Nâng cao vai trò của truyền thông khoa học và công nghệ

author 15:24 30/01/2013

(VietQ.vn) - Thời gian qua, hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) đã gặt hái được nhiều thành tựu, đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và tiếp tục được khẳng định “là quốc sách hàng đầu, là một động lực quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá”.

Ông Lauri Laakso – Cố vấn trưởng Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan (IPP) đã trao biểu trưng và giấy chứng nhận cho các tác giả và nhóm tác giả đạt giải.  

Để thúc đẩy nền KH&CN nước nhà, vai trò của truyền thông KH&CN cần được đặt đúng vị trí, là một trong những nhiệm vụ quan trọng để gắn kết cộng đồng và giới nghiên cứu, chuyển tải các chủ trương định hướng phát triển KH&CN, các kết quả nghiên cứu, ứng dụng KH&CN, nâng cao kiến thức về KH&CN cho người dân,...

Kết nối cộng đồng khoa học với xã hội

Ở các nước có nền KH&CN phát triển mạnh như Nhật Bản, cũng có những thời điểm người dân không mặn mà đến hoạt động truyền thông KH&CN. Trước thực trạng đó, Chính phủ Nhật Bản đã có những quyết sách rất lớn và cụ thể để thúc đẩy hoạt động này, “phấn đấu đưa khoa học trở thành một văn hóa lớn”. GS. Masataka Watanabe, Cố vấn cao cấp về truyền thông KH&CN của Cục KH&CN Nhật Bản (JST) cho biết, từ năm 1960 Nhật Bản đã tổ chức Tuần KH&CN vào tháng tư hằng năm. Đây là dịp người dân có cơ hội đi thăm các viện bảo tàng, dự triển lãm hoặc tham gia các cơ sở nghiên cứu trên khắp cả nước. Từ năm 1992, Nhật Bản có thêm các festival KH&CN cho giới trẻ gọi là Youngsters' Festival. Ban đầu hoạt động này chỉ được tổ chức ở 5 thành phố, giờ được tổ chức ở hơn 100 thành phố. Từ năm 2006, Science Agora, sự kiện truyền thông khoa học lớn nhất ở Nhật Bản được tổ chức vào tháng 11 hằng năm và kéo dài ba ngày tại Công viên Hàn lâm (Tokyo) với số lượt người tham dự liên tục tăng từ 1,7 triệu lượt trong năm đầu tiên lên hơn 7 triệu lượt vào năm 2011.

Ngoài ra còn các hình thức truyền thông khoa học khác như tổ chức các khóa đào tạo chính quy đầu tiên về truyền thông khoa học tại ba trường đại học, hình thành hơn một nghìn quán cà phê khoa học trên khắp cả nước,… Nhật Bản cũng thay đổi quan điểm về việc tạo dựng hình ảnh nhà khoa học. Ngoài việc xây tượng đài hoặc in chân dung các nhà khoa học lớn trên tiền giấy, Nhật Bản còn đưa hình ảnh họ lên chai rượu sake hoặc lon bia.

Tôn vinh nhà báo viết về lĩnh vực KH&CN

Tại Việt Nam, KH&CN ngày càng nhận được sự quan tâm lớn của Chính phủ Việt Nam và được xem là quốc sách hàng đầu, là một động lực quan trọng để phát triển đất nước nhanh, bền vững,… Hoạt động truyền thông KH&CN vì vậy cũng được quan tâm và chú trọng đầu tư, là một trong sáu giải pháp chủ yếu để thực hiện Chiến lược phát triển KH&CN Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Các cơ quan liên quan cũng đã có những chương trình cụ thể để đẩy mạnh hoạt động này. Nhiều cơ quan thông tấn, báo chí đã có các kênh, chuyên trang KH&CN đặt song song với các chuyên mục khác như văn hóa, giáo dục, y tế,…

Cùng với đó còn có các hoạt động phổ biến kiến thức KH&CN thông qua các hội thảo, hội nghị, tập huấn,… về truyền thông KH&CN, tổ chức gặp mặt các nhà báo viết về KH&CN,… Đặc biệt, mới đây nhằm nâng cao nhận thức và đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về KH&CN, bắt đầu từ năm 2012, Bộ KH&CN đã tổ chức giải thưởng báo chí về KH&CN. Ngoài việc quy tụ phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí, tìm ra những tác giả xuất sắc, những bài báo tiêu biểu trong việc tuyên truyền, đây còn là động lực khuyến khích các nhà báo tích cực tham gia tuyên truyền về KH&CN để nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của KH&CN trong thời kỳ hội nhập, phát triển. Lực lượng phóng viên viết về KH&CN chính là cầu nối để đưa các chủ trương chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về KH&CN, các thành tựu KH&CN vào cuộc sống. Đồng thời chính các nhà báo viết về KH&CN là kênh tiếp nhận và phản ánh những bất cập trong hoạt động KH&CN, từ đó kiến nghị ban hành kịp thời các chính sách phù hợp.

Sau một năm phát động, Ban tổ chức đã nhận được gần 600 tác phẩm, nhóm tác phẩm của các tác giả, nhóm tác giả thuộc các báo, đài trung ương và địa phương trên cả nước thuộc 4 thể loại: báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình. Chủ đề các tác phẩm phản ánh tập trung vào các lĩnh vực: cơ chế chính sách KH&CN, tôn vinh các nhà khoa học, thành tựu và ứng dụng KH&CN vào cuộc sống, một số lĩnh vực KH&CN khác. Các tác phẩm đã phản ánh chân thực về hoạt động KH&CN của các nhà khoa học, địa phương, doanh nghiệp cũng như của người dân; đi vào các nội dung cấp bách, phổ biến và thực tiễn của đời sống kinh tế - xã hội.

Mới đây, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN (Bộ KH&CN) và Chương trình Đối tác Đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan (IPP) đã phối hợp tổ chức thành công Lễ trao giải báo chí về KH&CN năm 2012. Đã có 21 tác phẩm và nhóm tác phẩm thuộc 4 loại hình nói trên được vinh danh tại Lễ trao giải.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân chia sẻ, ngay trong năm đầu tiên tổ chức, Bộ KH&CN đã nhận được sự hưởng ứng tham gia tích cực của nhiều cơ quan báo chí từ trung ương đến địa phương. Giá trị của giải thưởng tuy không lớn nhưng đây chính là sự ghi nhận của Bộ trong việc góp phần vinh danh những nhà báo có tinh thần khoa học, những nhà báo có đóng góp cho sự phát triển KH&CN của đất nước bằng các tác phẩm của mình.

Theo ông Chu Ngọc Anh, Thứ trưởng Bộ KH&CN, Trưởng ban tổ chức Giải thưởng, cùng với việc quảng bá, thông tin rộng hơn nữa về Giải thưởng đến các cơ quan thông tấn báo chí để có được các tác phẩm dự thi chất lượng, Bộ cũng sẽ thành lập nhóm cố vấn về nghiệp vụ báo chí, các nhà khoa học, quản lý có uy tín để tư vấn, thẩm định các tác phẩm xuất sắc trước khi chọn xét giải. Đặc biệt, thời gian tới, Bộ sẽ đẩy mạnh việc xã hội hóa giải thưởng để các ngành, các cấp, các nhà tổ chức cùng quan tâm tổ chức Giải có hiệu quả và ngày càng có chất lượng.

Nhiệm vụ to lớn của công tác truyền thông KH&CN đã được khẳng định trong các văn kiện quan trọng như Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 - 2020; Nghị quyết Trung ương 6 về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Luật KH&CN sửa đổi. Hy vọng, với những quyết sách và chủ trương lớn về phát triển KH&CN, sự ghi nhận và vinh danh những nhà báo trong lĩnh vực KH&CN, công tác truyền thông sẽ đưa KH&CN thấm vào xã hội một cách tự nhiên, đưa KH&CN gần gũi với người dân hơn nữa, và từ đó các tiến bộ KH&CN sẽ được ứng dụng rộng rãi, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển KH&CN cũng như kinh tế - xã hội của đất nước.

Hạnh Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang