Lean Six Sigma - LSS là gì?

author 07:26 07/07/2014

(VietQ.vn) - Nhiều doanh nghiệp đến nay vẫn chưa hiểu thế nào là phương thức sản xuất tinh gọn Lean trong khi đó, phương pháp này góp phần rất lớn cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Doanh nghiệp tiếp cận với phương thức sản xuất tinh gọn

Phương thức sản xuất tinh gọn góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Ảnh minh họa

Lean là phương pháp sản xuất tinh gọn, do Hãng Toyota Nhật Bản khởi xướng áp dụng với tên gọi TPS - Toyota Production System từ những năm 60.

Áp dụng Lean nhằm loại bỏ lãng phí và bất hợp lý trong quá trình sản xuất, cung cấp dịch vụ, hướng mọi hoạt động của tổ chức theo hướng “tinh gọn” – không có lãng phí, rút ngắn thời gian cung cấp sản phẩm/dịch vụ tới khách hàng.

Phương pháp này đã giúp Toyota và các hãng, công ty của Nhật Bản tạo ra lợi thế cạnh tranh vượt trội trên thị trường toàn cầu với chất lượng ổn định, chi phí hợp lý và thời gian giao hàng đúng hạn.

Six Sigma (6 Sigma): là phương pháp quản lý được Motorola khởi xướng từ những năm 80. Six Sigma tập trung vào việc thực hiện một cách phù hợp và hiệu quả nhất các kỹ thuật và các nguyên tắc quản lý chất lượng đã được thừa nhận.

Từ các yếu tố có ảnh hưởng đến kết quả công việc, Six Sigma tập trung vào việc làm thế nào để thực hiện công việc mà không (hay gần như không) có sai lỗi hay khuyết tật. Chữ Sigma theo ký tự Hy Lạp đã được dùng trong kỹ thuật thống kê để đánh giá sự sai lệch của quá trình. Hiệu quả hoạt động của một công ty cũng được đo bằng mức sigma mà công ty đó đạt được khi thực hiện các quá trình sản suất kinh doanh.

Doanh nghiệp tiếp cận với phương thức sản xuất tinh gọn

Doanh nghiệp đang tiến sát tới phương thức sản xuất tinh gọn. Ảnh minh họa

Thông thường các công ty thường đặt ra mức 3 hoặc mức 4 sigma tương ứng với xác xuất sai lỗi từ 66.807 tới 6.210 trên một triệu cơ hội. Nếu đạt tới 6 Sigma, con số này sẽ còn là 3,4 lỗi trên một triệu cơ hội. Six Sigma đã thực sự trở thành một trào lưu và được các công ty đón nhận rộng rãi, nhiều công ty hàng đầu trong các ngành khác nhau từ dịch vụ tài chính đến chuyển giao công nghệ cao đã áp dụng thành công Six Sigma như: Asea Brown Boveri, Black và Decker, Bombardier, Dupont, Dow Chemical, Federal Express, Johnson & Johnson…

Còn Lean Six Sigma (LSS) là mô hình quản lý kết hợp có chọn lọc giữa Sản xuất tinh gọn (Lean Manufacturing) và Six Sigma ra đời vào những năm 90. Nó được xem là một xu thế mới trong việc lựa chọn các phương pháp và công cụ cải tiến một cách hữu hiệu nhằm phát huy tốt nhất khả năng nội tại của tổ chức để đồng thời đáp ứng cả ba yêu cầu quan trọng đối với khách hàng: giá cạnh tranh, chất lượng tốt và thời gian giao hàng đúng hạn.

Mô hình LSS đã được áp dụng thành công tại các tập đoàn đa quốc gia như: GE, Xerox, Boeing, Samsung, LG,.. Có thể nói LSS là một phương pháp linh hoạt và toàn diện để đạt được và duy trì sự thành công bền vững trong kinh doanh.

 

 

Bảo Ngọc

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang