Lập lờ khái niệm nhận chìm, có thể xử lý hình sự?

author 11:35 26/07/2017

(VietQ.vn) - TS Nguyễn Tác An cho rằng khái niệm nhận chìm là lập lờ, che mắt dư luận và việc cho khảo sát, đánh giá và nghiên cứu thêm về vùng biển cho nhận chìm là điều rất cần thiết.

Khái niệm ‘nhận chìm’ lập lờ, che mắt dư luận

Liên quan đến việc nhận chìm bùn thải xuống biển Bình Thuận, TS Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, cho rằng, khái niệm nhận chìm là lập lờ, che mắt dư luận. Việc cho khảo sát, đánh giá và nghiên cứu thêm về vùng biển cho nhận chìm là điều rất cần thiết và cần được xem xét một cách thận trọng.

TS Nguyễn Tác An nhận định, nếu làm đúng các quy trình, dự án kiểu như thế này được xem xét rất kỹ vì nó tác động lớn đến môi trường. Tuy nhiên, trong dự án này, có sự gian lận với việc một nhà khoa học bị mạo danh đưa tên vào dự án.

Vị tiến sĩ trên cũng kiến nghị Bộ TN-MT dừng thực hiện dự án này vì nó được lập một cách gian dối. Đồng thời, yêu cầu Bộ TN-MT trước mắt phải làm rõ tất cả biểu hiện bất minh để thông tin cho dư luận.

“Khi mời một nhà khoa học tham gia dự án, đơn vị đó phải thỏa thuận, có văn bản cam kết của nhà khoa học. Trước khi thẩm định nội dung dự án, cơ quan thẩm định, cấp phép phải kiểm tra hồ sơ hành chính của dự án, trong đó bắt buộc phải có văn bản cam kết của những người tham gia để phòng, chống việc giả mạo, tránh việc không làm nhưng ghi tên vào”, TS Nguyễn Tác An cho biết thêm.

Nhiều ngư dân tại địa phương - những người có quyền lợi trực tiếp đối với môi trường biển, cũng bày tỏ sự ngỡ ngàng về việc phê duyệt cho phép nhận chìm bùn thải khi hồ sơ dự án có phần làm thiếu trách nhiệm, mạo danh.

Nhận chìm bùn thải là coi thường pháp luật, có thể xử lý hình sự

Trao đổi với báo chí về dự án nhận chìm bùn thải xuống biển đang gây bức xúc trong dư luận, ĐBQH Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, trước khi nhận chìm cả triệu m3 bùn thải, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 phải có kiểm ngiệm, hội đồng khoa học phải xem chất bùn thải đó độc hại, nguy hại ra sao, đồng thời tác động đến môi trường biển, hệ sinh thái như thế nào.

Trên cơ sở đó mới đề xuất đến các cơ quan quản lý như bộ Tài nguyên Môi trường, các bộ có liên quan xem xét và quyết định có được phép nhận chìm xuống biển hay không. Việc xả thải ra môi trường đòi hỏi quy trình nghiêm ngặt vì liên quan đến sức khỏe người dân, môi trường biển và hệ sinh thái. Vậy mà Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 tự ý thải với khối lượng lớn cả triệu m3 là không thể chấp nhận.

Khu vực biển xung quanh Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 có thể bị ô nhiễm nghiêm trọng nếu dự án nhận chìm được thực hiện. 

Hơn nữa, dù chất bùn thải đó không nguy hại đi chăng nữa thì hội đồng khoa học tham gia đánh giá dự án và Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 cũng phải công bố thông tin, trả lời trước công luận có xả thải được hay không và đưa ra được bằng chứng thuyết phục dư luận. Còn trường hợp chất bùn thải đó nguy hại không thể xả thải ra môi trường được thì phải xử lý dù tốn kém kinh tế thế nào đi nữa, bởi không thể đánh đối môi trường lấy lợi ích kinh tế.

Đại biểu Phạm Văn Hòa đánh giá: “Khối lượng gần một triệu m3 là rất lớn. Nếu chất bùn đó không đảm bảo sẽ gây ra hệ lụy vô cùng lớn cho môi trường biển và những nguy hại gây ra cho sức khỏe của con người là khó có thể đong đếm được.

Có thể nói việc nhận chìm bùn thải xuống biển là coi thường pháp luật. Bởi chất bùn thải đó đã được đánh giá như thế nào mà anh đã xả thải trực tiếp ra môi trường? Việc làm vô trách nhiệm, phi pháp này cần phải xử lý thật nghiêm để trách kịch bản lặp lại”.

Đối với việc một số nhà khoa học bị mạo danh có tên trong danh sách dự án, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị: “ Việc nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 tự tiện, mạo danh các nhà khoa học dù họ không tham gia vào dự án đánh giá tác động môi trường là có vấn đề nhập nhèm, mập mờ trong việc nhận chìm gần 1 triệu m3 chất bùn thải.

Phải chăng Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 mạo danh nhằm hợp thức hóa việc xả thải khối lượng bùn khổng lồ xuống biển? Bởi vậy, các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ mục đích, động cơ việc mạo danh là cần thiết. Nếu có dấu hiệu hình sự cần phải truy tố để tránh tiền lệ.

Có thể nói việc mạo danh, nhận chìm đó là phi pháp, cần phải xử lý thật nghiêm, không thể coi thường tính mạng, sức khỏe của người dân, môi trường như vậy. Chúng ta đã phải trả giá quá đắt như vụ Formosa gây ra hệ lụy cho 4 tỉnh miền Trung”.

Chiều 25/7, UBND tỉnh Bình Thuận đã tổ chức buổi họp báo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2017 và những vấn đề mà báo quan tâm, nhất là dự án cấp phép nhận chìm gần 1 triệu m³ vật chất xuống vùng biển địa phương.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, sau khi có thông tin 3 nhà khoa học bị mạo danh trong dự án nhận chìm, tỉnh Bình Thuận đã có báo cáo gửi Bộ TN-MT.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bình Thuận cũng vừa có thông tin, Trung tâm Nghiên cứu pháp luật và Chính sách phát triển bền vững đã gửi đơn yêu cầu Bộ TN-MT rút giấy phép đã cấp cho Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 về việc cho phép nhận chìm 1 triệu m³ vật chất xuống biển Bình Thuận, nếu không sẽ khởi kiện ra tòa.

Phong Lâm (T/h)

Nếu phải nhận chìm bùn thải xuống biển, độ sâu nào là hợp lý?(VietQ.vn) - Theo TS Huân, Trưởng phòng Sinh thái học (Viện Hải dương học) nếu nhận chìm bùn thải cần phải chọn các vùng biển xa bờ, nơi có độ sâu hàng trăm mét.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang