Một đầu xe khách Đất Cảng mỗi năm chịu gần 500 triệu phí BOT

authorViết Cường 21:17 10/06/2016

(VietQ.vn) - Giám đốc nhà xe Đất Cảng cho biết: “Trung bình 1 đầu xe khách của chúng tôi hiện đang mất 40 triệu đồng/tháng để trả phí BOT cao tốc Hà Nội - Hải Phòng”

Ngày 9/6, báo Tiền Phong đã tổ chức buổi tọa đàm “Minh bạch - Hiệu quả BOT, cách nào?” với sự có mặt của hơn 10 khách mời là đại diện của một số bộ ngành, nhà đầu tư, doanh nghiệp và các hiệp hội vận tải.

Theo TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho biết, ông đã đọc kỹ loạt bài “Nghịch lý các dự án BOT”. Với góc độ quản lý, ông cho rằng, Bộ GTVT nên đóng vai trò là nhà điều tiết, “trọng tài” chứ không đứng về phía nhà đầu tư. Cần phải triển khai dự án BOT theo hướng luôn “thúc” nhà đầu tư để họ làm tốt nhất, cung cấp dịch vụ tốt nhất, rẻ nhất cho người tiêu dùng.

Ông Khúc Hữu Thanh Hải nêu ý kiến. Ảnh Tiền Phong

Ở góc độ người sử dụng dịch vụ, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải, Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng - đơn vị đang có nhiều xe khách chạy tuyến Hải Phòng - Hà Nội cho rằng, BOT mang lại cho doanh nghiệp (DN) vận tải rất lớn. Nhưng DN vận tải đang gặp nhiều gánh nặng do phí BOT quá cao. “Trung bình 1 đầu xe khách của chúng tôi hiện đang mất 40 triệu đồng/tháng để trả phí BOT tại cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Nhân với cả năm là quá lớn. Khó khăn như vậy nhưng DN cũng không còn lựa chọn tuyến đường nào khác khi QL5 do ngân sách Nhà nước đầu tư cũng bị chuyển giao cho nhà đầu tư BOT”, ông Hải nêu thực tế.

Ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam nói thêm rằng hiện người dân đang rất bức xúc trước việc ở đâu cũng thấy trạm BOT. “Nếu chúng ta làm đúng thì không có chuyện người dân bức xúc đâu, bởi làm dự án BOT bằng mọi giá nên mới có chuyện. Đặc tính của nhà đầu tư là hám lợi, đầu tư vào đường bộ có lợi hơn nên họ lao vào. Tuy nhiên, khi họ vào ồ ạt là điều tai hại, tai hại hơn nữa là người dân không có quyền lựa chọn”, ông Thanh nói.

Ông Thanh yêu cầu cần thanh tra kiểm tra ngay các dự án BOT. “Trạm thu phí nào không hợp lý phải giải thể, trạm thu phí quá gần nhau cũng phải giải thể. Không thể để 25km có một trạm thu phí hay cung đường Hà Nội – Thái Bình dài 100km nhưng có tới 4 trạm thu phí”,  ông Thanh đề nghị.

Trước những ý kiến của khách mời, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường thừa nhận: “Đúng là thời gian qua, BOT thu hút được nguồn lực xã hội lớn nhưng mức phí cao đã để lại nhiều tâm tư trong nhân dân”. Do vậy, cách đây 2 ngày Bộ GTVT đã có hội nghị tổng kết 5 năm đầu tư các dự án BOT để rà soát. Cùng với đó, ông Trường đưa ra định hướng, sắp tới quá trình đầu tư BOT sẽ thực hiện hình thức đấu thầu quốc tế và Nhà nước cũng tham gia với nhà đầu tư ít nhất từ 30- 40% tổng số vốn dự án. Khi đó việc vốn huy động xã hội ít, sẽ kéo ngắn thời gian thu phí trên đường.

Trả lời về yêu cầu phải minh bạch dự án BOT, ông Nguyễn Hồng Trường – Thứ trưởng Bộ GTVT khẳng định: “Từ nay đến cuối năm chắc chắn mức giá, tính minh bạch, thủ tục hoàn vốn của các dự án BOT sẽ có sự thay đổi. Vừa qua, Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ đã đưa ra những khuyến cáo. Chúng tôi cũng khẳng định không có bất cứ lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân nào trong đầu tư dự án BOT”.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang