Máy bay 'bóng ma' Mỹ vừa điều tới Thái Bình Dương có uy lực như thế nào?

author 16:16 31/10/2017

(VietQ.vn) - Khả năng tàng hình tuyệt đỉnh cùng vũ khí có uy lực đáng sợ, những chiếc máy bay B-2 mang biệt danh "bóng ma" có thể xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ.

Sự kiện: Vũ khí quân sự nổi tiếng thế giới

Mới đây, quân đội Mỹ cho biết họ đã điều một máy bay ném bom tàng hình B-2 từ căn cứ không quân Whiteman ở bang Missouri (Mỹ) tới các khu vực hoạt động ở Thái Bình Dương, trong một sứ mệnh có tầm bay rộng.

Trong một tuyên bố, Bộ Chỉ huy chiến lược của quân đội Mỹ (STRATCOM) cho biết sứ mệnh nói trên được triển khai nhằm “giúp phi hành đoàn hiểu biết đầy đủ về các căn cứ không quân và hoạt động ở những sở chỉ huy chiến đấu khác nhau về mặt địa lý, giúp họ có khả năng duy trì sự sẵn sàng và thành thạo ở mức cao”.

Máy bay B-2 được phát triển bởi công ty Northrop Grumman của Mỹ. Dự án phát triển B-2 bắt đầu vào những năm 80 của thế kỷ trước. Đây là một trong những dự án được bảo mật nhất của quân đội Mỹ. B-2 là loại máy bay ném bom chiến lược đầu tiên trên thế giới được áp dụng công nghệ tàng hình hiên đại không thua kém gì các loại máy bay chiến đấu và tiêm kích

Với sự kết hợp giữa công nghệ hàng không và hệ thống thiết kế tiên tiến, B-2 là phi cơ hiện đại nhất thế giới. Với hình dáng cánh máy bay có một không hai, loại máy bay ném bom tàng hình này có thể thả cả vũ khí hạt nhân và thông thường. Khả năng tàng hình của B-2 có được nhờ sự kết hợp nhiều công nghệ về thiết kế kiểu dáng, vật liệu. Theo đó, nó có kiểu dáng như một con dơi khổng lồ, không có cánh đuôi, cánh chính được kéo dài kỳ lạ. Cách thiết kế này giúp máy bay đánh trượt sóng radar đi hướng khác, hoặc hấp thụ, giảm được sóng phản xạ, làm hình ảnh trên màn hiện sóng radar bị yếu (hoặc không có).

Khi hoạt động với vũ khí thông thường, B-2 cần ít sự hỗ trợ hơn nhiều so với các máy bay ném bom khác, chẳng hạn như số phi công ít hơn. Phi cơ này có thể tấn công các mục tiêu trên khắp thế giới từ căn cứ ở Mỹ. Số đích bắn mà B-2 có thể tấn công trong mỗi lần bay nhiều gấp 8 lần so với máy bay chiến đấu F-117.

Máy bay B-2 của Mỹ

Sự phổ biến hệ thống phòng không hiện đại do radar hướng dẫn trên khắp thế giới làm máy bay không tàng hình ngày càng gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, đặc điểm khó nhận dạng giúp B-2 đánh bại những hệ thống đó, tấn công toàn bộ các mục tiêu và trở lại căn cứ an toàn.

Khung thân kết cấu và khoang động cơ B-2 dùng hợp kim titan, còn lại đều do vật liệu phức hợp ghép nối với nhau, do ép ở áp suất cao nên không cần dùng đinh tán. Do vậy máy bay không dễ phản xạ tín hiệu radar. B-2 sử dụng vật liệu phức hợp đá đen và sợi than có trọng lượng nhẹ, cường độ chịu lực lớn, phản xạ sóng radar cực nhỏ. Trên bề mặt vật liệu có dạng tổ ong liti hấp thụ sóng radar

Mép trước cánh máy bay B-2 được phủ lớp sơn hấp thụ sóng radar và thiết kế có lỗ rỗng kiểu tổ ong không thành qui tắc. Vì vậy, sóng radar khi chiếu vào khó phản xạ lại

Động cơ của B-2 lắp bộ trộn dòng khí, lấy không khí lạnh dẫn vào buồng đốt động cơ và tua bin, làm hạ thấp nhiệt độ mặt ngoài. Loa phụt động cơ nằm sâu trong thân máy bay, qua đó giảm đáng kể tín hiệu hồng ngoại. Biện pháp này nhằm đối phó với khí tài hồng ngoại của đối phương có thể sử dụng để phát hiện máy bay qua tín hiệu nhiệt động cơ

B-2 trang bị 4 động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy F118-GE-100 cho phép đạt tốc độ 1.010 km/h, tầm bay 10.400km, trần bay 15.000m và được trang bị những công nghệ điện tử hàng không tiến tiến gồm: hệ thống radar mạng pha điện tử bị động AN/APQ-81 cung cấp chế độ ngắm mục tiêu, hỗ trợ B-2 bay bám sát và tránh địa hình; hệ thống định vị hàng không; hệ thống đối phó trả đũa điện tử

Ngoài khả năng tàng hình, B-2 còn có sức tấn công mạnh mẽ với khả năng mang 23 tấn vũ khí gồm: 80 bom Mk-82 227kg hoặc 36 bom CBU 350kg hoặc 16 bom hạt nhân B61 trên giá phóng quay. Thậm chí, B-2 còn có thể mang bom thông minh dẫn đường GPS JDAM.

Lê Cao (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang