'Nhiều mẹ vứt bỏ con vì xã hội khắt khe với không chồng mà chửa'

author 07:04 24/03/2016

(VietQ.vn) - Các vụ thương tâm vứt bỏ con khiến dư luận rất phẫn nộ, nhiều người thắc mắc liệu với hành động nhẫn tâm này, người cha, mẹ có phải chịu trách nhiệm?

Trong những ngày gần đây những vụ việc mẹ vứt bỏ con trong túi rác, ven đường liên tiếp xảy ra. Khi phát hiện ra, đứa trẻ trong tình trạng kiến bâu, sâu bọ bám kín gây thương tích không hề nhẹ. Mặc dù cũng có trường hợp tìm thấy người mẹ của đứa bé nhưng việc làm 'nhẫn tâm' của các người mẹ trẻ này vẫn thể hiện sự thiếu trách nhiệm trước hết đối với bản thân, sau đó là gia đình và xã hội.

Những câu chuyện thương tâm vứt bỏ con khiến dư luận hết sức phẫn nộ. Vì vậy, có nhiều người đặt ra câu hỏi, liệu với hành động nhẫn tâm như thế này thì những người cha người mẹ có phải chịu trách nhiệm không? Để rõ hơn về vấn đề pháp lý chúng tôi đã có buổi trao đổi với luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng văn phòng luật sư Interla (Đoàn luật sư TP Hà Nội).

me-bo-con

Cháu bé được người dân Đồng Nai phát hiện trong tình trạng bị kiến bâu trong túi nilon

Theo luật sư, người mẹ vứt bỏ con mình bị thương tích (hoặc chết) sẽ phạm tội gì?

Sinh mạng của mỗi con người - không phân biệt là ai, dù lớn hay nhỏ, là qúy nhất, được pháp luật thừa nhận và bảo vệ, bất cứ ai cũng không ai có quyền xâm hại. Chính vì vậy, cho dù có thể viện ra bất cứ lý do nào, tình huống nào … cũng không ai chấp nhận hành vi mẹ bỏ rơi con như vậy. Hơn nữa, trẻ em còn là đối tượng quan tâm chăm sóc và được bảo vệ đặc biệt. Chính vì vậy, dù là trong bất kỳ hoàn cảnh nào, theo tôi vẫn cần phải xem xét trách nhiệm hình sự của những người cha, người mẹ đã nhẫn tâm vứt bỏ giọt máu của mình, dẫn đến hậu quả là con đẻ của mình chết, hoặc may mắn hơn là được sống nhưng cũng phải chịu không ít tổn thương về cả tâm lý lẫn thể chất.

Trong trường hợp trên, tùy vào tính chất, mức độ của hành vi, người thực hiện hành vi có thể phải chịu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử phạt hành chính.

Nếu hành vi vứt bỏ con dẫn tới hậu quả là đứa trẻ chết thì người mẹ có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Giết con mới đẻ (Theo điều 94 BLHS) hoặc tội Giết người (Theo điều 93 BLHS).

Về tội Giết con mới đẻ theo quy định tại Điều 94 Bộ luật hình sự thì: “Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con mới đẻ hoặc vứt bỏ đứa trẻ đó dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.

Con mới đẻ là trường hợp đứa trẻ do chính người phụ nữ đó sinh ra và mới được sinh trong vòng 7 ngày tuổi, nếu ngoài 7 ngày tuổi thì không được coi là con mới đẻ.

Có người phụ nữ giết con mới đẻ do ảnh hưởng của tư tưởng lạc hậu như tin vào bói toán, thần thánh cho là “phải giết con thì mới không bị con ma quấy phá”, sợ dư luận, sợ chồng, người yêu ruồng bỏ do quan hệ ngoại tình hoặc đứa trẻ sinh ra bị dị tật,…

Hoặc người phụ nữ có hoàn cảnh khách quan đặc biệt như đẻ con ra trong tình trạng một thân một mình, không đủ tiền nuôi sống chính mình, đang bị bệnh tật,… Hậu quả xảy ra đứa trẻ chết là dấu hiệu bắt buộc. Để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này, cần xác đinh mối quan hệ nhân quả giữa hành vi của người mẹ và hậu quả đứa trẻ chết. Nếu người mẹ vứt bỏ đứa trẻ nhưng được người khác phát hiện kịp thời nên đứa trẻ không chết thì người mẹ không phạm tội này.

Như vậy, nếu thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu trên (bé dưới 7 ngày tuổi, do ảnh hưởng của tư tưởng lạc hậu hoặc hoàn cảnh đặc biệt và hậu quả) thì người mẹ sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.

Còn nếu đứa trẻ trên 7 ngày tuổi thì người mẹ có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người” theo quy định tại Điều 93 BLHS. Xét về mặt chủ quan của tội phạm, tội giết người được thực hiện do lỗi cố ý. Khi người mẹ vứt bỏ con mình, cho vào túi ni lông và để vào thùng rác hoặc để ven đường thì họ hoàn toàn có thể nhận thức được hành vi này sẽ dẫn đến hậu quả là đứa trẻ có thể bị chết nhưng vẫn để cho hậu quả xảy ra.

Trong trường hợp từ hành vi vứt bỏ con với lỗi cố ý dẫn đến đứa trẻ bị thương tích thì tùy vào tính chất và mức độ của hành vi vi phạm thì người thực hiện hành vi có thể bị truy tố về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 104 Bộ luật hình sự.

Nếu hành vi chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, người thực hiện hành vi có thể bị xử phạt hành chính từ 10 đến 15 triệu đồng theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Nghị định 144/2013/ND-CP ngày 29/10/2013 “Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Bỏ hoặc không chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi sinh;…”

Luật sư Trương Quốc Hòe

Dù sự việc gây nhiều phẫn nộ, bức xúc nhưng hiếm ai nghĩ đến việc truy tố cha mẹ vứt bỏ, 'giết' con đẻ của mình?! Theo ông lí do ở đây là gì? Phải chăng việc xác minh tội phạm quá khó khăn?

Từ lâu, pháp luật đã có quy định về việc xử phạt với hành vi vứt bỏ con, cả về hình sự lẫn xử phạt hành chính. Tuy nhiên thực tế hiện nay có thể thấy, việc xử lý những vụ việc trẻ bị vứt bỏ như trường hợp nêu trên đều mới chỉ dừng ở mức độ… nghe qua cho biết ! Lý do ở đây một phần là do việc xác minh thủ phạm rất khó khăn. Tuy vậy, lý do chính vẫn là do tâm lý xã hội. Hình như ít ai biết rằng người mẹ vứt con chính là đã phạm tội. Và hình như cũng chưa có ai nghĩ đến việc phải truy tố những người vứt bỏ con. Và có lẽ do vậy, thực tế cũng chưa có bậc cha mẹ nào bị truy tố, xét xử về tội giết con mới đẻ. Cho dù trong nhiều trường hợp, việc xác định thủ phạm không có gì là khó, thậm chí còn biết đích danh là người nào, ở đâu ...

Xét về luật pháp, theo ông nên làm gì để vấn đề này có tính răn đe, giáo dục hơn? Và xét về mặt con người, ông có lời khuyên nào đối với những phụ nữ muốn bỏ rơi con đẻ của mình?

Có thể thấy, hầu hết những bà mẹ vứt bỏ con khi đứa trẻ mới sinh ra đều là những người trong độ tuổi rất trẻ, không nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt. Họ chỉ nghĩ rất đơn giản là mình không muốn, không thể nuôi đứa trẻ và bỏ con đi. Tâm lý này xuất phát từ việc thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức về pháp luật, cộng thêm với lối sống lệch lạc, buông thả, hèn nhát, không dám chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

Thêm nữa là họ đang phải chịu áp lực từ nhiều phía, xã hội đang quá “khắt khe” với những trường hợp “không chồng mà chửa” nên đã dẫn tới việc người mẹ không thể vượt qua áp lực từ phía gia đình, xã hội mà nghĩ quẩn, vứt bỏ đứa con của mình.

Xuất phát từ nguyên nhân này, để giảm thiểu những trường hợp đau lòng như trên, theo tôi trước hết cần phải tuyên truyền phổ biến rộng rãi các quy định của pháp luật liên quan để mọi người nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt. Quan trọng hơn nữa là cần phải giáo dục giới tính, hạn chế lối sống lệch lạc, các tệ nạn trong xã hội đối với trẻ vị thành niên, thanh niên. Bên cạnh đó, mỗi người phụ nữ cần phải trang bị cho mình về những kiến thức, kỹ năng cần thiết về sinh sản, giới tính và các biện pháp phòng, tránh “hậu quả” xảy ra.

Xét về mặt pháp luật, chính sự thiếu nghiêm minh trong việc xử lý, dẫn tới việc nhiều người thản nhiên vứt bỏ đứa con chính mình sinh ra. Theo tôi, cần phải có những chế tài nghiêm khắc hơn đối với hành vi vứt bỏ con, cần phải “xử nghiêm”, “xử thật” đối với những người thực hiện hành vi.

Tôi cho rằng việc bỏ qua trách nhiệm hình sự đối với người vứt bỏ con là không công bằng, chưa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đứa trẻ, chưa có tính răn đe, giáo dục. Và hơn hết là đã… bỏ lọt tội phạm. Tại sao khi ai đó làm ảnh hưởng đến tính mạng của người khác - dù là vô ý hoặc do cẩu thả, tắc trách thì vẫn bị truy tố hình sự mà hành vi vứt bỏ đứa trẻ không có chút khả năng tự vệ, không có chút khả năng tự sống một cách cố ý thì lại được bỏ qua, thoát tội. Đã là pháp luật thì cần phải được tôn trọng, thực thi. Nếu những quy định của pháp luật không hợp lý thì cũng cần phải bãi bỏ, không thể để xảy ra tình trạng có cũng như không như hiện nay.

Xin cảm ơn những chia sẻ của luật sư!

Tâm Thanh

 


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang