Ngân hàng SeaBank dính nghi án "ẵm" sổ đỏ người dân

author 05:37 24/04/2013

(VietQ.vn) - Người dân cho rằng mình bị ngân hàng lừa trong khi đó ngân hàng lại cho rằng mình làm đúng luật. Sự thật về vụ việc người dân quây trụ sở ngân hàng SeaBank Láng Hạ như thế nào?

Hợp đồng "tay ba" mất sổ đỏ

Ngày 23/4, tại Chi nhánh Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (ở số 22, đường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội), xuất hiện một số người dân đeo băng rôn với nội dung bị lừa đảo, phản đối ngân hàng này. Việc phản ứng này đã thu hút sự chú ý của dư luận và sự hiếu kỳ của những người đi đường khiến giao thông bị cản trở.

Có mặt trước của Chi nhánh Ngân hàng Seabank, anh Mai Xuân Long (36 tuổi, ở TP Hải Phòng) với những băng rôn quấn quanh người, cho biết: “Ngân hàng Seabank cho Công ty CP thép Hương Thịnh vay mấy chục tỷ đồng để đầu tư vào một lô thép. Đến khi Công ty CP thép Hương Thịnh có vấn đề về tài chính thì ngân hàng quay sang bảo chúng tôi là người thế chấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay tiền của Seabank. 
 
“Ví dụ nhà có giá trị khoảng 3 tỉ đồng mà muốn vay 1 -2 tỉ thì Công ty CP thép Hương Thịnh sẽ thông qua ngân hàng mà cho chủ tài sản vay, với điều kiện khi họ bán được lô thép trên. Bản thân tôi có 2 nhà ở. Một bìa đỏ đưa vào thế chấp ở ngân hàng Navibank 2 tỉ. Nghe lời dụ dỗ của Công ty CP thép Hương Thịnh rằng với đất của tôi có thể vay được 4 tỉ, nhà tôi đã phải cầm cố một nhà khác lấy 2 tỉ đồng để  rút giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bên Navibank đưa sang bên bên Seabank” – anh Long tâm sự.
Người dân quây ngân hàng SeaBank
Người dân quây ngân hàng SeaBank
 
Theo anh Long, nhân viên Ngân hàng Seabank đã đến tận nhà để tư vấn rằng, thế chấp “sổ đỏ” thì sau 15 ngày Công ty CP thép Hương Thịnh sẽ bán hàng đi để trả tiền về cho người dân. Thế nhưng, từ tháng 6/2012 cho đến nay, anh Long vẫn chưa lấy được tiền từ Seabank. Cũng nhiều lần anh Long đến Công ty CP thép Hương Thịnh và Ngân hàng Seabank để đòi “bìa đỏ” nhưng đều thất bại.
 
Còn chị Đỗ Thị Phương (ở huyện Thạch Thất, Hà Nội), một nạn nhân khác của vụ việc cho biết: “Tôi thế chấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở Ngân hàng Seabank. Chúng tôi ký hợp đồng tay ba, giữa người dân, Công ty CP thép Hương Thịnh và Ngân hàng Seabank. Sau khi ký hợp đồng, tiền chẳng thấy đâu mà sổ đỏ cũng không trả. 
 
“Chúng tôi ký vay từ 19/6/2012 và phía ngân hàng bảo là đưa tài sản vào thế chấp thì 15 ngày thì lấy được tiền ngay. Hiện tại, Seabank đang giữ “sổ đỏ” nhà tôi. Trong khi đó, Công ty CP thép Hương Thịnh bảo rằng, qua công ty của họ thì chúng tôi có thể vay được tiền của Seabank” – chị Hương nói.
 
Theo chị Phương, không chỉ có chị và anh Long là nạn nhân mà có khoảng 30 người cũng rơi vào trường hợp tương tự như nhà mình.

Ngân hàng nói gì?
 
Ngay khi xảy ra vụ việc, chúng tôi đã liên hệ với ông Chu Văn Lương - Giám đốc Công ty CP thép Hương Thịnh (ở Đình Trám, Bắc Giang) nhưng không liên hệ được.
 
Còn về phía Ngân hàng Seabank cho rằng, trong các ngày 22 và 23/4/2013 tại trước Trụ sở Chi nhánh Seabank Láng Hạ xuất hiện 7 người dân đến tập trung và mang theo biểu ngữ với nội dung: “Công lý ơi! Hãy cứu chúng tôi, đề nghị ngân hàng Seabank trả lại tài sản cho chúng tôi”. Qua tìm hiểu, được biết trong số 7 người này có 4 người là chủ tài sản thế chấp bảo đảm cho nợ vay của Công ty CP Thép Hương Thịnh.
 
Theo đó, tháng 6/2012, Ban lãnh đạo Công ty CP Thép Hương Thịnh và một số người tự nhận là cổ đông mới góp vốn vào Công ty CP Thép Hương Thịnh đến làm việc tại Phòng giao dịch Trần Duy Hưng (thuộc Chi nhánh Láng Hạ). Nhưng người này đề nghị được thế chấp tài sản vào Seabank để Công ty CP Thép Hương Thịnh vay vốn kinh doanh. Các chủ tài sản cũng đã ký các văn bản cam kết ghi rõ: Đã hiểu rõ tình hình tài chính, tình hình hoạt động của Công ty CP Hương Thịnh tại thời điểm bảo lãnh và hoàn toàn tự nguyện dùng tài sản để bảo lãnh cho Công ty vay vốn tại Seabank. Các Chủ tài sản cam kết không vay ké. Các chủ tài sản hiểu rõ nghĩa vụ của việc thế chấp tài sản. Trong trường hợp Công ty CP thép Hương Thịnh không trả được nợ, chủ tài sản cam kết hợp tác vô điều kiện trong trường hợp phải bán tài sản để trả nợ thay. 
 
Sau đó, việc thế chấp tài sản được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật (công chứng thế chấp và đăng ký giao dịch bảo đảm đầy đủ). Đến nay, khi biết Công ty CP thép Hương Thịnh đang gặp khó khăn và có thể mất khả năng chi trả, vỡ nợ thì các chủ tài sản đã đến Chi nhánh Láng Hạ yêu cầu giải chấp các tài sản đảm bảo. Qua quá trình làm việc thì các chủ tài sản thì những người này cho biết, họ không phải là cổ đông của Công ty CP thép Hương Thịnh như đã từng nói mà họ chỉ thế chấp tài sản để vay ké tiền. 
 
Đến nay, do các chủ tài sản vẫn chưa được Công ty CP thép Hương Thịnh chuyển cho số tiền cần vay ké và do sợ bị xử lý tài sản thế chấp nên các chủ tài sản kéo đến Chi nhánh Láng Hạ gây áp lực để đòi giải chấp tài sản đã thế chấp vào Ngân hàng.
 
Đại diện Seabank khẳng định, việc các chủ tài sản thế chấp bảo đảm cho khoản vay của Công ty CP thép Hương Thịnh tại Seabank Láng Hạ là theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Để xảy ra sự việc trên là lỗi của các chủ tài sản.
 
Vậy ai sẽ trả sổ đỏ cho dân? Đó vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp từ phía ngân hàng.
 
Chúng tôi tiếp tục thông tin về vụ việc này. 
 
Nhóm PV
 
 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang