Huyền thoại ‘Chim két bất bại’ mang tên SR-71 của quân đội Mỹ

author 07:00 16/02/2016

(VietQ.vn) - Từng được biết đến là máy bay quân sự nhanh nhất thế giới, SR-71 Blackbird của Mỹ chưa từng bị bắn hạ một lần nào trong suốt những năm còn hoạt động.

Sự kiện: Vũ khí quân sự nổi tiếng thế giới

Máy bay quân sự SR-71 là một dạng máy bay trinh sát chiến lược tầm xa với tốc độ nhanh gấp 3 lần tốc độ âm thanh, do nhóm Skunk Works thuộc hãng Lockheed (Mỹ) phát triển. Máy bay được thiết kế dựa trên máy bay Lockheed YF-12A và A-12. SR-71 có tên gọi chính thức là Blackbird (Chim két) và được các đội bay gọi là Habu (Rắn).

SR-71 Blackbird là máy bay quân sự nhanh nhất từng hoạt động

SR-71 Blackbird là máy bay quân sự nhanh nhất từng hoạt động. Ảnh Meepanda

SR-71 Blackbird bắt đầu được nghiên cứu vào những năm 1960, mẫu thử nghiệm cất cánh lần đầu năm 1964. Đến năm 1966, SR-71 chính thức được Không quân Mỹ sử dụng cho các nhiệm vụ do thám không phận đối phương, Blackbird “về hưu” vào năm 1998. Tờ Zing News cho biết, chỉ có khoảng 32 chiếc SR-71 "ra lò" và đưa vào phục vụ trong giai đoạn 1964 tới 1998. Trong suốt gần 3 thập kỷ hoạt động, SR-71 chưa từng bị bắn hạ một lần nào do các máy bay chiến đấu và tên lửa phòng không không thể theo kịp được tốc độ của nó. Cho đến nay, SR-71 Blackbird vẫn là dòng máy bay quân sự sở hữu tốc độ nhanh nhất từng hoạt động.

Máy bay quân sự SR-71 chính thức về hưu từ năm năm 1998

Máy bay quân sự SR-71 chính thức về hưu từ năm năm 1998. Ảnh Johnwurth

Máy bay SR-71 dài 32,74 m và cao 5,64 m; trọng lượng không tải là 30.600 kg. Đội bay của SR-71 bao gồm 2 người, phi công của SR-71 phải mặc quần áo giảm áp và đội mũ bảo hiểm dành cho các phi hành gia để chịu được tốc độ và trần bay cực lớn. Máy bay được trang bị 2 động cơ tuốc bin phản lực Pratt & Whitney J58-1 cho tốc độ tối đa tới 3.530km/h (khoảng Mach 3,2+) ở độ cao 24.000m, trần bay tối đa 26-27.000m, tốc độ leo cao 60m/s, tầm bay xa đến 6.000km. Ngoài ra, kính chắn gió của SR-71 trong buồng lái được làm từ thạch anh. Nhiệt độ bên trong kính chắn gió có thể lên tới 121 độ C khi máy bay thực hiện nhiệm vụ.

Ngoài Không quân Mỹ, máy bay quân sự SR-71 cũng được NASA sử dụng

Ngoài Không quân Mỹ, máy bay quân sự SR-71 cũng được NASA sử dụng. Ảnh NASA

Ngoài sở hữu tốc độ cực nhanh, SR-71 còn khó bị radar phát hiện nhờ ứng dụng công nghệ tàng hình tiên tiến. Theo đó, một lớp sơn đặc biệt được sử dụng để sơn phủ cánh, đuôi và thân máy bay SR-71. Loại sơn này có chứa ferrite sắt, hấp thụ năng lượng sóng radar thay vì phản hồi trở lại. Theo báo Kiến Thức, với diện tích phản xạ radar chỉ tương đương với một chiếc máy bay hạng nhẹ cỡ nhỏ, SR-71 rất khó bị phát hiện hay khi radar cảnh giới phát hiện ra SR-71 thì đã là quá muộn để bắn chặn. Blackbird cũng sử dụng các biện pháp gây nhiễu và đối phó điện tử với các khí tài phòng không đối phương.

Tuy được đánh giá là huyền thoại có “một không hai” những SR-71 vẫn phải nghỉ hưu sớm hơn so với nhiều dòng máy bay quân sự cùng thời hoặc trước đó, do chi phí vận hành, bảo dưỡng quá đắt đỏ. Báo Thanh Niên cho hay, Bộ trưởng Không quân thời tổng thống Reagan là Edward C. Aldridge Jr. ước tính chi phí hoạt động của một chiếc SR-71 có thể dùng duy trì hoạt động và bảo dưỡng cho 2 phi đội máy bay chiến đấu. Cụ thể, một giờ bay của SR-71 tốn 200.000 USD. Và do đội bay này chỉ có 32 chiếc là quá nhỏ nên chi phí điều hành hoạt động và bảo dưỡng phải tính riêng nên rất cao. Chỉ loại nhiên liệu của SR-71 phải chế tạo riêng cho nó là loại dầu JP-7 (rất an toàn, vì vậy giá rất cao), mỗi giờ bay SR-71 đốt hết 18.000 USD tiền dầu này (thời giá 1989).

Mỹ đang phát triển máy bay quân sự SR-72 với kỳ vọng vượt qua huyền thoại SR-71

Mỹ đang phát triển máy bay quân sự SR-72 với kỳ vọng vượt qua huyền thoại SR-71. Ảnh Iliketowastemytime

Như tờ Infonet từng đưa tin, các kỹ sư hàng không của 2 hãng Lockheed Martin và Aerojet Rocketdyne đã bắt đầu thiết kế SR-72 tại trung tâm Skunk Works ở California từ nhiều năm qua. SR-72 được kỳ vọng sẽ tiếp bước và thậm chí vượt qua huyền thoại SR-71. SR-72 được cho là sẽ có khả năng tránh né máy bay đối phương, chụp ảnh gián điệp, tấn công các mục tiêu với tốc độ lên tới Mach 6 (khoảng 5.800 km/giờ). 

Quang Minh (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang