Lãi suất giảm, doanh nghiệp cân lên đặt xuống

author 07:44 29/03/2013

Ngay sau khi ngân hàng Nhà nước (NHNN) hạ một loạt lãi suất điều hành, lãi suất huy động niêm yết của các ngân hàng đồng loạt giảm khá nhanh và mạnh. Theo tính toán của một số chuyên gia, với mức chi phí vốn mới, mặt bằng lãi suất cho vay có thể giảm xấp xỉ 1%/năm.

Ngày 26.3, tất cả các ngân hàng đã công bố biểu lãi suất huy động mới, mức trần ngắn hạn lùi về 7,5%/năm, theo quy định mới nhất của NHNN, như ngân hàng Vietcombank, MB, Techcombank… Một số ngân hàng có mức giảm nhanh và mạnh hơn như ACB, lãi suất thấp nhất còn 7,1 %/năm, áp dụng cho kỳ hạn bảy tháng, thanh toán lãi hàng tháng. Ngân hàng Eximbank, lãi suất kỳ hạn 10 tháng và 11 tháng chỉ còn 7%/năm cho hình thức lĩnh lãi hàng tháng. Lãi suất kỳ hạn một tháng của Agribank chỉ còn 6%/năm… Lãi suất huy động kỳ hạn dài cũng được các ngân hàng điều chỉnh, cao nhất xoay quanh 10%/năm, trong đó, một số rất ít ngân hàng áp dụng mức 11%/năm với hạn dài, như Bắc Á.

Lãi suất cho vay đang giảm dần, “nhẹ thở” cho doanh nghiệp.

Lãi suất cho vay giảm nhanh hơn?

Trong khi đó, lãi suất cho vay, giảm một cách lặng lẽ hơn, trừ những gói tín dụng vài ba ngàn tỉ nhắm vào một số phân khúc nhất định được các ngân hàng công bố rộng rãi. Theo tính toán của tổng giám đốc Eximbank Trương Văn Phước, với mức giảm trung bình 0,5%/năm của lãi suất huy động, mặt bằng lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng có cơ hội giảm xấp xỉ 1%/năm. Ông Phước phân tích, trước xu hướng đi xuống của mặt bằng lãi suất, các nhà kinh doanh ngân hàng phải tính toán hạ nhanh lãi suất cho vay vốn để giữ thị phần, nhất là trong bối cảnh “người bán nhiều hơn người có khả năng mua” trên thị trường vốn hiện nay. Do vậy, tốc độ giảm lãi suất cho vay sẽ nhanh và mạnh hơn tốc độ giảm lãi suất huy động. Như tại Eximbank, có nhiều khách hàng đang được cho vay mức lãi suất từ 8 – 9%/năm. “Đây là một sự đánh đổi lớn về lợi nhuận của ngân hàng. Trong gần một tháng qua, dư nợ tín dụng của ngân hàng chúng tôi đang được cải thiện hàng chục ngàn tỉ đồng”, ông Phước cho biết.

Ngân hàng ACB cũng vừa tung ra chương ưu đãi lãi suất vay đặc biệt “10 ngày vàng”, lãi suất vay chỉ 10,99%/năm đối với các khoản vay có mục đích sản xuất kinh doanh; 11,99% với những khoản vay tiêu dùng, xây dựng, sửa chữa nhà; đặc biệt khi khách hàng giải ngân khoản vay mới sẽ đồng thời được giảm lãi suất của các khoản vay hiện hữu đang có mức lãi suất cao xuống còn 14,99%/năm…

Phó tổng giám đốc ngân hàng Oceanbank Nguyễn Thị Mai Hương cho biết, sau chính sách ưu tiên giảm lãi suất tín dụng xuống chỉ còn 6,8%/năm (tương đương 0,57%/tháng) cho các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để bổ sung vốn lưu động vào tháng 12.2012, từ đầu tháng 3.2013, ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất cho vay đối với nhóm khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ với mức lãi suất khoảng 1,07%/tháng; nhóm hộ kinh doanh còn 1,125%/tháng; cho vay thu mua, tạm trữ lúa, gạo với còn 0,84%/tháng…

Thị trường của người đi vay

Thành viên HĐQT một ngân hàng tại Hà Nội, cho rằng, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm 4, 5 tháng nay. Việc NHNN hạ các lãi suất chủ chốt cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy nhanh hơn lộ trình giảm lãi suất thị trường. Giá giảm, về cơ bản sẽ góp phần kích thích sức mua, song mức tác động còn hạn chế, do doanh nghiệp cũng phải tính vay để mua gì, bán gì, dự trữ gì khi mà sức cầu vẫn yếu như hiện nay? Ông kể suốt thời gian vừa qua, lãnh đạo ngân hàng phải đến gõ cửa từng doanh nghiệp để chào vay vốn, nhiều trường hợp phải đăng ký nhiều ngày mới được sắp xếp lịch, song đến rồi vẫn phải chầu chực vì lãnh đạo bận việc đột xuất. “Chúng tôi huy động với lãi suất trung bình 7 – 8%/năm, không lẽ mang gửi liên ngân hàng với lãi suất 3 – 4%/năm? Do vậy, có thể khẳng định, cửa ngân hàng đã mở toang, song tới lượt doanh nghiệp cân lên đặt xuống. Cân dự án, cân ngân hàng, cân lãi suất… Thị trường hiện nay là thị trường của người đi vay”, lãnh đạo ngân hàng này nhận xét.

Chủ tịch hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), Cao Sỹ Kiêm, ghi nhận, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong hiệp hội đã được ngân hàng chào vay với lãi suất giảm dần. Tuy nhiên, ngoài những điều kiện về tính hiệu quả của dự án, tài sản thế chấp, nợ xấu..., bản thân doanh nghiệp cũng ngại ngần khi đặt vấn đề vay mượn, trong bối cảnh sức mua vẫn yếu. Theo công bố của tổng cục Thống kê, tính đến ngày 15.3, có tới 15.200 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động. Chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 4,95% trong quý 1, mức tăng thấp nhất trong những năm gần đây. Tỷ lệ giữa giá trị tồn kho với giá trị sản xuất lên tới 70 – 90%... “Hàng không bán được, doanh nghiệp càng vay càng nặng gánh trả nợ”, ông Kiêm nhấn mạnh.

Trong khi đó, một chuyên gia kinh tế cho rằng, phải thúc đẩy nhanh xử lý nợ xấu, bởi có tình huống một số doanh nghiệp đang có nợ xấu, song ngân hàng vẫn phải bơm vốn để doanh nghiệp “sống” mà trả nợ và khoản vốn này thường có lãi suất cao – sẽ cạnh tranh vay vốn với các doanh nghiệp khác, đồng thời là lực cản lộ trình giảm lãi suất thị trường. Phó chủ tịch HĐQT một ngân hàng phía Nam, xác nhận, cũng có trường hợp doanh nghiệp hoạt động khó khăn, có nợ xấu mà ngân hàng vẫn cho vay, song vẫn trên cơ sở phân tích, đánh giá cẩn trọng cơ hội phục hồi của doanh nghiệp. “Tôi tin rằng không có ngân hàng nào liều lĩnh cho vay chỉ vì lãi suất cao, bởi hơn ai hết, các ngân hàng thấm hơn ai hết cái giá của nợ xấu”, ông này khẳng định.

Theo quyết định số 643/QĐ-NHNN của NHNN, từ ngày 26.3, một loạt lãi suất chủ chốt đã giảm 1%/năm: lãi suất tái cấp vốn từ 9%/năm xuống 8%/năm; lãi suất tái chiết khấu xuống 6%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng còn 9%/năm. Còn theo thông tư số 08/2013/TT-NHNN, lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài từ 1 tháng đến dưới 12 tháng giảm từ 8%/năm xuống 7,5%/năm.

Theo Sgtt

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang