"Người đàn bà thép" ở Hà Nội

author 08:01 18/03/2014

Con hẻm số 9 phố Tô Hiệu, thuộc tổ dân phố số 14, phường Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội lúc nào cũng sạch sẽ, yên bình, bao nhiêu năm nay chưa gia đình nào bị mất trộm. Hỏi ra mới biết nơi đây có một tổ trưởng tổ bảo vệ đặc biệt. Hiếm có nơi đâu tổ trưởng tổ bảo vệ là nữ, lại đã ở tầm tuổi “thất thập cổ la hy”, mà vẫn khiến kẻ trộm “chạy mất dép” như ở đây.

Bà Lịch nói qua loa động viên người dân vệ sinh khu phố.

Nữ bảo vệ lớn tuổi

Trong căn nhà nhỏ, gọn gàng ngăn nắp, bà Lịch và người cháu họ vừa dùng xong bữa tối. Bữa cơm đơn giản như chính cuộc sống của bà vậy. Hỏi chuyện, bà Lịch khiêm tốn chỉ nhận mình là người làm việc hết trách nhiệm chứ không nhận mình là người phụ nữ “phi thường”, “có một không hai” như người dân nơi đây phong tặng.

Tên đầy đủ của bà là Nguyễn Thị Lịch (SN 1941), nay đã bước sang tuổi 73 nhưng nom bà trẻ và khỏe hơn nhiều so với tuổi thực. Nhiều người thắc mắc, tại sao ở tuổi này bà Lịch vẫn đi làm công tác bảo vệ, con cháu bà đâu sao không giữ bà ở nhà. Tìm hiểu ra mới biết rằng người phụ nữ này đã dành cả cuộc đời để làm việc tốt, việc thiện. Năm 17 tuổi, bà Lịch tham gia thanh niên xung phong ở Tuần Giáp (Điện Biên) rồi sang nước bạn Lào tham gia kháng chiến.

Với dáng người cao, phốp pháp, bà được chuyển về Ty Công an Lai Châu làm việc. Trong thời gian làm việc tại Lai Châu, gia đình bà luôn mong mỏi bà được chuyển công tác cho gần gia đình, hơn nữa cũng là để tính chuyện gia đình.

Nhớ lại thời tuổi trẻ, bà Lịch trầm giọng, hồi tưởng 50 năm về trước: “Ngày ấy, tôi yêu một anh bộ đội, nhưng không đến được với nhau vì tôi chủ động nói lời chia tay. Sau đấy cũng có nhiều anh thích tôi lắm nhưng tôi không có tình cảm. Bao nhiêu rung động đầu đời thời con gái, tôi trao cho anh bộ đội kia hết rồi.

Sau một lần khám bệnh, tôi biết được mình bị tắc ống dẫn trứng, không có khả năng sinh con, nên đã quyết định không lập gia đình để không làm khổ người yêu thương mình. Người yêu tôi gặng hỏi tôi lý do, nhưng tôi không nói thật vì tôi biết nếu nói sự thật thì anh ấy cũng sẽ bất chấp mà lấy tôi. Tôi nói dối là bố mẹ “dạm” cho đám gần nhà để gần bố mẹ, chăm sóc bố mẹ khi về già…”.

Sau khi về quê, bà Lịch được chuyển về công tác tại Viện kiểm sát Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Tháng 3.1980, bà Lịch về nghỉ hưu sớm do mất sức. Sau đó, bà tiếp tục công tác tại địa phương với chức vụ Ủy viên BCH Hội phụ nữ phường Quang Trung. Khi tổ dân phố thành lập đội bảo vệ, bà Lịch xung phong ứng cử và được đề bạt làm tổ trưởng.

Trộm sợ “chạy mất dép”

Mặc dù đã ở cái tuổi mà nhiều người thường phụ thuộc vào con cháu nhưng bà Lịch vẫn được người dân tín nhiệm làm tổ trưởng tổ bảo vệ từ năm 2000 cho đến nay. Không quản vất vả, hàng đêm bà Lịch vẫn cùng thành viên tổ bảo vệ đi tuần khắp các ngõ ngách, nắm tình hình từng con phố. Nhắc tới bà Lịch, khối kẻ trộm nhớ đời, không dám quay lại tổ dân phố 14 lộng hành nữa.

Trong căn nhà nhỏ, những tấm bằng khen được bà Lịch treo ở vị trí trang trọng.

Với nhiều năm công tác trong ngành công an và có đôi mắt tinh tường, bà Lịch có thể phát hiện đối tượng khả nghi từ xa. Khi phát hiện kẻ xấu, bà Lịch dùng nhiều “chiến thuật” khác nhau. Có lúc bà giả vờ như không có chuyện gì cứ đi đằng sau dõi theo.

Thấy bà Lịch bám theo từ đầu ngõ đến cuối ngõ, kẻ xấu quay lại bực tức nói: “Bà làm gì mà cứ bám theo chúng tôi”. Bà Lịch đáp một câu gọn lỏn: “Tôi bám theo để xem các anh định làm trò gì?”. Không làm được gì, chúng tìm cách lẩn mất hút.

Một lần khác, cũng với “chiến thuật” áp sát đối tượng, bà đã đuổi được hai tên trộm chuẩn bị “săn hàng”. Hôm đó vào buổi trưa, xuất hiện hai thanh niên mặc quần soóc, áo ba lỗ đi đi lại lại trong ngõ, nhìn ngang liếc dọc.

Bằng con mắt nghiệp vụ, bà Lịch đoán chắc hai tên nghiện hút, tranh thủ buổi trưa vắng vẻ, lợi dụng người dân ngủ say để ra tay hành động. Bất chợt, bà Lịch từ xa tiến lại, nói qua loa: “Alo! Alo! Bà con chú ý, hiện đang có hai đối tượng thanh niên lạ mặt xuất hiện. Một thanh niên mặc quần soóc trắng, áo trắng cổ đen, chân đi dép tổ ong. Thanh niên còn lại chân đi tông, mặc bộ đồ thể thao đang đi đi lại lại trong khu phố. Đề nghị bà con cảnh giác kẻo kẻ xấu lợi dụng trộm cắp. Alo! Alo!”.

Trước hành động bất ngờ và lạ lùng của bà Lịch, hai tên này chỉ đám đáp trả “Tôi làm gì mà bà quát loa to kiểu ấy”, rồi chuồn thẳng.

Nhắc đến bà Lịch, người dân nơi đây còn đặt cho bà biệt danh Lịch “alo” bởi mỗi khi đi tuần, ngoài chiếc đèn pin thì chiếc loa cũng là vật bất li thân của bà. Thán phục tài bắt trộm của bà Lịch, chị Nga - người dân khu phố 14 kể: “Chuyện xảy ra đã lâu nhưng hôm ấy không có bác Lịch “alo” phát hiện kịp thời thì nhà tôi mất của thật. Tên trộm trèo từ lan can nhà khác rồi luồn vào tầng 3 nhà tôi, sau đó hắn xuống tầng 2 cậy cửa.

Phát hiện có trộm, vợ chồng tôi điện thoại ngay cho bác Lịch “alo” thì bác tới ngay sau đó, tay cầm chiếc loa nói to: “Alo! Alo! Bà con chú ý, một đối tượng trộm cắp vừa đột nhập vào nhà bà Nga. Mọi gia đình nhanh chóng khẩn trương thức dậy, bao vây tứ phía, chắc chắn đối tượng chưa ra khỏi địa bàn tổ 14. Chú ý! Chú ý!”. Sau tiếng loa của bác Lịch, người dân tổ 14 chặn khắp các ngả đường và đúng như bác Lịch dự đoán, tên trộm đã bị tóm gọn và giao cho công an phường”.

Một hôm, phát hiện kẻ trộm đang đi trên chiếc xe đạp vừa lấy trộm được của người dân trong khu phố, bà Lịch vừa quát loa, vừa đuổi theo. Tưởng bà Lịch già không đuổi theo được lâu, tên trộm tiếp tục đạp nhanh hòng tẩu thoát. Chạy ra tới cánh đồng gồ ghề vẫn thấy bà Lịch đuổi theo, tên trộm sợ quá, đành bỏ của chạy lấy người.

Tận tình, tận tâm với công việc

Người dân tổ dân phố còn nhắc đến bà Lịch với hình ảnh một người tận tụy, hết lòng vì công việc. Theo họ, bà Lịch còn quan tâm tới từng ổ khóa, cánh cửa của các gia đình. Nhà nào chưa thay khóa an toàn, bà Lịch đến tận nhà hỏi thăm, động viên thay khóa mới.

Tới hôm nào gia đình thay khóa mới, bà Lịch mới thôi không hỏi thăm. Cánh cửa nhà nào bị mục, cũ, dễ tạo điều kiện cho trộm đột nhập, bà cũng đến tận nơi xem xét, động viên chủ hộ thay cửa mới để đảm bảo “vì tương lai con em chúng ta”.

Người lớn cũng như trẻ nhỏ nơi đây cũng quá quen thuộc với tiếng loa buổi sáng thứ 7 hàng tuần. Đó là loa báo hiệu người dân thức dậy, quét sân cổng, ngõ ngách để giữ gìn vệ sinh chung cho khu phố. Ban đầu, một số người cũng khó chịu với hành động này của bà Lịch, nhưng thấy đa số người xung quanh nghe và làm theo hiệu lệnh nên sau cũng chấp nhận và vui vẻ làm theo.

Hơn 30 năm qua, bất kể trời mưa dầm gió bấc hay nắng nóng oi bức, tiếng loa của bà tổ trưởng tổ bảo vệ vẫn không ngừng vang lên sang sảng. Người dân còn coi tiếng loa của bà Lịch “alo” là “đặc sản” của tổ dân phố số 14. Mùa hè, bà Lịch “alo” còn loa gọi trẻ nhỏ dậy tập thể dục vào mỗi sáng. Còn buổi tối, cứ mỗi khi tiếng loa của bà Lịch vang lên là người dân tổ 14 lấy làm “giờ chuẩn” để nhắc con cái ngồi vào bàn học.

Là người hết lòng, tận tụy với công việc, bà Lịch được mọi người trong dân tổ dân phố 14 thán phục, nể trọng bởi bao nhiêu năm nay bà Lịch đều làm việc trên tinh thần tự nguyện, theo bà “đó cũng là cách tôi làm cách mạng nhưng là cách mạng trong thời bình”.

Ghi nhận sự đóng góp của bà Nguyễn Thị Lịch với khu dân cư, Thành ủy Hà Nội, Công an Hà Nội, Công an quận Hà Đông đã trao tặng bà nhiều bằng khen và được bà treo ở chỗ trang trọng nhất trong nhà. Bao nhiêu năm nay, bà vẫn coi những tấm bằng khen đó là tài sản quý giá nhất cuộc đời mình.

Theo Lao động

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang