Nga tăng cường không kích tại Syria

author 11:16 20/10/2015

Nga đang có kế hoạch tăng cường không kích, lên tới 200-300 vụ/ngày, nhằm vào các nhóm phiến quân tại Syria, báo Anh The Sunday Times dẫn nhiều nguồn tin hiểu về chiến dịch quân sự của Nga tại Syria.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, trung bình Nga đang thực hiện khoảng 50 vụ xuất kích hằng ngày tại Syria. Việc xây dựng sân bay mới để phục vụ kế hoạch tăng tần suất xuất kích đang được tiến hành. Nga đã triển khai hàng loạt máy bay ném bom, máy bay tiêm kích và trực thăng chiến đấu tới Syria để thực hiện chiến dịch quân sự lớn chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Lạnh, bao gồm các chiến đấu cơ Su-24M, Su-34 và Su-30SM.

Theo The Sunday Times, các mục tiêu được phía quân đội Syria đề xuất, sau đó chúng được chuyển cho máy bay không người lái của Nga trinh sát. Nguồn tin nói rằng, Nga đã bác bỏ một số yêu cầu của phía Syria, như tấn công các cơ sở tôn giáo được cho là có phiến quân ẩn nấp. “Họ cực kỳ lo lắng về hình ảnh của chiến dịch quân sự của Nga ở đây”, nguồn tin nói với The Sunday Times.

Máy bay chiến đấu Su-34 Fullback của Nga tham gia chiến dịch quân sự tại Syria.

Thông tin Nga tăng cường chiến dịch quân sự mà Kremlin gọi là “cuộc chiến chống khủng bố” đang gây lo ngại lớn cho phương Tây. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon phát biểu trên BBC rằng, Nga đang mở rộng cuộc chiến bằng cách tấn công tất cả các nhóm đối lập chống đối Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Ông Fallon cáo buộc các cuộc oanh kích của Nga có thể giết hại dân thường và làm gia tăng nguy cơ va chạm chết người với các lực lượng phương Tây.

Ông Fallon chỉ trích những gì Nga đang làm nhằm chống đỡ cho chế độ ông Assad, khiến việc đạt được một giải pháp cho tất cả các bên ngày càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, Tổng thống Nga Putin tiếp tục bảo vệ chiến dịch quân sự của Nga tại Syria, nhấn mạnh nước này chỉ có mục tiêu duy nhất là chiến đấu chống những kẻ khủng bố quốc tế IS. 

Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình nhà nước Nga, ông Putin tuyên bố muốn tăng cường vị thế của ông Assad như một cách nhằm đạt được một thỏa thuận chính trị. Trước đó, khi bất ngờ phát động chiến dịch quân sự tại Syria, nhà lãnh đạo Nga nói rằng, có hàng ngàn tay súng phiến quân, khủng bố từ Nga và các nước Liên Xô cũ đang có mặt tại Syria (mới đây, tại cuộc họp các quốc gia thuộc Liên Xô cũ, ông Putin nêu con số 5.000-7.000). “Đây là một mối đe dọa nếu chúng quay lại đất nước chúng ta. Vì vậy, thay vì đợi chúng trở về, tốt hơn hết là chúng ta đánh chúng ngay tại Syria”, ông Putin tuyên bố.

Phương Tây đánh giá sai lầm sức mạnh Nga

Trong khi đó, Hội đồng châu Âu về đối ngoại (ECFR) vừa công bố nghiên cứu kết luận rằng, phương Tây đã đánh giá thấp và hiểu lầm về quá trình cải cách quân đội cũng như năng lực quân sự của Nga. ECFR cho rằng, những yếu kém về chiến thuật và tác chiến của quân đội Nga đã bộc lộ rõ trong cuộc chiến ngắn ngủi giữa Nga và Georgia năm 2008.

 Vì thế, Nga đã khởi động một chương trình cải cách quân đội lớn nhất kể từ năm 1930, chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu tăng cường tính chuyên nghiệp bằng cách xem xét lại toàn bộ quá trình đào tạo binh sĩ và cắt giảm quân số tuyển dụng. Giai đoạn hai nâng cao năng lực sẵn sàng chiến đấu với cấu trúc chỉ huy hợp lý và tăng cường diễn tập huấn luyện. Giai đoạn ba tái trang bị và nâng cấp vũ khí, trang thiết bị.

Mỹ và châu Âu chủ yếu tập trung vào giai đoạn ba và cho rằng, Nga vẫn chưa hoàn thành khía cạnh chủ yếu của những cải cách này, không chú ý tới những tiến bộ quan trọng và thực chất đã hoàn thành trong giai đoạn đầu và giai đoạn hai. “Lần đầu tiên, quân đội Nga theo mô hình tổ chức hình kim tự tháp với rất ít người ra quyết sách trên thượng tầng và nhiều sĩ quan phục vụ binh sĩ hơn”, nghiên cứu của ECFR nhận xét.

Hơn nữa, lương sĩ quan tăng gấp 5 lần và nhiều phương pháp quản lý hiện đại được đưa vào. Những cải cách trên cũng đem lại kết quả khi tỷ lệ binh sĩ chuyên nghiệp trong quân đội Nga gia tăng thường xuyên. Điều này cho phép binh sĩ sử dụng nhiều hơn các thiết bị công nghệ cao (lính nghĩa vụ chỉ phục vụ thời gian quá ngắn để được huấn luyện hiệu quả việc sử dụng các hệ thống vũ khí phức tạp) và tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị tinh nhuệ (lính dù, lính thủy đánh bộ, lính đặc nhiệm).

Ngay cả hệ thống đào tạo quân sự cũng được cải tổ, dựa trên hệ thống của Thụy Sĩ và Áo, với mục tiêu học hỏi kỹ năng, nghệ thuật chỉ huy. Ngoài ra, quân phục mới, trang thiết bị cá nhân của người lính cũng được nâng cấp toàn bộ và đáng tin cậy.

Giai đoạn cải cách thứ hai nhằm xử lý cấu trúc chỉ huy một cách hợp lý và tái tổ chức lại các lực lượng vũ trang Nga thành các đơn vị nhỏ tinh gọn hơn, linh hoạt hơn, thông qua việc giảm quy mô quân số 43%, từ 23 sư đoàn cũ thành lập mới 40 lữ đoàn. 

Mặt khác, số lượng, quy mô tập trận tăng mạnh cũng như quy mô tập trận được tiến hành liên tục, thử nghiệm khả năng sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị dù và các lữ đoàn mới (có khả năng triển khai trong vòng 24 giờ).

Kết quả của các cải cách trên là Nga có khả năng duy trì một lực lượng 40.000 - 150.000 quân với đầy đủ trang bị sẵn sàng chiến đấu dọc theo biên giới Nga-Ukraine nhiều tháng, trong khi vẫn tiến hành các cuộc tập trận với khoảng 80.000 quân ở các khu vực khác trên đất nước.

Mỹ đề xuất gặp 4 bên

Nga đang xem xét đề nghị của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry về một cuộc gặp bao gồm đại diện của Nga, Ảrập Xêút, Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan, hãng tin Nga Interfax ngày 19/10 dẫn nguồn tin Bộ Ngoại giao Nga. Bộ Quốc phòng Nga ngày 19/10 thông báo, các chiến đấu cơ Nga đã tấn công 49 mục tiêu quân khủng bố, xuất kích tổng cộng 33 lần trong 24 giờ qua và tất cả máy bay trở về căn cứ an toàn.

Theo Tiền phong


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang