Ngành giáo dục và những sự kiện nóng nhất năm 2015

author 18:39 27/12/2015

(VietQ.vn) - Năm 2015, ngành giáo dục nước nhà có nhiều sự thay đổi lớn và cũng gây không ít tranh cãi như: lần đầu áp dụng Kỳ thi THPT quốc gia 2015, tích hợp môn Lịch sử vào môn học khác,...

Cấm thi tuyển vào lớp 6

Ngày 21/4, tại cuộc họp giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, lãnh đạo Sở GD-ĐT một lần nữa khẳng định năm học 2015-2016, tất cả trường THCS trên địa bàn tuyển sinh vào lớp 6 theo phương thức xét tuyển, tuyệt đối không được tổ chức khảo sát học sinh đầu năm học, không tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 6.

Sau khi phương án xét tuyển kết hợp với đánh giá năng lực của một số trường tại Hà Nội đột ngột bị hủy khi không được UBND TP đồng ý với giải thích đây cũng chỉ là một hình thức thi, trái với chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, đại diện nhiều trường cho biết hiện chưa tìm ra lời giải cho bài toán xét tuyển khi lượng hồ sơ đăng ký lớn gấp nhiều lần số chỉ tiêu được giao.

PGS Văn Như Cương, Chủ tịch HĐQT Trường THCS Lương Thế Vinh, dẫn chứng: “Ví dụ, trường tôi có 4.000 hồ sơ đăng ký vào mà chỉ lấy 500 chỉ tiêu và có xấp xỉ 100% hồ sơ nộp vào trường đều là “đạt”, nghĩa là 4.000 học bạ đều giống nhau. Tiêu chí nào để chọn đủ chỉ tiêu đây?”.

PGS Cương hình dung cảnh học sinh xếp hàng, lấy đủ chỉ tiêu đến đâu thì cắt đến đấy hoặc sẽ bốc thăm mỗi người được một số, ai may thì vào trường. “Những cách làm này rất buồn cười và bất công cho các em. Vì vậy, các trường có số hồ sơ đăng ký lớn gấp nhiều chỉ tiêu cũng buộc phải có một tiêu chí nào đó để chọn học sinh cho năm học mới” - PGS Cương nói.

Kỳ thi THPT quốc gia 2015

Lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức kỳ thi hai trong một, tức là một kỳ thi nhưng kết quả được sử dụng vào hai mục đích xét tốt nghiệp và xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. 

Thí sinh và phụ huynh đến rút hồ sơ tại ĐH Công nghiệp TP HCM. Ảnh: Tuổi TrẻThí sinh và phụ huynh đến rút hồ sơ tại ĐH Công nghiệp TP HCM. Ảnh: Tuổi Trẻ

Dù là lần đầu tiên tổ chức, nhưng kỳ thi này đã đạt được một số thành công nhất định, như: giảm thí sinh ảo, giảm tốn kém cho xã hội, giảm áp lực về giao thông, chỗ ở của thí sinh cho các thành phố lớn, đề thi phân hóa được thí sinh... Tuy nhiên, kỳ thi này cũng bộc lộ một số điểm bất cập cần được xem xét, điều chỉnh cho các kỳ thi sau.

Thế nhưng, quá trình chuẩn bị và tổ chức thi trung học phổ thông quốc gia đã bộc lộ một số bất cập, gây khó cho cả thí sinh và đơn vị tổ chức thi. Nguyên nhân là do sự thay đổi diễn ra trong thời gian quá ngắn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong khi cả thí sinh và đơn vị tổ chức thi chưa có sự chuẩn bị, tìm hiểu kỹ lưỡng về những đổi mới trong kỳ thi này.

Thí sinh lúng túng trong làm hồ sơ đăng ký dự thi dẫn đến nhiều sai sót, một số thí sinh không nộp hồ sơ theo thời gian quy định, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải kéo dài thời gian chỉnh sửa hồ sơ đến sát thời điểm diễn ra kỳ thi, gây khó khăn trong tổ chức thi.

Một số cụm thi quốc gia do các trường đại học địa phương chủ trì, với số lượng thí sinh tăng đột biến, phải thuê địa điểm thi là các trường tiểu học, cán bộ coi thi là sinh viên chiếm số lượng lớn, nên có tình trạng 1 phòng thi có 2 giám thị đều là sinh viên.

Thí sinh dự thi ở các cụm thi này cũng gặp khó khăn trong tìm chỗ ăn, ở. Với các cụm thi do Sở Giáo dục Đào tạo tổ chức, tại nhiều điểm thi chỉ có vài thí sinh dự thi ở những môn thi tự chọn, gây lãng phí về cơ sở vật chất, nhân lực tổ chức thi.

Tích hợp môn Lịch sử

Dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đến việc Bộ GD-ĐT công bố Dự thảo “Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể” có đề cập đến việc tích hợp nội dung môn Lịch sử vào môn học mới có tên “Công dân với Tổ quốc”. Nhiều ý kiến lo ngại, vị thế môn Lịch sử có thể bị giảm bớt trong hệ thống giáo dục phổ thông.

GS Trần Thị Vinh, Khoa  Lịch sử Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng việc lắp ghép môn lịch sử như một phân môn trong môn công dân với Tổ quốc là chưa từng có tiền lệ trong lịch sử giáo dục Việt Nam và thế giới. “Cách làm của Bộ GD-ĐT sẽ phá vỡ môn lịch sử. Học sinh sẽ không nhận thức được tính hệ thống, liên tục của dòng chảy lịch sử, đặc biệt là lịch sử dân tộc. Việc lắp ghép lịch sử vào môn giáo dục công dân là sự lắp ghép những kiến thức rời rạc, “những mảnh vỡ của lịch sử” vào một môn học chưa từng có tiền lệ” - GS Vinh nhận định.

GS Vũ Dương Ninh, ĐHQG Hà Nội, cũng lo lắng rằng đúng là từ trước đến nay, chưa bao giờ Bộ GD-ĐT có một văn bản, một chỉ thị nào coi nhẹ môn lịch sử hoặc loại bỏ môn sử nhưng thực tế hoàn toàn khác. Vị trí của môn sử và vài môn khác đã bị đẩy lùi dần và đến nay thì mất tên chính danh trong chương trình THPT. Nó bị lẫn vào môn khoa học xã hội (tự chọn) trong chương trình cho học sinh theo phân ban khoa học tự nhiên, chỉ còn là môn chính thức đối với học sinh chọn ban khoa học xã hội. Có nghĩa là lớp trí thức trẻ tương lai, ngoại trừ số ít chọn ngành khoa học xã hội, sẽ không hiểu hoặc hiểu biết lơ mơ về lịch sử của dân tộc mình, đất nước mình.

Sau nhiều cuộc họp bàn, ngày 8/12, Bộ GD&ĐT thống nhất với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Lịch sử là môn học bắt buộc và không tích hợp vào môn Công dân với Tổ quốc. Học sinh chọn Sử thi đại học sẽ học nâng cao và đây là môn độc lập.

Tự bổ nhiệm Giáo sư ở Đại học Tôn Đức Thắng

Ngày 16/9, ông Vũ An Ninh, Trưởng phòng Tổ chức hành chính Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TPHCM), cho biết, trường sẽ tự bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.

giáo sư Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng, khẳng định trường không làm sai và sẽ không dừng việc bổ nhiệm giáo sưGiáo sư Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng, khẳng định trường không làm sai và sẽ không dừng việc bổ nhiệm giáo sư

Theo ông Ninh, về cơ sở pháp lý, việc bổ nhiệm chức vụ chuyên môn cho các chuyên gia, nhà khoa học của trường dựa trên quyền tự chủ được Thủ tướng cho phép thí điểm. Theo đó, trường phân chức vụ bổ nhiệm ra làm hai loại, gồm chức vụ quản lý và chức vụ chuyên môn. Trong chức vụ chuyên môn gồm có tập sự giảng dạy, trợ giảng, giảng viên, trợ lý giáo sư, giáo sư và phó giáo sư.

Cũng theo ông Ninh, giáo sư do nhà trường bổ nhiệm và giáo sư do nhà nước phong là hoàn toàn khác nhau. “Giáo sư của Hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước phong là học hàm, còn giáo sư của trường bổ nhiệm là giáo sư gắn với chức vụ chuyên môn nên khi ra ngoài, việc các trường khác thừa nhận hay không là việc của họ”, ông Ninh nói. Trước đó, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã tự bổ nhiệm ông Lê Vinh Danh (hiệu trưởng) là giáo sư.

Đại học dân lập mở thêm ngành Y

Bộ GD-ĐT ban hành quyết định cho phép Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội được đào tạo ĐH chính quy với hai ngành y đa khoa và dược học.Quyết định do Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga ký, có hiệu lực thi hành từ ngày 19/11 cho phép Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội được tuyển sinh, tổ chức đào tạo, đánh giá kết quả học tập và cấp bằng tốt nghiệp với hai ngành mới mở này theo quy định hiện hành.

Tuy nhiên, quyết định này của Bộ GD-ĐT khiến nhiều chuyên gia giáo dục, người học và cả các trường ĐH khác đều bất ngờ. 

Tháng 12/2014, khi tình trạng đào tạo lĩnh vực khoa học sức khỏe bị kêu ca nhiều về chất lượng đào tạo, chính Bộ GD-ĐT đã có công văn gửi đến các cơ sở giáo dục ĐH thông báo tạm dừng xem xét mở ngành đào tạo trình độ ĐH các ngành y đa khoa, răng hàm mặt, y học cổ truyền và trình độ ĐH, CĐ với ngành dược học tại các trường đa ngành không thuộc chuyên ngành y dược.

Vậy tại sao Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội - một trường ĐH đa ngành, không thuộc khối chuyên ngành y dược - bất ngờ được giao 
mở mới hai ngành này?

Trường hợp này, Bộ Y tế đã có công văn “ủng hộ Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội mở ngành đào tạo trình độ ĐH ngành y đa khoa, dược” nên Bộ GD-ĐT đã ra quyết định cho phép trường mở mới hai ngành này”, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, quyền vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Bộ GD-ĐT cho biết. 

Thu Huyền (T/h)


 


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang