồng độ khí thải xe cơ giới, phương tiện đo độ ồn được xếp vào nhóm 2 phải được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) kiểm định và cấp phép 12 tháng/lần. Theo các Trung tâm đăng kiểm, để kiểm định được các phương tiện đo này, các đơn vị này phải tháo rời thiết bị mang lên Viện Đo lường Việt Nam kiểm tra, điều này đã “gây khó cho doanh nghiệp”.

Cân kiểm tra tải trọng xe cơ giới. Ảnh LĐTĐ

Đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Hùng Điệp – Vụ trưởng Vụ Đo lường, Tổng cục TCĐLCL cho biết, Tổng cục TCĐLCL là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đo lường. Tổng cục không thực hiện việc kiểm định và cấp giấy phép. Theo quy định của Luật Đo lường và Luật Đầu tư, kiểm định phương tiện đo là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và phải do các tổ chức kiểm định được chỉ định (là các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp) thực hiện (theo Nghị định 105/2016/NĐ-CP và Thông tư số 24/2013/TT-BKHCN).

“Tổng cục đã kiểm tra các hồ sơ công văn liên quan của Viện Đo lường Việt Nam, không có văn bản nào của Viện đề nghị Trung tâm đăng kiểm phải tháo rời thiết bị mang lên Viện để kiểm định. Viện Đo lường Việt Nam sẵn sàng đáp ứng yêu cầu thực hiện kiểm định tại các Trung tâm đăng kiểm”, ông Điệp cho hay.

Về ý kiến “kiểm định chuyên ngành theo Luật đường Bộ”, theo ông Điệp, hiện nay, Luật Giao thông Đường bộ không quy định về kiểm định các phương tiện đo. Các Trung tâm đăng kiểm chỉ phải thực hiện việc kiểm định bắt buộc đối với các phương tiện đo theo quy định của Luật Đo lường.

Ông Điệp lý giải, theo Luật Đo lường và quy định chi tiết tại Thông tư 23/2013/TT-BKHCN, các thiết bị nêu trên là các phương tiện đo nhóm 2 được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực của đời sống, ví dụ như trong lĩnh vực an toàn lao động, bảo vệ môi trường, trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng…, không chỉ chuyên dùng trong lĩnh vực đường bộ. Vì vậy, Luật Đo lường không có quy định về “kiểm định chuyên ngành”.

“Đa số các phương tiện đo nhóm 2 hiện nay được gắn trong hệ thống, dây chuyền, ví dụ: Cân băng tải lắp trên giàn băng tải của nhà máy; công tơ điện lắp trên hệ thống truyền tải, phân phối điện; áp kế lắp trên các thiết bị trong dây truyền sản xuất của nhà máy … và đều được kiểm định theo đúng quy định của pháp luật về đo lường. Dây chuyền tại các Trung tâm đăng kiểm là đơn giản hơn so với dây chuyền sản xuất của cơ sở sản xuất lớn đã chấp hành tốt quy định về kiểm định (như lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn…)”, Vụ trưởng Vụ Đo lường Nguyễn Hùng Điệp cho biết.

Không có sự chồng chéo trong quy định

Đề cập đến những lo ngại về sự “chồng chéo” trong kiểm tra, kiểm định sẽ khiến cho chi phí sẽ bị đẩy lên cao. Đại diện Tổng cục TCĐLCL khẳng định, không có sự chồng chéo trong quy định về kiểm định phương tiện đo. Để tránh việc đội chi phí, các Trung tâm đăng kiểm cần nắm chắc quy định và thực hiện việc kiểm định theo đúng quy định của pháp luật về đo lường.

“Kiểm định phương tiện đo là dịch vụ kỹ thuật được xã hội hóa và thực hiện bởi các đơn vị, doanh nghiệp thông qua hợp đồng kinh tế, không phải là thủ tục hành chính. Do đó, việc lo ngại thủ tục rườm rà hay tạo cơ hội cho các cán bộ tiêu cực với cơ chế xin cho là không cần thiết”, ông Điệp nói.

Về cơ chế kiểm định chuyên ngành, ông Điệp cho rằng, việc đề xuất “kiểm định chuyên ngành” đối với phương tiện đo tại các Trung tâm đăng kiểm hiện nay của các Trung tâm đăng kiểm là không phù hợp.

“Vì thiết bị đo được sử dụng ở nhiều nơi, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau. Ví dụ thiết bị đo nồng độ khí thải được sử dụng trong ngành môi trường, an toàn lao động, giao thông,..; cân sử dụng trong ngành giao thông, trong thương mại, trong y tế, trong thể thao,... Do vậy, đơn vị nào cũng có “kiểm định chuyên ngành” thì dẫn đến chồng chéo, gây khó khăn cho doanh nghiệp, không đúng quy định của pháp luật”, ông Điệp cho biết.

Vụ trưởng Vụ Đo lường cũng khẳng định, Luật Đo lường đã quy định rõ Bộ Khoa học và Công nghệ giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về đo lường trong phạm vi cả nước, do đó các thiết bị nêu trên là các phương tiện đo nhóm 2 đều được kiểm định theo đúng quy định của pháp luật về đo lường.

Tăng cường kiểm định phương tiện đo để bảo vệ người tiêu dùng(VietQ.vn) - Quản lý hoạt động đo lường đóng vai trò quan trọng trong đời sống. Vừa qua, nhiều đơn vị đã tăng cường kiểm định phương tiện đo để bảo vệ người dùng.

Thanh Uyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang