Lý do khiến Thái Lan trở thành thủ phủ ô tô Châu Á?

author 09:46 21/09/2019

(VietQ.vn) - Không chỉ giá rẻ, chính sách hỗ trợ mua xe hơi thoáng, chính phủ Thái Lan đã rất chú trọng bảo vệ thị trường nội địa, và nhờ đó đã đưa nước này trở thành thủ phủ xe hơi châu Á.

Thông tin trên Tuổi trẻ, ông Banja Junhasavasdikul - Chủ tịch điều hành Innovation Group, chuyên cung cấp các sản phẩm linh kiện cao su và polymer cho ngành công nghiệp xe hơi hàng đầu Thái Lan - cho biết ngành công nghiệp hỗ trợ cho xe hơi của Thái Lan được hình thành đầu tiên từ thị trường nội địa.

Nói cách khác, nhờ bảo vệ thị trường này, xe hơi Thái Lan mới có thể đi xa như hiện nay.

Từ những năm 1990, khi chính phủ Thái bắt tay xây dựng ngành CNHT với một loạt chính sách. Việc đầu tiên là họ tăng thuế mạnh với xe nhập khẩu cũng như đầu tư mạnh cơ sở hạ tầng, đường xá.

Những tuyến đường trên cao với nhiều làn được hình thành nhằm giảm tắc đường, sẵn sàng cho các làn xe hơi số lượng lớn chạy trên đường.

Các siêu thị, chung cư khi lên kế hoạch xây dựng đều phải thiết kế có garage đậu xe; cây xăng muốn mở phải đủ rộng (bao gồm shop tiện lợi + toilet) để xe vào đổ xăng có thể dừng nghỉ ngơi...

Chính sách này nhằm đảm bảo những chiếc xe sản xuất tại Thái Lan được người Thái ưu tiên sử dụng và có nơi để chạy được.

Trong ngành sản xuất, cơ quan quản lý công nghiệp của quốc gia này còn tính thuế trên % linh kiện, phụ tùng nội địa hoá của chiếc xe ôtô.

Những bộ phận mà các nhà máy lắp ráp nhập khẩu tất nhiên vì thế thuế suất sẽ bị đánh cao. Chính nhờ chính sách này mà các nhà sản xuất xe hơi ở Thái luôn tìm cách nâng tỉ lệ nội địa hóa các xe lắp ráp, hòng cắt giảm chi phí sản xuất xe hơi.

Đây là nền tảng để đưa Thái Lan trở thành "Detroit của châu Á" ngày nay. Thậm chí ngày nay, khi người Thái đang đau đầu với nạn kẹt xe kinh doanh, chính sách khuyến khích người dân mua xe hơi, đổi xe hơi vẫn được chính phủ nước này duy trì.

"Chính phủ cho rằng tạo được thị trường nội địa thì các hãng xe mới có thể tồn tại được. Một khi tìm được đầu ra tiêu thụ sẽ kích thích nhu cầu sản xuất, kéo theo các ngành công nghiệp hỗ trợ khác phát triển. Bằng chứng là chỉ có khoảng 20% các linh kiện phụ tùng sản xuất của các nhà máy trong ngành công nghiệp hỗ trợ xe hơi dùng để xuất khẩu, 80% còn lại là phục vụ các nhà máy sản xuất xe hơi trong nước", ông Banja Junhasavasdikul nói.

Vị chuyên gia này cho rằng các nhà sản xuất chuỗi công nghiệp hỗ trợ của Thái Lan đều cho biết họ đang hướng đến thị trường Việt Nam như một điểm mới rất hấp dẫn các nhà sản xuất xe hơi trên thế giới.

Với sự tăng trưởng phát triển kinh tế vượt bậc trong những năm gần đây, nhu cầu mua xe hơi của Việt Nam rất cao, lượng tiêu thụ xe tăng nhanh chóng. Những hãng xe hơi lớn, xịn nhất trên thế giới đều hiện diện ở thị trường này.

"Để phát triển công nghiệp hỗ trợ, trước tiên phải có thị trường nội địa. Không thể sản xuất rồi kỳ vọng xuất khẩu tất cả. Việt Nam đang có sức mua nhưng các chính sách thuế lại không ủng hộ người dân sở hữu xe hơi. Trong khi, hạ tầng vẫn là bài toán của Việt Nam", ông Banja Junhasavasdikul phân tích.

Lý do khiến Thái Lan trở thành thủ phủ ô tô Châu Á?

Thái Lan đã trở thành thủ phủ ô tô Châu Á.

Báo Vietnamnet dẫn thông tin từ Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan, năm 2019, dự báo ngành công nghiệp ô tô Thái Lan sẽ đạt sản lượng 2,15 triệu xe. Trong đó 1,05 triệu xe được bán tại thị trường nội địa, số còn lại xuất khẩu. Tuy nhiên, xuất khẩu ô tô từ Thái Lan sang châu Âu đang gặp khó khăn phải tạm dừng, vì vậy, sẽ tập trung vào thị trường châu Á.

Thái Lan dự kiến sẽ nâng sản lượng ô tô lên 2,5 triệu xe vào năm 2020, trong đó xuất khẩu chiếm hơn 50%. Các thị trường ô tô lớn nhiều tiềm năng rất được quan tâm chú ý.

Việt Nam có thị trường ô tô tiềm năng tại khu vực Đông Nam Á, dự kiến sẽ đạt quy mô 1 triệu xe/năm sau năm 2025, không những thế lại rất gần Thái Lan về địa lý cùng hàng rào thuế quan đã được dỡ bỏ, do đó luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt.

Các DN ô tô cho rằng, trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế, đặc biệt là thuế suất nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN giảm về 0%, đã tạo ra cạnh tranh gay gắt. Trong đó, đối thủ Thái Lan là “nặng ký” nhất. Thái Lan với nền công nghiệp ô tô đã phát triển, được mệnh danh là Detroit tại châu Á, có quy mô lớn, tỷ lệ nội địa hóa cao, chất lượng đạt tiêu chuẩn toàn cầu, có thể xuất khẩu đi Mỹ, EU, Úc,... hơn hẳn xe sản xuất tại Indonesia. Với sản lượng lớn và lợi thế cạnh tranh về giá, ô tô Thái Lan sẽ khiến các DN ô tô của Việt Nam gặp nhiều khó khăn, thậm chí là rủi ro.

Theo ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Công ty TC Motor, chỉ cần Thái Lan “bật đèn xanh”, các DN ô tô sẵn sàng đại hạ giá sản phẩm xuất khẩu sang Việt Nam trong một thời gian thì DN ô tô Việt Nam khó trụ nổi. Khi đó, thị trường sẽ thuộc về Thái Lan và tiếp theo là bị thao túng. Đây là điều các DN ô tô Việt Nam lo ngại nhất và không mong điều này thành hiện thực.

Dù đã lường trước tác động xe nhập khẩu đổ bộ vào Việt Nam, ông Lê Ngọc Đức vẫn tỏ ra quan ngại. Qua 8 tháng đầu năm, DN vẫn cầm cự được, duy trì đều sản lượng cho các dòng xe, nhưng nếu tình hình này kéo dài thì sẽ yếu dần, ông Đức lo ngại.

Hoàng Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang