Kinh doanh ‘mù mịt’, cổ phiếu FTM loanh quanh ở đáy suốt một năm

author 10:12 06/02/2020

(VietQ.vn) - CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân (HOSE: FTM) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2019, ghi nhận tình hình hình kinh doanh giảm sút, giá cổ phiếu cũng chưa đến 2.000 đồng/cổ phiếu trong suốt 1 năm qua.

Kinh doanh kém hiệu quả, giá cổ phiếu giảm sàn 30 phiên liên tiếp

Theo BCTC quý IV/2019, doanh thu thuần đạt 189 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm trước, ở mức 327 tỷ đồng; Bên cạnh đó, giá vốn hàng bán cũng giảm 41%, đạt gần 199 tỷ đồng. Như vậy, FTM ghi nhận khoản lỗ gộp hơn 9 tỷ đồng; lỗ ròng hơn 51 tỷ đồng trong quý IV/2019.

FTM giải thích có kết quả giảm mạnh như vậy là do loạt khó khăn đến từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung như các khách hàng từ thị trường chính là Trung Quốc đang trả giá rất thấp, các thị trường mới như Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan đơn hàng nhỏ và hạn chế. Bên cạnh đó, FTM còn phải chịu sự cạnh tranh gay gắt về đơn hàng từ các doanh nghiệp sợi FDI trong nước, doanh nghiệp từ các quốc gia cạnh tranh như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Pakistan.

Lũy kế cả năm 2019, doanh thu thuần của FTM ghi nhận giảm 13% so với năm 2018, đạt gần 1.000 tỷ đồng. Song song đó, FTM cũng ghi nhận khoản lỗ ròng gần 95 tỷ đồng trong năm 2019. Như vậy, FTM chỉ mới thực hiện được 66% kế hoạch tổng doanh thu năm 2019 và thất hẹn với cổ đông về kế hoạch lãi sau thuế khi báo lỗ ròng.

Tổng tài sản tính đến 31/12/2019 đạt gần 1.598 tỷ đồng. Trong đó, tài sản ngắn hạn của FTM ghi nhận đạt gần 909 tỷ đồng và tài sản dài hạn đạt gần 689 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chi phí trả trước dài hạn tăng mạnh 6 lần so với con số ngày 01/10/2019 lên mức 43.3 tỷ đồng.

Về giá cổ phiếu, năm 2019, FTM chứng kiến cuộc lao dốc không phanh khi giảm sàn 30 phiên liên tiếp, bốc hơi 90% giá vốn. Hiện, giá cổ phiếu FTM giao dịch quanh ngưỡng 1.610 đồng/cổ phiếu (phiên 5/2/2020), giảm 89% trong 1 năm qua.

Mối quan hệ 'dây mơ rễ má' nhà họ Lê tại FTM và nỗi lo 'tiền chảy ngược' túi họ Lê của các cổ đông

Trước đó, về việc giá cổ phiếu FTM liên tục giao dịch ở ngưỡng thấp, đã có 11 nhà đầu tư và 1 ngân hàng họp và đưa ra nhận định cổ phiếu này có nhiều dấu hiệu bị thao túng giá bởi cổ đông lớn Lê Mạnh Thường (cựu Chủ tịch HĐQT FTM đã từ nhiệm từ tháng 4/2019).

Nhóm công ty chứng khoán cho biết các cá nhân mở tài khoản và vay margin đều có địa chỉ cư trú tại Thái Bình và liên quan trực tiếp đến ông Lê Mạnh Thường, cụ thể là người thân, bạn bè, nhân viên, người lao động tại FTM. Những người này thừa nhận đều đứng tên hộ tài khoản chứng khoán cho ông Lê Mạnh Thường, khẳng định họ hoàn toàn không biết về các giao dịch đã được thực hiện trên tài khoản mang tên họ.

CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân tiền thân là Công ty TNHH Dệt Đại Cường Thái Bình, thành lập năm 2006, là chủ đầu tư dự án Nhà máy kéo sợi 4.500 tấn/ năm tại KCN Nguyễn Đức Cảnh, tỉnh Thái Bình. Từ mức 50 tỷ đồng ban đầu, vốn điều lệ của doanh nghiệp này tăng nhanh lên 150 tỷ đồng năm 2013 với 80% cổ phần thuộc về Chủ tịch HĐQT Lê Mạnh Thường. Năm 2015, doanh nghiệp đổi tên thành Đức Quân tăng mạnh vốn lên 500 tỷ đồng, trong đó 170 tỷ đồng do CTCP Tập đoàn Đại Cường (cũng do ông Lê Mạnh Thường sở hữu chi phối) góp vốn bằng tài sản.

Ông Lê Mạnh Thường - cựu Chủ tịch HĐQT FTM. 

Đầu năm 2017, Đức Quân niêm yết trên sàn HOSE với mã FTM. Tỷ lệ sở hữu (trực tiếp) của nhóm cổ đông sáng lập Lê Mạnh Thường cũng từ đó giảm dần, tới cuối tháng 6/2019 là 30,7%. Tháng 4/2019, ông Lê Mạnh Thường bất ngờ từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT FTM. Dù vậy ảnh hưởng của doanh nhân họ Lê ở FTM khó lòng có thể nói là giảm đi, bởi con gái ông - bà Lê Thuỳ Anh cũng là cổ đông lớn nhất (21,53%) được bầu vào HĐQT FTM. Đáng lưu ý hơn, một lượng lớn tài sản của FTM qua nhiều cách thức, đang "chảy" ngược lại nhóm ông Lê Mạnh Thường.

Cụ thể, tới cuối tháng 6/2019, FTM đang cho vay ngắn và dài hạn đối với CTCP Tập đoàn Đại Cường 92 tỷ đồng, CTCP BĐS New City 11,8 tỷ đồng. Các khoản vay này đã được gia hạn nhiều lần, đều không có tài sản đảm bảo. Ngoài ra, FTM còn góp vốn 115 tỷ đồng với CTCP Bất động sản Đại Cường để triển khai dự án địa ốc tại 55 Trần Nhật Duyệt, Quận 1, TP.HCM và góp 50 tỷ đồng với CTCP BĐS New City để triển khai dự án phân lô New City Thái Bình, TP.Thái Bình.

Hay kín đáo hơn, FTM có khoản phải thu 28,7 tỷ đồng và trả trước 33,2 tỷ đồng với CTCP Đầu tư 3GR - một thành viên trong Truman Holdings của ông Lê Mạnh Thường. 

Tổng cộng, 330,7 tỷ đồng tài sản của FTM, qua nhiều cách thức đang nằm ở tài khoản của nhóm công ty có liên hệ tới ông Lê Mạnh Thường. Con số này chiếm tới 2/3 vốn điều lệ của FTM. Tính minh bạch trong các thương vụ này cùng khả năng thu hồi các khoản công nợ "khổng lồ" với nhóm ông Lê Mạnh Thường sẽ là dấu hỏi lớn của cổ đông FTM đặt ra cho ban lãnh đạo doanh nghiệp.

Thảo Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang