Làm báo thời nay: Cuộc chạy đua ở 37 Hùng Vương

author 12:57 18/06/2013

(VietQ.vn) – Hàng trăm phóng viên “nã” bàn phím tanh tách, chỉ để bản tin của mình được đưa lên mạng đầu tiên.

Lời Tòa soạn: Nhân dịp kỷ niệm ngày Báo chí Việt Nam 21/6, Chất lượng Việt Nam giới thiệu loạt bài “Làm báo thời nay”, khắc họa những nét thú vị về những người cầm bút.

Phóng viên của Vnexpress đặt câu hỏi trong phiên Họp báo Chính phủ tháng 5. Ảnh:
Phóng viên của Vnexpress đặt câu hỏi trong phiên Họp báo Chính phủ vừa qua.  Ảnh: Nhật Bắc

Họp vào...giữa trưa chủ nhật

Vì phải dành thời gian cho Quốc hội, nên Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 5 vào ngày chủ nhật cuối tháng. Sau phiên họp đó, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì họp báo.

Lần này, vì thời gian gấp nên buổi họp được tổ chức vào...buổi trưa.

Đói và mệt. Nhưng như thường lệ, chưa bao giờ họp báo Chính phủ thấy ngớt những cánh tay giơ lên, đưa những câu hỏi của người dân đến Bộ trưởng Vũ Đức Đam và các cơ quan công quyền khác.

Rồi sau đó, trong khi các đồng nghiệp ở những cơ quan được bao cấp có thể ung dung về nhà ăn trưa thì nhiều phóng viên của những tờ tự cân đối tài chính phải tác nghiệp ngay tại hội trường, để gửi những thông tin nóng hổi nhất về tòa soạn, cho người dân được đón nhận thông tin mới nhanh nhất.

"Chạy đua" ở 37 Hùng Vương...

Trung tâm báo chí Quốc hội ở 37 Hùng Vương là nơi dành cho các nhà báo tác nghiệp. Ở đó, có màn hình trực tiếp chuyển các diễn biến ở nghị trường cho các nhà báo tường thuật.

Hôm thông báo về kết quả bỏ phiếu tín nhiệm, nhà báo Đào Tuấn (báo Lao Động) nhận xét: “Mới 8 giờ sáng, trung tâm tràn ngập phóng viên, nhưng bỗng dưng lặng phắc. Đã bắt đầu thời khắc quan trọng nhất của không chỉ một kỳ họp, một khóa Quốc hội, mà suốt gần 70 năm của lịch sử Quốc hội, khi kết quả lấy phiếu tín nhiệm bắt đầu được công bố công khai. Đúng 8 giờ 10 phút, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc hắng giọng, sau đó cất lời xin lỗi các vị đại biểu Quốc hội. Không “có biến” gì cả, chỉ là do kết quả lấy phiếu chưa in xong. Ban kiểm phiếu gồm tới 29 vị ở đủ các đoàn. Cả đêm qua, 29 vị trong ban kiểm phiếu có lẽ đã rất vất vả. Dường như sự chính xác phải được đảm bảo tuyệt đối để không xảy ra những câu chuyện khôi hài kiểu VFF. Các phóng viên có thẻ B ngay lập tức vào Hội trường khi các vị đại biểu có vài phút nghỉ giải lao đầu giờ. Tại Trung tâm báo chí, thẻ sự kiện (dùng để vào Hội trường phỏng vấn) trở nên khan hiếm kinh khủng”.

Phóng viên "bao vây" Bộ trưởng Xây dựng để chất vấn về thủy điện Ia Krêl, thuộc xã Ia Dom, huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) bị vỡ,
Phóng viên "bao vây" Bộ trưởng Xây dựng để chất vấn về thủy điện Ia Krêl, thuộc xã Ia Dom, huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) bị vỡ. Ảnh: Linh Đan

Hàng trăm phóng viên nhưng chỉ có vài chục thẻ ra vào chốn “cung đình”, nên có lúc phải “giành giật” mới được một “vé”. Mà cũng phải tranh thủ 15 phút nghỉ giữa giờ, phóng viên phải phi xe từ 37 Hùng Vương đến Hội trường Bộ Quốc Phòng trên phố Nguyễn Tri Phương để phỏng vấn các đại biểu về những vấn đề thời sự nóng nhất.

Nhiều báo còn mở chuyên mục “Nhật ký nghị trường”, “Quan sát nghị trường”...giống như chuyên mục “Bên lề sân cỏ” trong các kỳ World Cup”, để kéo những vấn đề vĩ mô tới gần người dân hơn.

...và "chạy đua" ở mọi nơi

Hồi Hà Nội “giải cứu cụ Rùa” năm 2011, hàng chục phóng viên đã được ưu tiên tác nghiệp trong khu vực nằm sát nơi linh vật này được lai dắt. Nhưng để có những bức hình độc đáo, nhiều người còn trèo lên cây, đứng trên nhà vệ sinh, “cưỡi” lên ô tô... để ghi hình sắc nét.

Tác nghiệp đưa tin cụ Rùa. Ảnh: Minh Đức
Tác nghiệp đưa tin cụ Rùa. Ảnh: Minh Đức

Có phóng viên một tờ báo điện tử, do không mang USB kết nối internet, nên cứ mỗi lần chụp được ảnh lại phải “chui ra” khỏi hàng rào người, rồi trèo tường qua hàng rào báo Nhân Dân nằm cạnh đó, để tới tiệm internet, vội vã gửi thông tin về tòa soạn. Do vận động nhiều quá, chiếc quần anh bị rách tơi tả, nhưng vẫn thấy vui vì báo của mình đã đăng thông tin nhanh nhất, trước những cơ quan truyền thông với bao đồ nghề và nhân lực “hoàng tráng”.

Đợt thi tốt nghiệp vừa rồi, do phải tập trung vào nhiều đề tài khác, Chất lượng Việt Nam chỉ cử một...cộng tác viên tác nghiệp.

Bạn trẻ mới tốt nghiệp Học viện Báo chí đó đã túc trực bên ngoài THPT Cầu Giấy từ sáng sớm thi môn Văn. Và khi các thí sinh thi xong, cô gái đó nhanh nhẹn tới mượn đề thi và “a lô” về cho tòa soạn.

Thế là, câu hỏi mở của đề thi Văn tốt nghiệp đã được Chất lượng Việt Nam là một trong những cơ quan báo chí đăng tin sớm nhất, giúp bạn đọc trên toàn thế giới nhanh chóng nhận ra những nỗi lực trong cải cách của ngành Giáo dục.

Nhiều đồng nghiệp chúng tôi ở báo Tiền Phong còn thường xuyên về nhà - gõ cửa gọi vợ lúc...2 giờ sáng. Không phải vì nhậu nhẹt mà vì phải chờ các thông tin muộn nhất nhưng nóng nhất trong ngày, để biên tập và đưa đi in, sao cho ngày mai, bạn đọc có thể đọc những dòng thời sự đặc sắc nhất.

Hồi động đất ở TPHCM vào ban đêm, một lãnh đạo tờ báo của Đoàn Thanh Niên phải dạy lúc 3 giờ sáng, biên tập tin bài trên taxi từ nhà tới cơ quan, để có thể cập nhật sự kiện này trên số báo in sáng hôm sau.

Làm xong điều đó, anh thỏa mãn ngủ thiếp đi vì nghĩ, báo mình sẽ độc quyền vì tin động đất này, bởi báo bạn sẽ khó có thể nhiệt tình tác nghiệp như vậy. Nhưng sự thật là sáng ra, vẫn có báo khác đăng tin về sự kiện này.

Thế mới biết, "cuộc chiến" thông tin cũng ác liệt không kém các cuộc chiến khác. Chỉ có điều, độc giả là những người được thỏa mãn - hưởng lợi nhiều nhất từ những nỗ lực không ngừng của những người cầm bút.

My Lăng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang